Cơn bão số 3 (tức bão Yagi) đổ bộ vào nước ta đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề. Không chỉ đối mặt với nguy hiểm trước, trong mà sau khi bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục gây mưa to trên diện rộng, khiến người dân phải đối diện với những nguy cơ như lũ quét, sạt lở đất, mất điện và ngập úng đô thị.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú đại diện trao 38,4 tỷ đồng là đóng góp của ngành Ngân hàng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Đảm bảo hoạt động ngân hàng thông suốt
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão lịch sử, NHNN đã bám sát tình hình, chỉ đạo trước, trong và sau bão để đảm bảo hoạt động ngân hàng ở các địa phương nơi bão số 3 quét qua được an toàn, thông suốt. Tại Hà Nội, chiều ngày 7/9/2024, ngay khi cơn bão đang vào Hà Nội với cường độ rất mạnh, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú trực tiếp dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác ứng trực chống bão và đề phòng xử lý những tình huống, sự cố có thể xảy ra tại trụ sở cơ quan NHNN Trung ương và Nhà máy In tiền Quốc gia. Phó Thống đốc đã trực tiếp kiểm tra hệ thống an ninh, hệ thống điện và việc gia cố bảo vệ các tòa nhà tại các trụ sở Cơ quan NHNN Trung ương; kiểm tra khu phân xưởng sản xuất, hệ thống cửa kho và hệ thống bơm chống ngập cục bộ Nhà máy In tiền Quốc gia…
Tại các địa phương nơi trực tiếp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương… ngành Ngân hàng cũng nhanh chóng triển khai những giải pháp để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trên địa bàn.
Tại Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Dung - Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hải Phòng cho biết, chi nhánh đã nhanh chóng ban hành văn bản, yêu cầu các TCTD trên địa bàn; Trung tâm Quản lý tiền mặt Hải Phòng theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, lụt, bão trong vùng và địa phương để đảm bảo an toàn khu vực trụ sở cơ quan, kho tiền; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai xảy ra; Tiếp tục thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và hiệu quả). Đặc biệt, bố trí lực lượng trực phòng, chống thiên tai 24/24 giờ tại nơi làm việc…
Theo báo cáo nhanh của các TCTD trên địa bàn thành phố, do có phương án ứng phó chủ động, các chi nhánh đã nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão, an toàn kho quỹ được đảm bảo. Dù nhiều phòng giao dịch đã chịu ảnh hưởng nặng nề như hỏng biển hiệu, trụ sở hư hại, hỏng cây ATM… nhưng những sự cố trên đã được nhanh chóng xử lý, để đảm bảo không gian giao dịch cho khách hàng trở lại hoạt động bình thường từ ngày 9/9. Riêng một số khu vực vẫn mất điện, hỏng đường truyền mạng nên phải tạm ngừng giao dịch như phòng giao dịch tại Kiến An, Hoa Phượng, Kiến Thuỵ…
Tại Nam Định, ông Đặng Văn Kim - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Nam Định cho biết, chi nhánh đã chủ động bám sát chỉ đạo của tỉnh, NHNN Việt nam theo dõi sát tình hình của bão số 3. Đồng thời, nhanh chóng ban hành văn bản chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão. Dưới sự chỉ đạo của chi nhánh, các TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống bão, chuẩn bị biện pháp phù hợp để đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng… Nhờ đó, sau khi cơn bão Yagi đi qua, hiện 100% các phòng giao dịch của chi nhánh ngân hàng trên địa bàn hoạt động bình thường, đảm bảo nhu cầu dịch vụ ngân hàng của người dân được thông suốt.
Còn tại Quảng Ninh - nơi ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 3, hậu quả để lại vô cùng nặng nề. Nhiều căn nhà bị tốc mái, hàng trăm cây xanh, cột điện bị gãy đổ. Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng, pano, biển quảng cáo bị gãy đổ. Theo thông tin từ NHNN chi nhánh Quảng Ninh, nhiều trụ sở chi nhánh ngân hàng trên địa bàn bị thiệt hại nặng nề, hiện đang nỗ lực khắc phục để sớm ổn định hoạt động. Về phía NHNN chi nhánh đang bám sát tình hình thực tiễn, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của tỉnh, NHNN để chỉ đạo các TCTD trên địa bàn nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú kiểm tra và chỉ đạo ứng phó cơn bão số 3 tại Trụ sở NHNN Trung ương và Nhà máy In tiền Quốc gia Điểm giao dịch của một ngân hàng trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã trở lại hoạt động bình thường sau bão Khẩn trương hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng
Trước những hậu quả do cơn bão lịch sử để lại, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhanh chóng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay khắc phục hậu quả sau bão. Ngày 9/9, NHNN đã có văn bản số 7417 chỉ đạo các TCTD và NHNN chi nhánh một số tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD, chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Đối với 35 NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố là đầu mối chỉ đạo các TCTD trên địa bàn khẩn trương triển khai hỗ trợ khách hàng để góp phần khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. “Các địa phương báo cáo NHNN về đánh giá thiệt hại vốn vay của khách hàng và kết quả bước đầu triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ của ngành Ngân hàng trên địa bàn trước ngày 20/9/2024”, văn bản nêu rõ.
