13.05.2024 15:46

Ngành Ngân hàng tiếp tục là ngọn cờ tiên phong về chuyển đổi số

Ngày 8/5, sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” do NHNN Việt Nam chủ trì, Thời báo Ngân hàng và Vụ Thanh toán phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Nhiều thành tựu đáng tự hào

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng - Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Ngân hàng cho biết, triển khai Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tại Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã xác định chủ đề chuyển đổi số năm nay là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và lãnh đạo các bộ, ngành trải nghiệm kết quả chuyển đổi số của các ngân hàng
Tiếp tục phát huy những thành quả, nhiệm vụ đạt được trong “Năm dữ liệu số quốc gia 2023”, NHNN đã lựa chọn chủ đề thông điệp “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” cho sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm nay. Chủ đề này sẽ hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm xuyên suốt lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm và định hướng chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Trên cơ sở đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngành Ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công cuộc chuyển đổi số và đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng: Chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng với công tác đảm bảo an ninh, an toàn...

Theo Thống đốc, những kết quả này đã được minh chứng qua nhiều chỉ tiêu đã đạt, vượt hoặc tiệm cận mục tiêu đề ra đến năm 2025 tại các Chương trình, Kế hoạch, Đề án về chuyển đổi số. Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm. Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày...

Tại sự kiện, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã trao tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Danh sách các tập thể nhận được bằng khen của Thống đốc gồm: BIDV; Trung tâm Digital Banking - Khối Ngân hàng cá nhân TPBank; Khối Ngân hàng số VIB; Trung tâm Đổi mới - Sáng tạo Galaxy. HDBank; Ngân hàng Đại chúng TNHH KASIKORNBANK, Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh; Công ty cổ phần Dịch vụ EPAY.

Bên cạnh đó, các công nghệ số mới, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được các ngân hàng ứng dụng mạnh mẽ để phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân, doanh nghiệp. Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực ASEAN.

Ngoài ra, ngành Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác phòng chống tội phạm và đặc biệt là đã tiên phong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06/QĐ-TTg ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Đề án 06, đánh giá, năm 2023, ngành Ngân hàng không ngừng thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sự phối hợp của Bộ Công an với NHNN bằng các nhiệm vụ trọng tâm đã làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, 3,5 triệu dữ liệu của các TCTD, trung gian thanh toán, ví điện tử và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai làm sạch với số dữ liệu còn lại. Đồng thời, phối hợp triển khai xác minh những tài khoản nghi ngờ giả mạo phục vụ công tác quản lý nhà nước, phòng chống rửa tiền, phòng chống tội phạm, xây dựng lòng tin của người dân.

Đến nay, đã có 48 TCTD triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp trên ứng dụng điện thoại di động; 58 TCTD xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp tại quầy giao dịch; 14 TCTD đang ứng dụng tài khoản định danh điện tử vào các nghiệp vụ như mở tài khoản, thanh toán, xác định giao dịch, đối chiếu xác thực thông tin… Các ngân hàng hoàn thiện giải pháp công nghệ, quy trình nghiệp vụ để thí điểm, nhận chi trả an sinh xã hội, thanh toán tiền điện nước dự kiến tiết kiệm chi phí khoảng 95 tỷ đồng/tháng; giảm thiểu tối đa thời gian, công sức, chi phí… từng bước thay thế các giải pháp truyền thống.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cũng khẳng định, ngành Ngân hàng luôn đi đầu trong chuyển đổi số, triển khai thành công các nền tảng quản lý và hiện đại hóa ngân hàng. Theo Thứ trưởng, việc hình thành hệ sinh thái và kết nối hệ thống thanh toán cùng với các nền tảng số quốc gia như Nền tảng định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an; Hệ thống hóa đơn điện tử của Bộ Tài chính cấu thành nên hạ tầng quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số nền kinh tế. Quan trọng hơn, chuyển đổi số giúp cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, hưởng lợi từ các dịch vụ số cơ bản, thiết yếu. Các dịch vụ này đã tích hợp sâu rộng để đảm bảo giao dịch số của các ngành, lĩnh vực khác được thực hiện xuyên suốt, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và thúc đẩy các giao dịch xuyên biên giới.

Tiếp tục lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ nhưng phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Phát huy những kết quả nêu trên, dự kiến trong thời gian tới, NHNN sẽ ưu tiên tập trung vào một số công việc. Cụ thể, tiếp tục rà soát đánh giá kết quả, thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định 810/QĐ-NHNN để sớm đạt được những mục tiêu đặt ra cho toàn Ngành. Tập trung hoàn thiện thể chế, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Ngoài ra, tiếp tục triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN. Đồng thời, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các hạ tầng công nghệ và chú trọng công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin trong quá trình chuyển đổi số ngân hàng.

Thống nhất chỉ đạo toàn Ngành sắp xếp, bố trí nguồn lực hợp lý cho hoạt động chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phân tích dữ liệu để cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích tới người dân, doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách an toàn, hiệu quả.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện hiệu quả toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các Chương trình, Kế hoạch của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia, Kế hoạch chuyển đổi số của Ngành. Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để kết nối, mở rộng và phát triển hệ sinh thái số tới các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế, đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để cung ứng các dịch vụ liền mạch, xuyên suốt, an toàn, tiết kiệm và minh bạch.

Để làm được điều đó, Thống đốc yêu cầu phải có sự thống nhất về nhận thức trong toàn Ngành, chỉ đạo xuyên suốt theo định hướng của Đảng, Chính phủ và sự đồng hành, phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan liên quan để có thể vượt qua và tiếp tục hoàn thành thắng lợi.
Theo Thời báo Ngân hàng.

Các tin liên quan