Ngay trong quá trình Quốc hội và Chính phủ thảo luận, chuẩn bị để ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 43/2022/QH15) và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết số 11/NQ-CP), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng nhanh chóng nghiên cứu để triển khai có hiệu quả, thiết thực các giải pháp được Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Ngân hàng, đảm bảo bám sát quan điểm, định hướng và mục tiêu của Chương trình.
Một trong những nội dung quan trọng tại Nghị quyết số 11/NQ-CP là hỗ trợ lãi suất 2% trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hóa dược, dược liệu); xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ; xây dựng nhà ở xã hội; nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Nghị quyết số 11/NQ-CP cũng đề ra mục tiêu: Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025, trong đó GDP bình quân 6,5 - 7%/năm… Việc ban hành Nghị quyết này được đánh giá là phù hợp với bối cảnh hiện nay của Việt Nam và cả quốc tế, là quyết sách chiến lược quan trọng, toàn diện nhất để cụ thể hóa chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Nghiên cứu sớm ban hành văn bản hướng dẫn
Chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 02/2022 ngày 16/02/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi phải khẩn trương tháo gỡ những nút thắt, khó khăn, vướng mắc để triển khai, thực hiện chương trình có hiệu quả.
Trong buổi gặp gỡ đầu năm giữa Thủ tướng Chính phủ với ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với NHNN để triển khai gói hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng sớm, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục tiêu.
Về phía ngành Ngân hàng, ngay trong quá trình Quốc hội và Chính phủ thảo luận, chuẩn bị để ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 11/NQ-CP, NHNN đã khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) nhanh chóng nghiên cứu để triển khai có hiệu quả, thiết thực các giải pháp được Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Ngân hàng, đảm bảo bám sát quan điểm, định hướng và mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, NHNN đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, NHNN theo dõi sát các chỉ số vĩ mô và biến động của thị trường tài chính, tiền tệ để đề ra giải pháp, chính sách kịp thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; trong đó bao gồm các chỉ tiêu về lạm phát, nợ xấu; thúc đẩy triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ, xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, NHNN khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách Nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện. Được biết, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng đang được đơn vị chức năng của NHNN khẩn trương hoàn thiện, trình lãnh đạo NHNN để gửi các bộ, ngành cho ý kiến trong tháng 02/2022.
Lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN sẽ trình Chính phủ thủ tục rút gọn để Nghị định có hiệu lực ngay sau khi ban hành (thay vì tối thiểu phải sau 45 ngày ký văn bản mới có hiệu lực như quy định thông thường).
Thời gian qua, NHNN và Bộ Tài chính đã có quá trình trao đổi để thống nhất về đối tượng vay, cách thức triển khai hình thức hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương phối hợp với NHNN, Ngân hàng Chính sách xã hội và các đơn vị có liên quan để thực hiện hướng dẫn vấn đề thực hiện chính sách tín dụng cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến; hay như vấn đề cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương tính toán nhu cầu, nguồn lực để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc tăng bảo lãnh chính phủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành trái phiếu trong nước để thực hiện cho vay các đối tượng chính sách.
Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, NHNN còn phối hợp với Bộ Tài chính triển khai các giải pháp hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (gồm: Hỗ trợ lãi suất quy mô 3.000 tỷ đồng, chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025…) và xây dựng các kịch bản, phương án huy động nguồn lực trong trường hợp cần thiết để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Với các giải pháp đồng bộ nêu trên cùng với tinh thần khẩn trương, quyết liệt vào cuộc ngay từ sớm, ngành Ngân hàng đang quyết tâm phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được Quốc hội và Chính phủ giao, hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trên cơ sở đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành để chính sách sớm đi vào cuộc sống
Hiện nay, vấn đề mà doanh nghiệp mong chờ nhất ở các văn bản hướng dẫn là điều kiện vay thế nào, đối tượng vay ra sao. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng không đủ điều kiện được cấp bù lãi suất bởi ngành Ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng.
Mặt khác, phương án hỗ trợ lãi suất được doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã rất mong chờ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt thị trường và kinh tế vĩ mô. Với quy mô 40 nghìn tỷ đồng nhưng gói hỗ trợ lãi suất này có thể ảnh hưởng tới khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ của nền kinh tế, tức là khoảng 25% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng với nền kinh tế hiện nay. Do đó, cần có sự giám sát chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến và phản ứng của thị trường. Nếu thực hiện không tốt, chính sách hỗ trợ có thể không đến được với những doanh nghiệp có nhu cầu thực sự. Không chỉ vậy, còn nguy cơ tác động đến hoạt động của các ngân hàng thương mại, gây lạm phát hoặc rủi ro nợ xấu.
