12.11.2021 09:27

Ngân hàng: "Cầu nối" để hiện thực hóa tài chính toàn diện

Trong những năm qua, ngành Ngân hàng luôn xác định tín dụng nông nghiệp, nông thôn là một trong năm lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, các ngân hàng giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện.

Ngân hàng: "Cầu nối" để hiện thực hóa chiến lược tài chính toàn diện

Gắn với mục tiêu phát triển ngân hàng

Theo các chuyên gia, mặc dù, mức độ bao phủ của hệ thống các tổ chức tài chính ở Việt Nam đã được mở rộng, nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp ngày càng gia tăng nhưng tỷ lệ khách hàng cá nhân tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện còn khiêm tốn so với nhu cầu và tiềm năng phát triển, nhất là người nghèo, người sống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Vì vậy, thúc đẩy tài chính toàn diện là một trong những giải pháp để giải quyết những hạn chế này.

Trên thực tế, sau một năm ban hành, các ngân hàng đã triển khai rất nghiêm túc Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) cho biết, sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, ngân hàng đã có 32 chi nhánh, gần 100 phòng giao dịch, hỗ trợ cho 1200 quỹ tín dụng nhân dân và gần 2 triệu khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, góp phần giảm tín dụng đen, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tam nông, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng nông nghiệp, nông thôn...

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, sứ mệnh của hệ thống này phù hợp với chiến lược tài chính toàn diện. Để khai thác các thế mạnh trong Chiến lược tài chính toàn diện, ngân hàng đã xác định 3 mục tiêu lớn. Đó là khai thác được nguồn vốn cho vay tại chỗ, đưa dịch vụ tài chính sâu rộng đến người dân, tăng mối quan hệ giữa ngân hàng đầu mối và các quỹ tín dụng nhân dân.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, ngân hàng sẽ đưa vào hoạt động hệ thống Mobile Banking trong tháng 12/2021, tiến hành chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip theo đúng lộ trình. Dự kiến trong năm 2022, ngân hàng cũng đưa vào các giải pháp an toàn bảo mật cao nhất.

Đồng thời, đẩy mạnh quá trình đào tạo và thanh đổi tư duy nguồn nhân lực, nâng cấp hệ thống quản trị nội bộ, tái cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực tài chính cũng là một nhiệm vụ quan trọng để phù hợp với chiến lược phát triển của Ngành cũng như Chiến lược tài chính toàn diện... 

Đặc biệt, nông nghiệp nông thôn cũng là thị trường truyền thống của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng luôn giữ vai trò chủ lực trong việc đầu tư phát triển tam nông với tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 70% trên tổng dư nợ 850.000 tỷ đồng, vốn tín dụng đã phủ kín đến 100% tới các cấp xã, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, hướng đến phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn, góp phần tích cực vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, trong những năm qua, Agribank đã thực hiện có hiệu quả 2 chương trình mục tiêu quốc gia là xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới giúp bà con trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, yên tâm sản xuất kinh doanh. Hàng năm, ngân hàng đã dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho đối tượng ưu tiên, đưa tín dụng ngân hàng tạo động lực cho tăng trưởng của kinh tế đất nước; tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân bằng việc nhận thức rõ vai trò cùng cả nước xây dựng nông thôn mới với mạng lưới rộng khắp, kể cả các cấp xã và các huyện đảo.

Đồng hành cùng người dân trong công tác xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập, chính sách cho vay phát triển thủy sản tại 28 tỉnh ven biển..., tích cực triển khai ngân hàng lưu động đưa các dịch vụ ngân hàng, tài chính hiện đại đến người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn với gần 20.000 phiên giao dịch đến 1,8 triệu khách hàng...

Nỗ lực phát huy thành quả

Đánh giá cao hiệu quả hoạt động của ngành Ngân hàng trong tài chính toàn diện, PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng đánh giá, các kênh cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn liên tục được phát triển cả kênh truyền thống và kênh hiện đại.

Số lượng sản phẩm dịch vụ ngày càng được đổi mới theo chiều hướng đa dạng, phong phú và có sản phẩm bắt kịp trình độ phát triển khoa học công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Chất lượng dịch vụ tài chính ngày càng được cải thiện nhờ công nghệ hiện đại, tăng tiện ích cho người dùng lại vừa giảm chi phí giao dịch, phù hợp với mọi đối tượng trong đó có khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, người dân vùng sâu vùng xa.  

Bên cạnh một số kết quả đạt được, một số chuyên gia đánh giá, mạng lưới của hệ thống ngân hàng chưa phủ hết vùng sâu, vùng xa, điều này ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận dịch vụ cũng như khả năng lựa chọn các dịch vụ. Sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng dành cho đối tượng khu vực nông thôn còn ít và chưa đa dạng. Hệ thống văn bản pháp luật quy định về hoạt động tài chính tại khu vực nông thôn còn chưa đầy đủ bao phủ hết các nhóm đối tượng.

Là một trong những chuyên gia gần gũi và nắm bắt được những nhu cầu tín dụng của nông dân, ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân Việt Nam đề xuất, các tổ chức tín dụng cần tích cực đẩy mạnh hoạt động ủy thác tín dụng nông nghiệp, nông thôn thông qua việc ký kết các văn bản thỏa thuận, văn bản liên ngành với các tổ chức chính trị - xã hội nhằm đưa các hoạt động dịch vụ tài chính đến các thôn, ấp, bản, làng... ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn nơi mà các tổ chức tín dụng chưa tiếp cận được người dân ở đó.

Đa dạng hóa các gói tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm bớt thủ tục, quy trình không cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đi vay của người dân, góp phần thúc đẩy tiếp cận tài chính toàn diện.

Đặc biệt, Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang mang đến nhiều cơ hội cho ngân hàng và các tổ chức tín dụng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện trong thời gian tới. TS. Vũ Hồng Thanh, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, các tổ chức tín dụng phải ứng dụng nhiều hơn công nghệ thông tin, kỹ thuật số để có thể tích hợp với nhiều sản phẩm dịch vụ phụ trợ nhằm tiếp cận khách hàng ở các vùng sâu, vùng xa và làm hài lòng khách hàng.

Dữ liệu lớn (Big Data) và phân tích hành vi khách hàng sẽ là xu hướng tương lai cho thời đại công nghệ số khi có thể thu thập dữ liệu bên trong và bên ngoài thông qua tổ chức phân tích hành vi khách hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng, tiết giảm chi phí và hỗ trợ cho các quá trình ra quyết định cho các khách hàng ở khu vực nông thôn.

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan