Ngành Ngân hàng là ngành dịch vụ hiện đại, huyết mạch của cả nền kinh tế. Hoạt động của ngành Ngân hàng bao trùm lên tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội, gắn liền với sự vận động của toàn bộ nền kinh tế, nên có thể nói khi ngành Ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số đã thúc đẩy các ngành kinh tế khác thực hiện chuyển đổi số, cùng nhau hiện thực hoá các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số.
Việc số hóa hoạt động ngân hàng góp phần cung cấp công cụ và tạo điều kiện thuận lợi hơn, cũng như rộng mở cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng. Về phía ngân hàng môi trường số cũng giúp việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ nhanh chóng, hiệu quả với chi phí thấp hơn. Việc số hóa cũng sẽ giúp cho hoạt động của hệ thống ngân hàng trở nên minh bạch hơn trong cung cấp tài chính cho nền kinh tế trên cơ sở các tiêu chuẩn quản trị khắt khe của Ngành. Số hóa cũng giúp các NHTM tối ưu hóa chi phí vận hành nhằm giảm lãi suất cho vay, góp phần đánh giá và quản lý tốt hơn rủi ro trong hoạt động kinh doanh tài chính, tiền tệ. Chuyển đổi số ngành Ngân hàng còn thúc đẩy tài chính toàn diện bằng việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt là đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính vì vậy có thể nói, ngành Ngân hàng có vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia thể hiện tại “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do NHNN ban hành tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021; và mới đây nhất Thống đốc NHNN Việt Nam đã ký Quyết định số 653/QĐ-BCĐ Ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động của NHNN năm 2023. Việc ứng dụng các công nghệ số mới nhất, tiên tiến nhất trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thanh toán đã, đang làm thay đổi cơ bản diện mạo ngành Ngân hàng. Nhưng sự xuất hiện của các sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng số cũng đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo "không gian" cho các bên tham gia thị trường phát triển an toàn, đúng định hướng, tuân thủ pháp luật. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp và người dân mong muốn và kỳ vọng trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD, Luật NHNN tới đây sẽ thể hiện rõ những quy định phù hợp xu thế tiến bộ của khoa học công nghệ; để ngành Ngân hàng, các doanh nghiệp fintech tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa các loại hình dịch vụ số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số mạnh mẽ... mang lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm an toàn, lành mạnh của toàn hệ thống cũng như của từng TCTD.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia: Phía trước còn nhiều thách thức
Thách thức lớn nhất của phát triển ngân hàng số và chuyển đổi số ngân hàng truyền thống thành ngân hàng số là phải thay đổi căn bản khung pháp lý hiện hành. NHNN cần đưa ra mô hình chuyển đổi ngân hàng số phù hợp với thực tiễn Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu các mô hình phát triển ngân hàng số của các nước Đông Nam Á.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mô hình ngân hàng số chồng lên ngân hàng truyền thống khá thích hợp với cách thức chuyển đổi hiện nay của Việt Nam. Toàn bộ dịch vụ tiền gửi và tín dụng cũng cần được thay đổi, nhất là tín dụng doanh nghiệp để có thể số hoá theo hướng tiệm tiến, giảm thiểu tối đa sự can thiệp của con người trên cơ sở sử dụng kỹ năng quản lý dữ liệu lớn, AI…
Thách thức lớn thứ hai là đạo đức. Nhiều nhà quản lý cao cấp, trung cấp, kể cả nhân viên ngân hàng phải đối mặt với rủi ro mất việc làm hoặc không đảm đương được vai trò quản lý của mình trong điều kiện số hoá. Vì vậy việc từng bước đơn giản hoá và số hoá thủ tục sẽ bị cản trở từ chính ngân hàng truyền thống. Mặt khác, số hoá đồng nghĩa với việc minh bạch và kỷ luật hoá một cách máy móc toàn bộ các quy trình, đặc biệt là quy trình tín dụng doanh nghiệp.
Ngân hàng số đòi hỏi phải có công nghệ cloud (kho dữ liệu quốc gia khai thác chung) và hệ thống định danh điện tử quốc gia. Hiện nay từng NHTM có kho dữ liệu và hệ thống định danh điện tử - eKYC riêng rất tốn kém chi phí và hiệu quả khai thác không cao. Do đó Nhà nước cần phải thay đổi để các NHTM được lưu trữ, quản lý và khai thác dịch vụ quan trọng này.
