16.06.2023 09:46

Nâng cao tính bền vững trong phát triển quỹ tín dụng nhân dân

Sáng 15/6, Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) phối hợp cùng nhóm nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ “Hoàn thiện hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ tại các quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam” tổ chức Hội thảo giới thiệu, trao đổi kết quả nghiên cứu của đề tài. Đề tài do ThS. Lê Quang Huy - Cục trưởng Cục III, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN), làm chủ nhiệm.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng nêu nhận định, sau gần 28 năm hình thành và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đã khẳng định được vai trò của mình trong hệ thống tài chính tiền tệ Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế địa phương, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng ở các vùng nông thôn, giảm nạn tín dụng đen và giảm đói nghèo.

Hiện nay, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đang trong giai đoạn củng cố, hướng tới phát triển bền vững. Đề án củng cố và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 209/QĐ-NHNN ngày 31/1/2019.

Để thực hiện có hiệu quả đề án này, nhiều giải pháp cần được thực hiện một cách đồng bộ, trong đó hình thành một hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ chặt chẽ, phù hợp với thực tế hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả hoạt động, tính bền vững trong phát triển quỹ tín dụng nhân dân.
TS. Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo
Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Hồng Yến (Học viện Ngân hàng) cho biết cơ sở pháp lý của việc xây dựng và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ quỹ tín dụng nhân dân hiện vẫn đang thực hiện theo Thông tư số 44/2011/TT-NHNN Quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này được xây dựng chung cho các loại hình TCTD khác nhau, bao gồm cả ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các TCTC phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân… và bộc lộ khá nhiều bất cập.

Ngày 18/5/2018, NHNN đã ban hành Thông tư số 13/2018/TT-NHNN nhằm quy định riêng cho hệ thống kiẻm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Như vậy, trong thời gian tới việc xây dựng một hành lang pháp lý riêng về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của các quỹ tín dụng nhân dân sẽ là cần thiết.

Toàn cảnh Hội thảo
Thực tế cho thấy, hiện nay hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của các quỹ tín dụng nhân dân còn rất yếu. Các quy trình, chính sách quản lý điều tiết hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân còn thiếu. Nhiều quỹ tín dụng nhân dân còn chưa hiểu thấu đáo về tầm quan trọng của hệ thống kiểm soát nội bộ, nhầm lẫn giữa kiểm soát nội bộ với kiểm toán nội bộ dẫn đến thờ ơ, thiếu quan tâm, điều hành rất lúng túng.

Cụ thể, đối với hoạt động kiểm soát nội bộ, trên thực tế hoạt động kiểm soát ở các quỹ tín dụng nhân dân cũng được diễn ra hàng ngày tại các bộ phận, như kiểm soát các chứng từ kế toán, kiểm soát kho quỹ tín dụng nhân dân, kiểm soát thanh khoản, kiểm soát hồ sơ vay vốn… Tuy nhiên, yêu cầu báo cáo của ban điều hành đối với các bộ phận không thực hiện thường xuyên (nhất là ở các quỹ tín dụng nhân dân nhỏ), mà theo định kỳ tuần, tháng, quý, tùy từng nghiệp vụ cụ thể. Riêng khả năng thanh khoản được báo cáo hàng ngày.

Bên cạnh đó, hầu hết các quỹ tín dụng nhân dân đã ban hành hệ thống các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ làm cơ sở cho các hoạt động quản trị, điều hành, các hoạt động nghiệp vụ, kiểm soát và hạn chế các rủi ro trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ được xây dựng chưa đầy đủ, chưa đảm bảo kiểm soát hết các rủi ro phát sinh trong các hoạt động; hệ thống cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ của một số quỹ tín dụng nhân dân thường không được rà soát, sửa đổi bổ sung thường xuyên.
TS. Nguyễn Hồng Yến (Học viện Ngân hàng) trao đổi kết quả nghiên cứu
Đối với hoạt động kiểm toán nội bộ, hầu hết các quỹ tín dụng nhân dân đã xây dựng quy chế hoạt động kiểm toán nội bộ. Ban kiểm soát xây dựng chính sách kiểm toán nội bộ do trưởng ban kiểm soát phê duyệt và ký ban hành trên cơ sở thống nhất với chủ tịch hội đồng quản trị. Phương pháp kiểm toán mới chỉ áp dụng phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán giống như các phương pháp kiểm tra kế toán. Việc thực hiện kiểm toán trên cơ sở kế hoạch kiểm toán hàng năm, các cuộc kiểm toán đều có biên bản làm việc, có báo cáo đánh giá…

Có thể nhận định, khi có kế hoạch kiểm toán hầu hết các quỹ tín dụng nhân dân đều đảm bảo đúng kế hoạch, thường thực hiện 1 năm 1 lần. Tuy nhiên, trình độ cán bộ kiểm toán đa phần còn hạn chế, nên báo báo kiểm toán ít phát hiện ra những hạn chế của hệ thống kiểm soát nội bộ. Ngoài ra, hoạt động bộ phận kiểm toán nội bộ chưa thực sự phát huy hiệu quả do nhận thức chưa đầy đủ, hầu hét các quỹ tín dụng nhân dân vẫn chưa hiểu hết vai trò, vị trí cũng như cách thức triển khai hoạt động của kiểm toán nội bộ.

Trước những thực tế trên, nhóm nghiên cứu đề cuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ cho hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân. Theo đó, việc quy định về hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ cho các quỹ tín dụng nhân dân có thể quy định theo 3 tuyến phòng thủ như các NHTM, nhưng cần phải được quy định đơn giản hơn.

Cụ thể, tuyến phòng thủ thứ nhất là các chính sách và cơ chế kiểm soát nội bộ được gài đặt vào trong quy trình hoạt động nghiệp vụ trực tiếp, giao dịch trực tiếp với các thành viên của quỹ tín dụng nhân dân. Đây là tuyến đầu tiên kiểm soát và phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hoạt động. Tuyến phòng thủ thứ hai là cấp độ kiểm tra nội bộ hoặc quản lý rủi ro tại quỹ tín dụng nhân dân. Đây có thể là phòng ban (nếu quy mô quỹ tín dụng nhân dân lớn) hoặc cán bộ chuyên trách (nếu quy mô quỹ tín dụng nhân dân nhỏ) phụ trách định kỳ kiểm tra, soát xét lại hoạt động của các phòng nghiệp vụ, các quy trình hoạt động ở tuyến phòng thủ thứ nhất. Tuyến phòng thủ này chủ yếu thực hiện chức năng quản lý rủi ro và giám sát tuân thủ. Tuyến phòng thủ thứ hai trực thuộc giám đốc, có trách nhiệm báo cáo ngay và trực tiếp lên Giám đốc khi có những dấu hiệu rủi ro phát hiện được trong quá trình kiểm tra.

Tuyến phòng thủ thứ ba là vòng bảo vệ bởi kiểm toán nội bộ. Đây là bộ phận trực thuộc ban kiểm soát và không thuộc ban điều hành của quỹ tín dụng nhân dân. Tuyến phòng thủ này có độ bảo vệ rộng nhất và độc lập với mọi hoạt động kinh doanh và điều hành của quỹ tín dụng nhân dân. Tuyến này có nhiệm vụ đánh giá một cách độc lập, khách quan về tính đầy đủ và hiệu quả của công tác kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro của 2 tuyến phòng thủ trước.
Theo Thời báo Ngân hàng.

Các tin liên quan