Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ tiếp tục chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế trong đó có lĩnh vực bất động sản, tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngân hàng sẽ tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án khả thi, đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng
Tín dụng bất động sản tăng từng năm
Phát biểu tại Hội nghị công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản được NHNN tổ chức sáng 8/2, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng bất động sản. Đó chỉ là chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro như phân khúc có tỷ lệ đầu cơ lớn,… để đảm bảo an toàn hệ thống, đến nay NHNN nhất quán quan điểm chỉ đạo như vậy. Còn đối với tín dụng phục vụ mục đích chính đáng của người mua nhà đều được đảm bảo công bằng như các lĩnh vực khác.
Trong năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả và kịp thời nhận diện, đánh giá khó khăn, tác động để có biện pháp phù hợp. Trên cơ sở kết quả đạt được của tín dụng năm 2022, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.
Báo cáo tại Hội nghị bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, kể từ năm 2017 tới hết năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng trưởng trên 20%/năm; cao hơn mức độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (từ 13-14%) và giữ tỷ trọng từ 18-19% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.
Trong hai năm 2020 và 2021, dưới tác động của dịch Covid-19, dư nợ tín dụng bất động sản vẫn có sự tăng trưởng tuy nhiên ở mức thấp hơn những năm trước (năm 2020 tăng 12,06%, năm 2021 tăng 15,37%).
Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các TCTD đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với 2021 là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế (cao nhất trong 05 năm qua).
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị
Với kết quả nêu trên, theo bà Hà Thu Giang, mặc dù thị trường bất động sản trong thời gian từ 2010 đến nay đã trải qua các giai đoạn từ tăng trưởng nóng, trầm lắng tới phục hồi và phát triển ổn định. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn phát triển của thị trường bất động sản, NHNN đã linh hoạt sử dụng các công cụ, chính sách để điều hành tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, thích ứng với diễn biến thực tế của thị trường nhằm tháo gỡ khó khăn và góp phần duy trì sự phát triển ổn định của thị trường.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định, trong thời gian qua, NHNN đã tích cực hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản, cụ thể, trong 3 năm gần đây, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đều tăng, chưa có dấu hiệu giảm.
Bộ Xây dựng nhận thấy, trong công tác điều hành thời gian vừa qua, chưa có chỉ đạo nào của Chính phủ hay ngân hàng về việc siết tín dụng bất động sản, NHNN chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ để dòng tiền cho vay trong lĩnh vực bất động sản sao cho thực hiện đúng, cho vay đúng đối tượng, đúng đủ điều kiện, đúng dự án vay, tránh tình trạng sử dụng vốn không đúng mục đích vay.
Đặc biệt, trong những tháng cuối năm khó khăn của năm 2022, Bộ Xây dựng đánh giá rất cao NHNN đã đề xuất với Chính phủ có chính sách nới room tín dụng để hỗ trợ hoạt động của nền kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản.
Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank thông tin, tính đến ngày 31/12/2022, dư nợ bất động sản tại Vietcombank chiếm trên 20%, tăng trưởng tín dụng bất động sản khoảng 17%. Điều này cho thấy ngân hàng vẫn luôn đáp ứng đủ room tín dụng cho bất động sản và đây là lĩnh vực không bị hạn chế.
Còn tại BIDV, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, tính đến nết năm 2022, tổng dư nợ cho vay bất đồn tại BIDV là 275 nghìn tỷ, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng. Tỷ trọng cho vay bất động sản chiếm khá lớn trong danh mục, tương ứng tỷ lệ tăng 20% so với năm trước.
Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản vẫn “chảy đều” tại các ngân hàng tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, thời gian gần đây, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, nguồn vốn của doanh nghiệp gặp khó, việc giải ngân, thanh quyết toán để thực hiện dự án vướng mắc, vào thời điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp phải ngừng dự án, cho người lao động nghỉ việc… trong khi tín dụng bất động sản vẫn tăng, nguyên nhân đến từ một số vướng mắc từ các nguồn vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu…
Để vượt qua khó khăn trước mắt, ngoài các giải pháp về hành lang pháp lý, khơi thông thị trường trái phiếu, phát hành cổ phiếu… một số doanh nghiệp bất động sản cũng đề xuất giải pháp liên quan đến việc tiếp cận tín dụng bất động sản.
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes đề nghị NHNN và các ngân hàng tháo gỡ các vướng mắc về mục đích vay vốn và hình thức giải ngân tại các văn bản hướng dẫn, có biện pháp tháo gỡ về cơ chế liên quan đến việc xếp loại và kiểm soát cho vay trong lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, đại diện doanh nghiệp cho rằng cần bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù cho các nhà đầu tư lớn, các dự án có đầy đủ pháp lý mang tính trọng điểm, tránh tình trạng cào bằng. Đồng thời có biện pháp giảm dần lãi suất để hỗ trợ khả năng tài chính cho người dân và chủ đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội nghị
Đại diện Novaland, bà Vũ Thị Phương Lan - Giám đốc phụ trách tái cấu trúc của tập đoàn hy vọng NHNN xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong 24-36 tháng.