Thách thức thứ ba, chỉ hệ thống ngân hàng được số hoá trong khi chính phủ, các doanh nghiệp chưa được số hoá cũng sẽ gây khó khăn cho các hoạt động tín dụng, xử lý nợ, giao dịch đảm bảo, xử lý tài sản đảm bảo… Vì vậy cần có một hệ thống luật pháp hướng tới môi trường số hoá đồng bộ để hỗ trợ cho quá trình số hoá ngân hàng.
Thách thức cuối cùng của phát triển ngân hàng số là bảo mật thông tin cá nhân và thông tin quốc gia. Bảo mật thông tin là yếu tố tác động trực tiếp đến lòng tin của khách hàng, nhất là người gửi tiền. Xu hướng các ngân hàng hợp tác hoặc cùng đầu tư với Fintech cũng đặt ra yêu cầu về bảo mật thông tin và quản lý rủi ro của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam trong tương lai gần. Mặc dù các NHTM đã có nhiều cố gắng thực hiện chiến lược số hoá, nhưng thách thức phía trước còn rất lớn. Các khoản đầu tư vào lĩnh vực số hoá cần được xem xét kỹ lưỡng với tầm nhìn dài hạn và thực tế để quá trình này mang lại hiệu quả thiết thực.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV: Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế
Kết quả chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đã mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, cho khách hàng cũng như bản thân ngân hàng thông qua sự đổi mới trong sản phẩm dịch vụ, cách thức tiếp cận, giao tiếp với khách hàng, quy trình phục vụ khách hàng hay trong cách thức quản lý, ra quyết định của bản thân ngân hàng.
Số hóa ngành Ngân hàng giúp tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ tài chính nói chung, giúp thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử. Đặc biệt những năm gần đây hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng trưởng rất cao, góp phần thực hiện tốt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN. Đến nay, đã có 90% hồ sơ của ngân hàng đã không sử dụng giấy tờ trong các quy trình nghiệp vụ; nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, quản lý nhân sự, kế toán - tài chính…); nhiều ngân hàng đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số…
Lợi ích của chuyển đổi số với bản thân các NHTM cũng đã được nhìn thấy rõ ràng. Quá trình chuyển đổi số đã giúp tăng tốc xử lý hoạt động của hệ thống; giúp nhiều TCTD tăng năng suất và hiệu quả hoạt động, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR), gia tăng CASA… qua góp phần giúp các ngân hàng gia tăng ổn định thanh khoản, giảm chi phí huy động vốn và tăng hiệu quả hoạt động. Các ngân hàng đã đa dạng hóa dịch vụ giúp xây dựng hệ sinh thái ngân hàng hoàn chỉnh, đáp ứng mọi nhu cầu về tài chính của khách hàng. Hiện nay, các ngân hàng đã dần xây dựng được đủ 3 lớp dịch vụ bao gồm dịch vụ ngân hàng lõi, dịch vụ ngân hàng bổ sung và dịch vụ phi ngân hàng. Tuy vậy, quá trình chuyển đổi số của ngành còn một số hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới, như: Khung pháp lý còn chưa hoàn thiện cho các dịch vụ số mới; cơ sở hạ tầng phát triển ngân hàng số còn nhiều bất cập; rủi ro CNTT và chuyển đổi số tăng; nhận thức của người dùng về các rủi ro trong giao dịch ngân hàng trực tuyến chưa đầy đủ; các giao dịch, thủ đoạn gian lận ngày càng tinh vi, khó phát hiện…
Để quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng hiệu quả, cần lưu tâm một số vấn đề: hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển ngân hàng số cần được chú trọng và đẩy nhanh tiến độ; rà soát các văn bản hướng dẫn về lưu trữ, bảo vệ và chia sẻ dữ liệu, hướng dẫn kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để phục vụ cho eKYC khách hàng… Đặc biệt, Luật Các TCTD đang được xem xét sửa đổi, cần rà soát để bỏ quy định không còn phù hợp, đồng thời bổ sung các quy định về tập đoàn tài chính (số)… Hai là, NHNN cần phối hợp với các bộ, ban ngành xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng CNTT của nền kinh tế; chuẩn hóa tiêu chuẩn kết nối chia sẻ dữ liệu tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hệ sinh thái ngân hàng số trong tương lai. Bên cạnh đó, cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu, cạnh tranh, viễn thông, CNTT, an ninh mạng nhằm phối hợp giám sát ngân hàng số. Ba là, NHNN cần nhanh chóng xây dựng các quy định pháp lý về quản lý rủi ro CNTT và chuyển đổi số trong ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đang dần tiến tới triển khai mô hình ngân hàng số thuần túy... Bốn là, NHNN cùng với các TCTD cần phối hợp nâng cao nhận thức của người dùng đối với các rủi ro trong các dịch vụ số nói chung và sử dụng dịch vụ tài chính số một cách an toàn.
