NHNN vừa có văn bản 6385/NHNN/CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.
NHNN vừa có văn bản 6385/NHNN/CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
NHNN cũng yêu cầu các TCTD báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8. Bên cạnh đó, báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới gửi Ngân hàng Nhà nước trước ngày 8/1/2024.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh liên tục giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2%/năm hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm diễn ra ngày 13/7 của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), các ngân hàng đi đến đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay để đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp.
Thực tế, trong thời gian qua các ngân hàng không ngại hy sinh lợi nhuận tích cực giảm lãi suất cho vay, cũng như triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với quy mô lớn đồng hành cùng khách hàng vượt khó.
Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Từ đầu năm đến nay Agribank 6 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp... Theo đó, đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2% đến 4%/năm so với đầu năm.
Mới đây nhất Sacombank tung gói tín dụng ưu đãi quy mô lên tới 30.000 tỷ đồng. Trong đó, Sacombank dành 20.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm sản xuất nông nghiệp), với mức lãi suất thấp chỉ từ 7,5%/năm. Đối với nhu cầu vay phục vụ đời sống, Sacombank dành 10.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mua, xây, sửa bất động sản và nhiều mục đích tiêu dùng khác nhau với mức lãi suất chỉ từ 9%/năm. Đặc biệt, đối với khách hàng lần đầu tiên mua nhà để ở thỏa điều kiện, mức lãi suất chỉ từ 8%/năm.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cho biết, hàng loạt khoản vay mới và cũ tại TPBank đều được giảm lãi, gia hạn. Có những khoản vay đủ điều kiện có thể được giảm tối đa tới 3,6%/năm giúp người đi vay bớt nỗi lo trả lãi ngân hàng, an tâm làm ăn kinh doanh
"Ngân hàng luôn sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng vượt khó với hạ lãi suất cho vay thiết thực và kịp thời. Bởi ngân hàng hiểu một khi lãi suất cho vay dễ chịu hơn, các quyết định đầu tư của khách hàng sẽ vững tâm hơn. Từ đó tình hình sản xuất kinh doanh nói riêng sẽ có tín hiệu khởi sắc và thị trường nói chung sẽ sôi động trở lại", ông Nguyễn Hưng khẳng định.
TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Tài chính - Trường đại học Kinh tế TP.HCM cũng đưa ra nhận định, khả năng mặt bằng lãi suất cho vay trong nửa cuối năm sẽ giảm nhanh hơn 2 quý đầu năm nay. Song khó kỳ vọng lãi suất giảm mạnh do hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu nên các ngân hàng chưa tiêu thụ được nhiều vốn huy động giá cao. Ngoài ra, theo đánh giá của TS Huân, dư địa giảm lãi suất điều hành không còn nhiều. Bởi chính sách tiền tệ đã được sử dụng nhiều trong hai quý đầu năm hỗ trợ kinh tế.
Về phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Thường trực NHNN ông Đào Minh Tú cho hay, thời gian tới nếu có điều kiện NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Ở góc độ các NHTM sẽ chủ động, phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên giảm chi phí. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, giảm lãi suất chỉ là một phần của vấn đề, chưa đủ để kéo tăng trưởng tín dụng đi lên.
Đặc biệt là trong bối cảnh thị trường có khó khăn hiện nay, rủi ro nợ xấu gia tăng. Nếu ngân hàng hạ điều kiện cho vay thì tín dụng sẽ tăng ồ ạt, nhưng hệ luỵ là nợ xấu lập tức gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng.
Theo Thời báo Ngân hàng.