Trong khi đó, với ngân hàng thương mại, cơ chế cấp bù lãi suất như thế nào lại là vấn đề được quan tâm nhất. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, Bộ Tài chính nên công bố danh sách đối tượng cụ thể hoặc phải quy định đối tượng vay rất cụ thể, nếu không ngân hàng chưa thể giải ngân. Các chuyên gia cũng đề xuất, Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng doanh nghiệp nào được cấp bù lãi suất, bởi Bộ rất hiểu “sức khỏe” của doanh nghiệp thông qua tình hình nộp thuế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện là đơn vị đầu mối xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực kinh tế. Do vậy, việc thực hiện chính sách cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, đồng thời xác định đối tượng hỗ trợ; NHNN trong hướng dẫn các TCTD cho vay có hỗ trợ lãi suất.
Đối với việc hỗ trợ lãi suất 2%/năm, các ngân hàng phải bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng, tránh hiện tượng “xin - cho” để nguồn vốn hỗ trợ chảy đúng hướng, không đi vào những lĩnh vực không đóng góp cho sự phục hồi kinh tế.
Đồng thời, phía doanh nghiệp cần tăng tính gắn kết giữa các khối doanh nghiệp trong nước với nước ngoài và giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ; khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp siêu nhỏ thành công và hiệu quả; tạo điều kiện để xây dựng một số doanh nghiệp lớn với vai trò như cánh chim đầu đàn dẫn dắt trong kiến tạo, kết nối các chuỗi giá trị để cùng nhau vươn lên và phát triển.
Thực tế, thời gian qua, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành Ngân hàng đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay. Năm 2020, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, từ đó tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay. Năm 2021, để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để TCTD tiếp cận vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ và đồng hành cùng với doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Nhờ đó, với tác động có độ trễ của 03 đợt giảm mạnh các mức lãi suất trong năm 2020 kết hợp với việc giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong năm 2021 đồng thời điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ (CSTT) khác đã góp phần tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất thị trường. Kết quả, lãi suất cho vay giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và tiếp tục giảm 0,82%/năm trong năm 2021, hiện ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Trong buổi gặp gỡ đầu năm 2022 giữa Thủ tướng Chính phủ với ngành Ngân hàng, Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, ngành Ngân hàng phải tiếp tục góp phần quan trọng, đắc lực cho việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, phục vụ hoạt động thông suốt của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là phục vụ hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chương trình tổng thể phòng chống dịch, triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn ngân hàng để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ như tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát rủi ro, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD…
Năm 2022, điều hành CSTT trong nước đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn từ áp lực lạm phát và giá dầu thế giới tăng cao, xu hướng thu hẹp nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, nhưng chu kỳ phục hồi kinh tế của Việt Nam chậm hơn so với các nước và lạm phát trong nước vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ và NHNN, có xu hướng dưới mức mục tiêu được Quốc hội và Chính phủ đề ra; qua đó, giúp giảm bớt các áp lực trên đây, tạo điều kiện để NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT vừa hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Trong bối cảnh đó, NHNN cho biết sẽ chủ động và linh hoạt điều hành theo diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thị trường để chỉ đạo các TCTD tiếp tục nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động để tối ưu hóa chi phí vốn từ đó có điều kiện tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1% trong 2 năm 2022 - 2023, nhất là lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Trong quá trình triển khai, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước để kịp thời điều chỉnh linh hoạt các công cụ CSTT, đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô theo mục tiêu đã đề ra tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ cho vay ngoại tệ, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục đánh giá hoạt động tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, vai trò, khả năng phục hồi, phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế để chỉ đạo các TCTD có chính sách ưu tiên, hỗ trợ và tập trung tín dụng nhằm góp phần khôi phục và phát triển kinh tế. Phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tiếp tục theo dõi, đôn đốc các TCTD triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch và tổng hợp, theo dõi kết quả thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ và các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội theo dõi, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đẩy mạnh triển khai cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất - kinh doanh; chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”…
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
2. Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
3. Cổng thông tin điện tử NHNN: sbv.gov.vn
4. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính: mof.gov.vn.
Theo Website Tạp chí Ngân hàng.