Ngay sau chỉ đạo của NHNN, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành đã ban hành văn bản chỉ đạo các TCTD trên địa bàn khẩn trương khắc phục các thiệt hại sau bão số 3, khôi phục lại hệ thống cơ sở hạ tầng, hoạt động của đơn vị, không để ảnh hưởng đến giao dịch ngân hàng, công tác tín dụng, thanh toán, tiền mặt trên địa bàn, đảm bảo thông suốt, an toàn; Có phương án, kế hoạch huy động cán bộ, nhân viên, thanh niên tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cán bộ, nhân viên, các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách để cùng với người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh...
Thái Nguyên - một trong những “điểm nóng” lũ lụt, ông Bùi Văn Khoa - Giám đốc NHNN chi nhánh Thái Nguyên cho biết, chi nhánh đang chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đảm bảo an toàn tài sản, con người của chính các TCTD và hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên đến thời điểm này, do tình hình lũ lụt hết sức phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nên nhiệm vụ ưu tiên trước mắt cố gắng đảm bảo an toàn hoạt động giao dịch của ngân hàng, khách hàng. “Hiện 1/3 chi nhánh ngân hàng trên địa bàn phải đóng cửa, nhiều tuyến đường bị tê liệt, cán bộ tín dụng không đến được trụ sở…”, ông Khoa cho biết thêm.
Tại tỉnh Lào Cai - địa phương đang chịu mưa lũ và sạt lở nghiêm trọng, ông Đỗ Quang Huy - Phó giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh tỉnh Lào Cai cho biết, cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo ngay trong ngày 9/9. Cụ thể, NHNN chi nhánh yêu cầu các đơn vị trên địa bàn chủ động nắm bắt tình hình mưa lũ tại địa bàn, bố trí lực lượng trực tại trụ sở cơ quan, đơn vị 24/24 giờ để kịp thời xử lý các tình huống do diễn biến của bão gây ra. Đồng thời, có phương án phòng chống lũ khẩn cấp để kịp thời di dời tài sản đến nơi an toàn, đặc biệt là đảm bảo an toàn kho quỹ. Báo cáo tình hình ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lũ của đơn vị và khách hàng về NHNN chi nhánh tỉnh Lào Cai.
Đối với tình hình mưa lũ đang diễn biến hết sức phức tạp, ông Huy cho biết, ngay tại chi nhánh cũng đã triển khai kích hoạt phương án phòng chống thiên tai; thành lập các tổ để trực, vận chuyển chứng từ, kho quỹ lên vị trí an toàn trong trường hợp lũ dâng cao, nguy cơ gây mất an toàn; lực lượng bảo vệ phối hợp với tổ công an bảo vệ mục tiêu tăng cường tuần tra canh gác, bảo đảm an ninh trật tự khu vực trụ sở nhằm phòng tránh tội phạm lợi dụng tình hình mưa lũ phức tạp.
Đối với NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình, do chủ động các phương án phòng chống bão số 3 nên thiệt hại không đáng kể, cơ sở vật chất, kho quỹ an toàn, Chi nhánh hoạt động bình thường ngay sau bão. Đại diện chi nhánh cho biết, đối với hệ thống ngân hàng, có 12/28 chi nhánh ngân hàng trên địa bàn bị thiệt hại do bão số 3, giá trị thiệt hại khoảng 2,4 tỷ đồng. Đối với hệ thống QTDND trên địa bàn, có 8/85 QTDND bị thiệt hại, giá trị thiệt hại khoảng 130 triệu đồng. Đối với khách hàng vay vốn, ngay sau bão, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã triển khai nắm bắt tình hình thiệt hại đối với khách hàng vay vốn theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và Hội sở chính các TCTD. Hiện tại các TCTD đang thống kê tình hình thiệt hại của khách hàng.
Tại một số tỉnh, thành khác đang ảnh hưởng bởi lũ nặng nề như Bắc Giang, Sơn La… lãnh đạo NHNN chi nhánh cũng cho biết đang bám sát tình hình và có văn bản chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi thiên tai.
Về phía các NHTM cũng nhanh chóng có nhiều hành động thiết thực để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Đơn cử như ngay ngày làm việc đầu tiên sau bão số 3, Agribank tổ chức ngay các đoàn công tác nắm bắt tình hình, thăm hỏi khách hàng vay vốn, động viên cán bộ, người lao động các Chi nhánh tại một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương… chịu thiệt hại nặng nề do bão Yagi gây ra.
Tinh thần chung của hệ thống TCTD là khẩn trương, chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc, cũng như tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng vay vốn để thống kê, ước tính thiệt hại do ảnh hưởng của bão; Kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và quy định của pháp luật như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay…
Theo Thời báo Ngân hàng.