Năm là, sau khi đã hoàn thành chuyển đổi công nghệ lõi, trong tương lai, các TCTD nên chuyển đổi số một cách có chọn lọc, hướng tới giảm sự phụ thuộc vào con người trong các vai trò vận hành, tăng cường tự động hóa, thiết kế lại các quy trình và tăng cường giao diện kỹ thuật số...
Sáu là, chuyển đổi số của ngân hàng phải đảm bảo việc tận dụng công nghệ và dữ liệu để làm hài lòng khách hàng cũng như đón đầu được sự thay đổi công nghệ trong tương lai. Theo đó, các ngân hàng cần xây dựng được một kiến trúc công nghệ gốc tốt nhất, sau đó là xây dựng được một bộ API linh hoạt, tích hợp và triển khai các sản phẩm cụ thể. Theo kinh nghiệm quốc tế, các NHTM sẽ đạt được hiệu quả tăng năng suất lên khoảng 25% trong 6 đến 18 tháng thay đổi công nghệ, và có thể tiếp tục việc giảm chi phí trên các nền tảng kế thừa, cho phép giảm đáng kể chi phí vận hành CNTT cho các ngân hàng.
TS. Châu Đình Linh, Đại học Ngân hàng TP.HCM: Nâng cao hiệu quả, tối ưu hóa chi phí
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã khẳng định vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia. Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, là kênh dẫn vốn chủ lực phục vụ sản xuất kinh doanh, hệ thống ngân hàng đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao đời sống người dân. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Trong nền kinh tế số, càng khẳng định mạnh mẽ vai trò dẫn dắt của ngành Ngân hàng. NHNN đã hoàn thiện thể chế, rà soát xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật trong ngành Ngân hàng phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế số, xã hội số. Hệ thống NHTM tích cực chuyển đổi số, đem đến những sản phẩm, dịch vụ ngày càng tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi các hoạt động của nền kinh tế trên môi trường số. Không dừng lại ở các giao dịch ngân hàng thông thường, doanh nghiệp khi tham gia vào hệ sinh thái số của ngân hàng có thể gặp gỡ các doanh nghiệp khác, chia sẻ sản phẩm với khách hàng trong hệ sinh thái đó, và tối ưu hoá chi phí cho chuyển đổi số. Có thể thấy rằng, trong thời gian qua, các ngân hàng tại Việt Nam đã chủ động ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào các hoạt động ngân hàng, phát triển mô hình ngân hàng số, tạo lập hệ sinh thái số cung ứng các sản phẩm dịch vụ an toàn, tiện ích, chất lượng nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, từ đó, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Ở chiều ngược lại, việc nỗ lực chuyển đổi mô hình ngân hàng số cũng là yêu cầu bắt buộc đối với các nhà băng khi hành vi người dùng đang thay đổi từng ngày, chuyển đổi số giúp nâng cao hành trình trải nghiệm cho khách hàng, tăng mức độ trung thành của người dùng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Hơn nữa, nó còn là yêu cầu tất yếu của nền kinh tế số, khi mọi hoạt động đang được đẩy nhanh, mạnh lên môi trường số, để đảm bảo tính tương thích, ngân hàng buộc phải chuyển đổi số.
Theo Thời báo Ngân hàng