Ngày 28/6/2021, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, "hiến kế" của các doanh nhân trong tỉnh; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, trăn trở của các doanh nghiệp, từ đó có những giải đáp để các doanh nghiệp hiểu rõ; cùng với đó, tỉnh sẽ có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 hiện nay.
Các đại biểu dự hội nghị
Tại hội nghị, có gần 40 ý kiến của các doanh nghiệp đại diện cho khoảng gần 9.000 doanh nghiệp trên địa bàn, đề nghị Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.
Liên quan đến vấn đề tiền tệ, tín dụng, ngân hàng các doanh nghiệp đề xuất ngành Ngân hàng cần nghiên cứu hạ thêm lãi suất cho vay, giãn nợ, đơn giản hóa thủ tục vay vốn,… Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh và các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã trả lời, giải trình và được các doanh nghiệp đồng tình cao.
Ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát, NHNN Việt Nam đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu các TCTD rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với khách hàng để xây dựng chương trình, kịch bản hành động của ngành Ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021) quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19, tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng khách hàng (bao gồm cả DNNVV, hộ gia đình, các lĩnh vực sản xuất, lưu thông hàng hóa thiết yếu, các lĩnh vực ưu tiên,...).
Từ đầu năm 2020 đến nay, để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện phục hồi nhanh nền kinh tế, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô cắt giảm tương đối mạnh, tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện hỗ trợ khách hàng giảm chi phí vốn vay, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, NHNN cũng điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn của TCTD đối với các lĩnh vực ưu tiên, với tổng mức giảm 1,5%/năm; chỉ đạo TCTD cân đối nguồn vốn, tài chính, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, không chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020, 2021, tập trung mọi nguồn lực để giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Kết quả là mặt bằng lãi suất cho vay thị trường giảm nhanh (từ 0,5-2,5% so với trước khi có dịch); trong đó lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm so với đầu năm 2020, hiện ở mức 4,5%/năm đối với các TCTD và 5,5%/năm đối với tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
NHNN chi nhánh tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của NHNN Việt Nam và TCTD cấp trên về điều hành lãi suất. Đến cuối tháng 6/2021, trong tổng dư nợ (trên 92 ngàn tỷ đồng) thì cơ cấu dư nợ với mức lãi suất dưới 7% chiếm 14,7%; lãi suất từ 7 đến dưới 9% chiếm 33,6%; lãi suất từ 9-11% chiếm 39%; lãi suất trên 11% chiếm 12,7%.
Chỉ đạo các TCTD đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, tạo thuận lợi hơn nữa cho khách hàng khi áp dụng các giải pháp hỗ trợ, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh. Các TCTD đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng nhằm đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Khẩn trương triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Thực hiện cho vay tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng từ NHNN để Ngân hàng Chính sách xã hội có nguồn vốn cho vay đơn vị để trả lương cho người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%, không cần tài sản bảo đảm.
Chỉ đạo các ngân hàng, TCTD thực hiện kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19, từ đó nắm bắt tình hình thực hiện các giải pháp của ngành Ngân hàng để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, đồng thời đẩy mạnh gắn kết giữa ngành Ngân hàng với các sở, ngành địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh đã có văn bản đề nghị các Hiệp hội ngành hàng trên địa bàn và trực tiếp làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
NHNN chi nhánh tỉnh đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận và xử lý kịp thời, triệt để các kiến nghị, đề xuất và khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, các Hiệp hội trên địa bàn. Tổ chức rà soát, phân tích, đánh giá, thống kê dư nợ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các khách hàng có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, nông nghiệp, xuất khẩu,… Đưa ra những giải pháp hỗ trợ cụ thể, thể hiện sự đồng hành chia sẻ của ngành Ngân hàng Ninh Bình đối với người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Kết quả, đến ngày 1/6/2021, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã xác định số dư nợ khách hàng bị thiệt hại hiện còn 3.376.159 triệu đồng và đã hỗ trợ cho khách hàng bằng các hình thức: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 249 khách hàng với dư nợ 1.336.639 triệu đồng; miễn, giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ cho 50 khách hàng với dư nợ 214.996 triệu đồng, số tiền lãi đã được miễn, giảm là 349 triệu đồng; cho vay mới 3.381 khách hàng (lũy kế từ ngày 23/01/2020 với số tiền 3.014.756 triệu đồng.
Song song với đó, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn cũng đẩy mạnh công tác thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá và phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt, góp phần hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan; tăng cường các hoạt động trực tuyến trong thực hiện các thủ tục giao dịch tiền tệ, tín dụng, cắt giảm các thủ tục không cần thiết để hạn chế khách hàng phải đi lại và đến trực tiếp ngân hàng để giao dịch.
Các ngân hàng đã 3 lần liên tiếp giảm phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt: Miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến, các dịch vụ công; giảm phí chuyển mạch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 đồng/giao dịch trở xuống) từ 1.800 đồng/giao dịch xuống còn 500 đồng/giao dịch. Tiếp tục giảm 50% đối với phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng cho các giao dịch có giá trị từ 500.000-2.000.000 đồng áp dụng từ ngày 25/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Áp dụng chính sách miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch bệnh, Quỹ Vắc-xin phòng chống COVID-19.
Ngoài ra, NHNN chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân tích cực triển khai và báo cáo để được NHNN Việt Nam đưa vào danh sách các TCTD được Cơ quan quản lý thuế thực hiện gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ. Từ đó, các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân có thêm điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Theo Thời báo ngân hàng
12.11.2024