Đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro là những điểm nổi bật trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN 6 tháng đầu năm nay, được đại diện các Vụ, Cục giải đáp tại buổi họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, diễn ra ngày 21/6.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ:
Lạm phát chưa phải là mối lo, tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ
Đến quý II/2021, chính sách tiền tệ của NHNN vẫn được điều hành theo định hướng chủ đạo là hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ: “vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế”; đảm bảo vận hành thông suốt và ổn định thị trường tiền tệ.
Đối với điều hành nghiệp vụ thị trường mở, NHNN điều hành chủ động, linh hoạt nghiệp vụ này nhằm hỗ trợ thanh khoản và ổn định thị trường tiền tệ. Theo đó, NHNN duy trì hàng ngày thực hiện chào mua giấy tờ có giá với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,5%/năm để phát tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD).
Bên cạnh đó, NHNN sẽ giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vay vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Hiện mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020.
Liên quan đến điều hành tín dụng, NHNN xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 12%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD, đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
NHNN sẽ tiếp tục duy trì ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc để tạo điều kiện ổn định thị trường tiền tệ; điều hành công cụ tái cấp vốn phù hợp với chủ trương của Chính phủ, mục tiêu điều hành của NHNN và nhu cầu vốn của TCTD; triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong đó có các giải pháp về tái cấp vốn.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế:
Tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro có xu hướng giảm
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế
Ước tính đến cuối tháng 6/2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản chỉ khoảng 5,5%, thấp hơn mức tăng trưởng chung toàn Ngành.
Tín dụng bất động sản tăng chậm chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động đầu tư giảm mạnh, thậm chí mức tăng trên còn thấp hơn đà tăng trưởng tín dụng bình quân cùng năm.
Trong tháng 3 và 4/2021, giá bất động sản tăng đột biến trên diện rộng, đặc biệt là giá đất nền. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt, NHNN đã đưa ra phân tích, cảnh báo rủi ro tiềm ẩn trong đầu tư bất động sản nên giá đất nền tại một số địa phương hiện giảm tương đối nhiều.
Việc một số địa phương kiểm soát tốt, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ là công khai quy hoạch các dự án cũng góp phần xử lý cơ bản hiện tượng tăng “nóng”, góp phần giảm “sốt đất”. Với mức tăng hiện tại, NHNN vẫn kiểm soát tốt nhưng vẫn yêu cầu các TCTD đánh giá lại, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng trong từng lĩnh vực.
Chứng khoán cũng là lĩnh vực mà nhiều cơ quan quản lý, người dân quan tâm, đặc biệt khi thời gian qua thị trường này biến động liên tục nên cần tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động đầu tư. Thời gian tới, NHNN sẽ có các giải pháp giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay, đặc biệt hạn chế việc lách luật để cho vay lĩnh vực này, giám sát việc sử dụng vốn sai mục đích, tăng cường giám sát các TCTD, người vay, mục đích vay…
Tính đến hết tháng 6/2021, tín dụng chứng khoán dự kiến đạt 46.700 tỷ đồng, chỉ tăng 400 - 500 tỷ đồng so với tháng 4 và 5/2021, trong khi thị trường chung cũng tăng lên, dẫn đến tỷ trọng cho vay lĩnh vực này vẫn ở mức thấp so với tổng dư nợ.
Với trái phiếu doanh nghiệp, dư nợ hiện nay là 257.700 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ. Đến hết tháng 6/2021 sẽ chỉ tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng. Đây không phải là tỷ lệ quá lớn nhưng hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp khá nhạy cảm và NHNN coi đây là một trong những nội dung cần giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Tinh thần là không chủ quan, NHNN sẽ giám sát dòng tiền đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán:
Tăng cường phối hợp để đưa dịch vụ hiện đại tới khách hàng
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán – NHNN
Tại Việt Nam, sau một thời gian cho thực hiện thí điểm eKYC ở một số ngân hàng, ngày 3/12/2020, NHNN đã ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN, chính thức cho phép thực hiện eKYC.
Đến cuối tháng 4/2021, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân đạt 104,17 triệu tài khoản (tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020), hiện có khoảng hơn 340.000 tài khoản thanh toán mở bằng phương thức điện tử, trong đó có eKYC.
Đây là một vấn đề mới, trong quá trình triển khai, NHNN phải phối hợp rất nhiều với các đơn vị liên quan, thông tin tới các ngân hàng thương mại để chủ động làm việc vì phải dựa vào nguồn dữ liệu trên căn cước công dân, số chứng minh thư nhân dân. Khi triển khai eKYC, 100% ngân hàng đều tiếp cận một phần hậu kiểm để kiểm tra toàn bộ dữ liệu thông tin nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng và thanh toán của khách hàng.
Theo đánh giá của NHNN, khai thác dữ liệu công dân với công nghệ ngân hàng trong eKYC là công cụ hữu hiệu cho người dân có thể mở tài khoản trực tuyến tại ngân hàng, là một trong những chiến lược để thực hiện mục tiêu tài chính Quốc gia.
Để làm được eKYC, NHNN dự kiến sẽ khai thác dữ liệu dựa trên hai nguồn, trong đó có sử dụng nguồn cơ sở dữ liệu trên thẻ căn cước công dân, cho phép ngân hàng gửi thông tin vào, có ứng dụng tự chạy và trả lại thông tin cho ngân hàng.
Ngoài eKYC, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử trong khu vực công tiếp tục được chú trọng, mở rộng. Trong thời gian qua, NHNN đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế triển khai kết nối, thanh toán trực tuyến học phí, viện phí trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Đến nay, nền tảng thanh toán của Cổng dịch vụ công Quốc gia đã được kết nối tới hầu hết các tài khoản tại các ngân hàng, cho phép mở rộng mạng lưới thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia (áp dụng với hình thức thẻ ngân hàng).
Kết quả 3 năm 2018-2020 thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công đã mở rộng về số lượng dịch vụ, về quy mô xử lý và chất lượng dịch vụ, như 92,3% các giao dịch thu ngân sách và 94,35% số tiền điện được thực hiện thanh toán qua ngân hàng, vượt mức mục tiêu đề ra tại Đề án.
Theo Thời báo Ngân hàng
12.11.2024