Chuyển đổi số của Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) còn chậm, ngay cả trong vấn đề nhận thức về chuyển đổi số còn tương đối mơ hồ…. Vậy làm thế nào thay đổi nhận thức một cách đầy đủ và sâu sắc của các QTDND về chuyển đổi số?
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Thách thức trong quá trình chuyển đổi số tại các QTDND
Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ đã nêu rõ, tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, cần ưu tiên chuyển đổi số trước.
Phát biểu tại toạ đàm “Chuyển đổi số đối với hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân” ngày 4/7, ông Nguyễn Đức Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội QTDND cho biết, đến nay hầu hết các NHTM đã xây dựng chiến lược thực hiện chuyển đổi số và được NHNN phê duyệt đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tuy nhiên, so với các NHTM thì chuyển đổi số của Hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân (QTDND) còn chậm, ngay cả trong vấn đề nhận thức về chuyển đổi số còn tương đối mơ hồ. Vì vậy, để thực hiện được chiến lược chuyển đổi số của ngành đối với hệ thống QTDND phải có bước đi, giải pháp cụ thể mới đạt được yêu cầu và mục tiêu đặt ra.
Chia sẻ về thực trạng chung tại các QTDND, ông Nguyễn Thạc Tâm, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã (Co-opBank) cho biết, hiện nay đa số các thành viên của Hiệp hội QTDND đều đang sử dụng ứng dụng ngân hàng này trên di động, song rất mong muốn được “tự phục vụ” trên các nền tảng số.
“Trải nghiệm số thông minh, thuận tiện là yếu tố ưu tiên hàng đầu. Cần chú trọng vào cung cấp các trải nghiệm đa kênh, đa dạng sản phẩm để giữ chân khách hàng”, ông Nguyễn Thạc Tâm chia sẻ. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là các QTDND với quy mô nhỏ, nếu tách biệt riêng lẻ thì không thể cạnh tranh với các NHTM.
Trao đổi tại toạ đàm, TS. Phan Thanh Đức, Học viện Ngân hàng cho rằng, có 4 thách thức chính mà các QTDND phải đối mặt trong công cuộc chuyển đổi số .
Thứ nhất, hệ thống lõi (core system). Đây là hệ thống quản lý thành viên, khách hàng, các phân hệ nghiệp vụ kế toán, tiền gửi và tín dụng, phân hệ báo cáo. Hiện nay, hệ thống lõi của các QTDND còn tồn tại các silo thông tin, kiến trúc công nghệ ở mức cơ bản, chưa đảm bảo an toàn, bảo mật; không đồng nhất, cơ sở dữ liệu phân tán, không tích hợp, thiếu nhất quán.
Thứ hai, kênh giao tiếp chủ yếu mới chỉ có một chiều qua các hình thức truyền thống và SMS. Ứng dụng trên điện thoại chưa phổ biến, nhiều quỹ hiện kỳ vọng sẽ triển khai được ứng dụng điện thoại nhằm thu hút khách hàng, hỗ trợ hoạt động tiếp thị và chăm sóc khách hàng, hỗ trợ thanh toán và phát triển các dịch vụ khác.
Thứ ba, kinh phí cho chuyển đổi số là khá lớn và khó dự toán, khó kiểm soát, bao gồm chi phí một lần và chi phí thường xuyên.
“Đây là thách thức lớn đối với các quỹ, nhiều ý kiến kỳ vọng chi phí này được phân bổ thành hoạt động thay vì là khoản đầu tư ban đầu”, TS. Phan Thanh Đức nói.
Thứ tư, phần lớn không có cán bộ chuyên trách về công nghệ, chủ yếu thuê nhân viên IT bên ngoài đến triển khai và khắc phục hệ thống nội bộ, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc ứng dụng công nghệ mới đòi hỏi nhân sự có trình độ cao và ổn định.
Các yếu tố chính để thực hiện thành công chuyển đổi số
Ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin NHNN chỉ ra những yếu tố cần thiết để thực hiện chuyển đổi số đối với TCTD nói chung, bao gồm:
Phát triển văn hoá công nghệ. Ngành Ngân hàng cần có văn hoá công nghệ, đó là một hoạt động tập thể được dẫn dắt bởi các lãnh đạo có năng lực và đầy đủ tâm huyết đối với chuyển đổi số.
Cải tiến quy trình công việc. Các quy trình công việc hiện tại cần được cải tiến để tối ưu hóa và làm đơn giản hóa, đáp ứng các yêu cầu trong chuyển đổi số.
Đầu tư vào hạ tầng công nghệ. Hạ tầng công nghệ cần được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Đào tạo và phát triển nhân lực. Để thực hiện chuyển đổi số, cần trang bị cho nhân lực kiến thức và kỹ năng liên quan đến công nghệ và chuyển đổi số.
Tăng cường bảo mật thông tin. Hệ thống bảo mật phải được đặt lên hàng đầu để khách hàng tin tưởng.