Đại diện Hưng Thịnh Land là ông Lê Trọng Khương cũng chỉ ra vấn đề nhảy nhóm nợ có thể xảy ra trong tình hình hiện tại. Theo ông Khương, cần có một chính sách quyết liệt, cụ thể, đề xuất cơ quan chức năng cho phép cơ cấu, giãn nợ để tránh trường hợp nhảy nợ. Điều này đồng thời sẽ hỗ trợ cho việc giải ngân các khoản nợ tiếp theo để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Ông Khương cũng đề xuất thêm việc nới room để doanh nghiệp có nguồn vốn kinh doanh, đồng thời qua đó gia tăng niềm tin ở các trái chủ để họ tiếp tục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Các dự án khả thi vẫn được vay đúng quy định
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, năm 2022 là một năm rất khó khăn với ngành Ngân hàng, tuy vậy, tỷ trọng tín dụng bất động sản hiện nay vẫn ở mức 21,2% và tăng trưởng đều trong những năm gần đây cho thấy cố gắng lớn của hệ thống ngân hàng vì hệ thống phải cung ứng vốn cho cả các lĩnh vực khác.
Trong năm 2023, Thống đốc khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng công cụ room tín dụng để đảm bảo tín dụng đáp ứng cho nền kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống với mức tăng trưởng dự kiến là 14-15% và có điều chỉnh tuỳ thuộc vào tình hình thực tiễn.
Toàn cảnh Hội nghi
Người đứng đầu ngành Ngân hàng chia sẻ thêm, việc NHNN kiểm soát rủi ro đối với lĩnh vực bất động sản hay chứng khoán không phải rủi ro tín dụng thuần tuý mà do nhu cầu vốn bất động sản thường là nhu cầu vốn dài hạn, giá trị lớn, nếu cho vay các dự án này bản thân các ngân hàng sẽ lâm vào tình trạng không đảm bảo an toàn hoạt động, rủi ro về thanh khoản. Chính vì vậy, NHNN đặt ra quy định về kiểm soát chênh lệch kỳ hạn và rủi ro thanh khoản. Điều này phụ thuộc vào việc đáp ứng tỷ lệ đảm bảo an toàn của các TCTD.
Trong năm 2023, Thống đốc đề nghị tất cả các đơn vị NHNN, chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố và các TCTD quán triệt một số chủ trương định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với TCTD, nỗ lực tối đa cắt giảm chi phí hoạt động để có dư địa phấn đấu giảm lãi vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản đã hoàn thiện điều kiện về mặt pháp lý, có khả năng trả nợ. Qua đó, ngân hàng đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ngoài ra, tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án khả thi, đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở. Nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ, có hiệu quả cao, thực hiện các giải pháp phù hợp quy định pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, cá nhân tổ chức mua, chuyển nhượng bất động sản tiếp cận vốn như có đầy đủ điều kiện pháp lý theo quy định.
TCTD cũng cần chủ động rà soát, phân loại các dự án bất động sản đang cấp tín dụng để có biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, kịp thời có biện pháp tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động tốt, các dự án phát triển khu công nghiệp, dịch vụ khó khăn tạm thời, với các dự án đang vướng mắc pháp lý không thuộc lĩnh vực ngân hàng thì yêu cầu khách hàng báo cáo các cấp có thẩm quyền chủ động báo cáo, tháo gỡ, đảm bảo thực hiện các thoả thuận hợp đồng tín dụng đã kí kết với doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà.
Đồng thời, xem xét cấp tín dụng với chủ đầu tư, thầu xây dựng, người mua nhà… và các đơn vị cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng thanh khoản và luân chuyển vốn của thị trường bất động sản. Chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, mục đích sử dụng vốn vay, thu nợ đầy đủ, đúng hạn, đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà; kiểm soát rủi ro với phân khúc, bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản đang không có nhu cầu thực, kinh doanh, có tính chất đầu cơ, làm giá bất động sản, làm lũng loạn thị trường bất động sản…
Nhấn mạnh việc nếu tín dụng tập trung vào các doanh nghiệp là sân sau với mức độ tập trung lớn sẽ rất rủi ro, Thống đốc yêu cầu các TCTD kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng và nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, cho vay chéo…
Về cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại có giải pháp tín dụng phù hợp, kịp thời báo cáo Thống đốc về những khó khăn, vướng mắc; báo cáo các Bộ, ngành địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết những vướng mắc mang tính pháp lý, thủ tục,… làm thế nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Đối với các đơn vị thuộc NHNN, Thống đốc chỉ đạo rà soát, tổng hợp đầy đủ và nghiên cứu các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội một cách nghiêm túc để tham mưu với ban lãnh đạo khẩn trương có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời, theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và những vướng mắc phát sinh để báo cáo, tham mưu,... Tăng cường kiểm tra, thanh tra các ngân hàng cho vay dồn vốn cho các doanh nghiệp, tập đoàn sân sau của mình.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản, theo Thống đốc NHNN, các cơ quan điều hành sẽ phải áp dụng các chính sách vĩ mô để ổn định vĩ mô. Đôi khi những chính sách này ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đó là sự đánh đổi.
Lấy ví dụ việc các doanh nghiệp nước ngoài có một bộ phận theo dõi, phân tích, đánh giá các chính sách vĩ mô để chủ động trong sản xuất kinh doanh, Thống đốc cho rằng các doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động trong việc này để không dẫn đến bị động trong sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, dù là doanh nghiệp nhỏ hay lớn cũng cần hết sức chú trọng việc quản trị dòng tiền bài bản, phải có tính dự báo, nhìn xa, chủ động. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp cần có các giải pháp đẩy mạnh, quản trị lại doanh nghiệp để có năng lực tài chính và khả năng trả nợ ngân hàng. Doanh nghiệp cũng cần đa dạng hoá nguồn huy động vốn, giảm phụ thuộc tín dụng ngân hàng.
“Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến nhà ở cho công nhân, nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, mong rằng bản thân các doanh nghiệp tích cực tham gia phân khúc này. Bản thân NHNN cũng sẽ ưu tiên tín dụng cho phân khúc này”, Thống đốc khẳng định.
Theo Thời báo Ngân hàng
12.11.2024