Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành một ngân hàng đa năng, hiện đại, tập trung đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và phục vụ hỗ trợ cho gần 1.200 Qũy tín dụng nhân dân (QTDND) thành viên hoạt động an toàn, hiệu quả, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn…
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hiện có mạng lưới giao dịch thanh toán bao phủ gần như cả nước với gần 1.000 điểm giao dịch; trong thời gian qua hệ thống công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư, không ngừng đổi mới, sáng tạo; lực lượng cán bộ được đào tạo thường xuyên. Tận dụng những nguồn lực này này, thời gian qua, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã liên tục phát triển thêmsản phẩm dịch vụ, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số phù hợp khả năng tiếp cận, nhu cầu (giá trị giao dịch nhỏ lẻ, tần suất thấp…) của đối tượng khách hàng khu vực nông thôn.
Ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại Hội thảo “Ngân hàng và cuộc đua chuyển đổi số” do Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam phối hợp tổ chức
Đâu tiên phải kể đến là dịch vụ chuyển tiền CF- eBank của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Sản phẩm CF-eBank đã và đang trở nên quen thuộc với các thành viên của các QTDND tại các vùng nông thôn. Sản phẩm CF- eBank đã giúp người dân thuận tiện giao thương, mở rộng sản xuất kinh doanh hay như là chi trả cho con cái học hành. Đối với những xã miền núi, vùng sâu vùng xa, dịch vụ chuyển tiền CF-eBank của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam không chỉ giúp bà con thuận tiện, chi trả các nhu cầu, dịch vụ đời sống mà hơn thế còn tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Đặc biệt là tránh được những rủi ro, nguy hiểm khi trên đường mang tiền ra trung tâm huyện, tỉnh để thực hiện chuyển tiền. Dịch vụ thanh toán chuyển tiền điện tử CF-eBank cũng đã giúp các QTDND mở rộng thị trường, thu hút đông đảo khách hàng đến mở tài khoản tiền gửi và thực hiện giao dịch chuyển tiền, hỗ trợ phát triển các dịch vụ khác.
Sản phẩm thanh toán chuyển tiền điện tử CF-eBank được đánh giá có vai trò và ý nghĩa kinh tế - xã hội hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các cá nhân, hộ gia đình cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại theo chủ trương của Chính phủ và Chỉ thị của Thống đốc NHNN. Đây cũng là nội dung quan trọng trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 theo Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến các đối tượng là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Sản phẩm cấp hạn mức thấu chi cho QTDND tham gia thành viên hệ thống CF-eBank đã hỗ trợ yêu cầu thanh toán tức thời đối với thành viên, khách hàng của QTDND. Số lượng các QTDND có nhu cầu sử dụng dịch vụ này tăng mạnh qua mỗi năm và đã nhận được những phản hồi tích cực và ngày càng được quan tâm, sử dụng.
Ông Nguyễn Thạc Tâm - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại buổi triển khai hệ thống Mobile Banking Với thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng, hạn mức thấu chi cho thành viên QTDND từ 20 triệu đồng đối với khách hàng là thành viên QTDND, cán bộ nhân viên, kiểm soát viên chuyên trách là 50 triệu đồng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Trưởng Ban kiểm soát, Kế toán trưởng, Trưởng phòng là 100 triệu đồng. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã phát hành được gần 23 nghìn thẻ thanh toán nội địa, lượng giao dịch thực hiện bằng thẻ theo các hình thức rút tiền mặt qua POS/ATM, thanh toán hàng hóa dịch vụ, chuyển tiền của QTDND tăng mạnh qua từng năm.
Trong giai đoạn tới, trước xu hướng toàn cầu hóa, phổ cập tài chính toàn diện và đặc biệt là sự bùng nổ của CMCN 4.0, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam xác định chiến lược phát triển sản phẩm dịch vụ theo hướng tập trung nâng cao trải nghiệm và đáp ứng đồng bộ nhu cầu tài chính ngân hàng của khách hàng thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, kênh phân phối và tiến tới triển khai mô hình ngân hàng số.
Trong năm 2021, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng đã ra mắt Trung tâm Thẻ và dịch vụ Ngân hàng số Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, đánh dấu bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển công nghệ và ngân hàng số của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Trung tâm Thẻ và dịch vụ Ngân hàng số Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam ra đời với mục tiêu phát triển các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, tích hợp dịch vụ ngân hàng hiện đại lên ứng dụng Mobile Banking hướng tới khách hàng, đặc biệt là các QTDND và các thành viên của QTDND…
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam
Hiện nay, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đang triển khai hệ thống Mobile Banking, Ebanking, hóa đơn điện tử, nâng cấp hệ thống xếp hạng tín dụng, thông tin báo cáo…
Trong thời gian tới, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam sẽ nghiên cứu xây dựng trung tâm giám sát an ninh mạng (SOC), trung tâm dữ liệu dự phòng (DR) nhằm đảm bảo các điều kiện để vận hành an toàn các hệ thống mới.
Với vai trò là Ngân hàng của các QTDND, lại có bề dày và kinh nghiệm hoạt động ở thị trường nông nghiệp, nông thôn Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ để hỗ trợ các QTDND phát triển, an toàn, hiệu quả và bền vững...
Theo Website NHHT