Đối với riêng các QTDND, ông Đoàn Thanh Hải nhấn mạnh, trước mắt cần chú đến ba yếu tố chính: con người, thể chế và công nghệ. Về con người, cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, năng lực, văn hoá đổi mới sáng tạo.
Về thể chế, cần cải tiến và tối ưu hoá các quy trình công việc để phù hợp với công nghệ số, thay đổi cách thức hoạt động và cách tiếp cận để tối ưu hoá quy trình, tăng cường sự phối hợp giữa các bên liên quan.
Về công nghê, cần đầu tư để ứng dụng các giải pháp công nghệ mới, phù hợp vào quy trình kinh doanh của mình, lựa chọn đúng công nghệ sẽ tránh được rủi ro và hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số một cách hiệu quả, mang lại lợi ích kinh doanh lớn cho QTDNN.
TS. Phan Thanh Đức nhấn mạnh: "Các QTDND mặc dù thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính ngân hàng, nhưng với đặc trưng về nguồn lực tài chính, công nghệ và con người cần phải xác định mô hình và mục tiêu chuyển đổi số phù hợp. Các Quỹ TDND cần xác định mục tiêu chuyển đổi số với cách tiếp cận khách hàng là trung tâm nhằm gia tăng trải nghiệm khách hàng trên môi trường số và chuyển đổi cách thức hoạt động nội bộ của Quỹ TDND”.
Lộ trình và giải pháp
Nêu rõ lộ trình và giải pháp thực hiện hành trình chuyển đổi số đối với hệ thống QTDND, ông Đoàn Thanh Hải chỉ ra 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn xác định chiến lược và kế hoạch chuyển đổi số bao gồm việc đánh giá tình hình hiện tại, định rõ mục tiêu và hướng đi, đồng thời xác định các biện pháp cần thiết để thực hiện chuyển đổi.
Giai đoạn thực hiện cần triển khai các hoạt động cụ thể để thực hiện chiến lược chuyển đổi số. Điều này bao gồm việc áp dụng công nghệ và hệ thống thông tin mới, tối ưu hóa quy trình và quản lý, đảm bảo an ninh thông tin và bảo vệ dữ liệu khách hàng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển dịch vụ tài chính/ngân hàng số đảm bảo sự tiếp cận dễ dàng, thuận lợi cho khách hàng.
Giai đoạn đánh giá, điều chỉnh cần đánh giá kết quả và hiệu quả của quá trình chuyển đổi. TCTD sẽ xem xét các kết quả đạt được và các khó khăn, từ đó điều chỉnh chiến lược và kế hoạch chuyển đổi để đảm bảo sự tiến bộ liên tục và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chuyển đổi số.
Để triển khai lộ trình và giải pháp thực hiện chuyển đổi số đối với QTDND, ông Đoàn Thanh Hải nhấn mạnh sự cần thiết thành lập tổ/ban chuyển đổi số. Trong đó, trưởng ban/tổ trưởng: định hướng, quyết định, chịu trách nhiệm cuối cùng trong quá trình triển khai; Nhóm nghiệp vụ: xác định các bài toán cần chuyển đổi số, tham gia triển khai chuyển đổi số; Nhóm công nghệ: xác định các công nghệ số được áp dụng, tham gia triển khai chuyển đổi số; Nhóm truyền thông: tiếp nhận thông tin, tuyên truyền, đào tạo.
"Các QTDND cần phát triển, nâng cao nội lực chính mình để thực hiện chuyển đổi số", ông Hải nói.
Trong khi đó, TS. Phan Thanh Đức cho rằng, các QTDND cần phát huy nội lực, chủ động, đổi mới sáng tạo và tận dụng tối đa sự hợp tác, liên kết với các đối tác khác để xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho mình; Triển khai nền tảng kết nối với khách hàng thông qua Mobile Apps dựa trên mô hình SaaS, đảm bảo việc tích hợp với các hệ thống Core Systems tại Quỹ và tích hợp với Core Banking của ngân hàng thông qua các API; Từng bước hiện đại hoá hạ tầng CNTT, làm chủ các nền tảng quản trị nội bộ hiện đại, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.
Về phía Co-opBank, ông Nguyễn Thạc Tâm cũng chia sẻ các định hướng chuyển đổi số của ngân hàng hướng tới các QTDNN bằng nhiều chính sách hỗ trợ như: Miễn 100% các loại phí giao dịch chuyển tiền đi/đến, giao dịch thanh toán hóa đơn, phí duy trì... cho các QTDND, thành viên trên các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số; Hỗ trợ miễn phí trong công tác đào tạo về nghiệp vụ, phổ biến kiến thức mới cho các QTDND; Thông qua dịch vụ thấu chi trên tài khoản thanh toán cho các QTDND, hàng năm Co-opBank đều dự trữ nguồn vốn lớn - hàng trăm tỷ đồng đảm bảo nhu cầu thanh toán của các QTDND và thành viên luôn được thông suốt; Hoàn thành cơ chế chia sẻ phí giữa Co-opBank và QTDND trong việc triển khai các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng số.
Theo Thị trường tài chính tiền tệ.