Năm 2022, toàn Ngành quán triệt chủ trương định hướng kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác; nâng cao khả năng thích ứng với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, phương châm của ngành Ngân hàng là mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế, đặc biệt kiểm soát cấp tín dụng vào lĩnh vực rủi ro. Triển khai có hiệu quả tái cơ cấu gắn với xử lý nợ của các TCTD, các ngân hàng yếu kém; Thúc đẩy chuyển đổi số ngày càng đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tiện ích cho đại bộ phận doanh nghiệp, người dân góp phần hiện thực hoá chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội.
"Tôi đề nghị các đơn vị quán triệt các giải pháp, định hướng chi tiết điều hành của ngành Ngân hàng trong năm 2022. Các đồng chí trong Ban lãnh đạo NHNN chỉ đạo toàn diện mọi mặt hoạt động, chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ, Ban, Ngành để thực hiện mục tiêu Chính phủ đề ra cho năm 2022", Thống đốc nhấn mạnh và yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao, thường xuyên theo dõi sát diễn biến, tình hình để chủ động tham mưu, đề xuất cho Ban lãnh đạo các biện pháp chỉ đạo, điều hành, hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đề ra; tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả và hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế.
Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2022
Đối với các TCTD, Chủ tịch HĐQT, Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc, Giám đốc các TCTD phải nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của tổ chức mình, tiếp tục rà soát, cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, ưu tiên chia cổ tức bằng cổ phiếu… để dành nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro và tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thống đốc yêu cầu các đơn vị trong Ngành quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp, quy định phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, sẵn sàng các phương án, biện pháp ứng phó mọi tình huống, để không làm gián đoạn các hoạt động ngân hàng. Tập trung đáp ứng tốt nhu cầu tiền mặt, thanh toán, tín dụng của người dân, doanh nghiệp trong dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán; đảm bảo mọi hoạt động ngân hàng diễn ra an toàn, thông suốt, phục vụ nhân dân đón Tết; Đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng ngay từ những tháng đầu năm...
Các TCTD đã tiết giảm tối đa chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng
Ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh TP.HCM:
Ngành Ngân hàng TP.HCM luôn đáp ứng nhu cầu vốn phục hồi kinh tế
Năm 2021, mặc dù dịch bệnh bùng phát, thành phố phải thực hiện giãn cách phòng chống dịch nhưng ngành Ngân hàng vẫn đảm bảo thông suốt hoạt động cho doanh nghiệp và người dân. Kết quả nổi bật nhất của ngành Ngân hàng TP.HCM là duy trì được thị trường tiền tệ ổn định và có tăng trưởng dù chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh. Trong đó, tổng huy động vốn của các TCTD trên địa bàn đến 31/12/2021 ước tăng 7,5%, tổng dư nợ tín dụng ước tăng 10,7% so với năm 2020.
Năm 2022, NHNN chi nhánh TP.HCM sẽ chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh góp phần tạo động lực phục hồi sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế thành phố. Trong đó, ngành Ngân hàng TP.HCM luôn đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho doanh nghiệp, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, mở rộng thanh toán dịch vụ công thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp...
Ông Trần Văn Phước, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Kiên Giang:
Ngân hàng đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo
Cùng với việc triển khai cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thực hiện nội dung chỉ đạo của NHNN về việc đảm bảo vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ thóc, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), NHNN chi nhánh tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các ngân hàng chủ động làm việc với từng doanh nghiệp kinh doanh lúa, gạo nắm bắt nhu cầu vốn tín dụng để xem xét, điều chỉnh hạn mức cấp tín dụng phù hợp; mở rộng tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp, cá nhân có khả năng thực hiện tiêu thụ lúa gạo nhằm nâng cao năng lực tiêu thụ lúa gạo tại địa bàn. Các ngân hàng đã cấp hạn mức tín dụng cho 13 doanh nghiệp và 1.125 cá nhân, số tiền 3.234 tỷ đồng phục vụ thu mua lúa, gạo; giải ngân cho vay đạt 5.137 tỷ đồng (tương ứng hơn 671 nghìn tấn lúa, gạo), dư nợ 2.265 tỷ đồng, lúa vụ hè thu trên địa bàn tiêu thụ kịp thời, không tồn đọng.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo và quyết liệt trong triển khai, năm 2021 tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên 10% so với năm 2020. Tín dụng lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của toàn địa bàn, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng 11,62%.
NHNN Kiên Giang kiến nghị Chính phủ xem xét hoàn thiện cơ chế và tăng năng lực tài chính các định chế hỗ trợ DNNVV tại các tỉnh ĐBSCL để hỗ trợ hữu hiệu hơn cho các doanh nghiệp tại ĐBSCL tiếp cận tín dụng khôi phục và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Giang:
Tín dụng ngân hàng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
Năm 2021, tổng dư nợ tín dụng của toàn Ngành trên địa bàn Hà Giang đạt 26.025 tỷ đồng, so với 31/12/2020 tăng 2.260 tỷ đồng, đạt và vượt kế hoạch nghị quyết HĐND tỉnh giao. Trong đó cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP đạt 11.219 tỷ đồng - chiếm 57%/tổng dư nợ; tín dụng chính sách xã hội đạt 3.602 tỷ đồng... Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế của tỉnh như: Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành dư nợ cho vay đạt 42 tỷ đồng; chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa với doanh số cho vay đạt 671 tỷ đồng... Cùng với đó, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho hơn 4.000 hộ vươn lên thoát nghèo. Ngành Ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với 91.104 khách hàng, dư nợ 17.315 tỷ đồng.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trên địa bàn năm 2022 nói chung, tín dụng chính sách xã hội nói riêng, NHNN tỉnh Hà Giang kiến nghị Chính phủ xem xét nâng mức cho vay đối với chương trình hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ bằng mức cho vay đối với hộ nghèo, để các đối tượng chính sách có đủ nguồn vốn thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành liên quan xem xét ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện cho vay theo Chương trình giải quyết việc làm cho các tỉnh miền núi như Hà Giang nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV:
Tăng vốn là điều kiện tiên quyết
Tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các TCTD để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng phục vụ đất nước. Áp lực tăng vốn khi tiếp tục thực hiện Basel II nâng cao, Basel III và đặc biệt trong giai đoạn 2022 - 2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao. Theo WB, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam đã giảm từ 13% năm 2015 xuống còn 11,1% vào tháng 6/2021. CAR của bốn NHTM Nhà nước còn thấp hơn mức chung, chỉ khoảng 9,17%. Vì vậy, BIDV đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành có kế hoạch tạo điều kiện tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước. Trước mắt, thông qua các hình thức phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ cổ tức, từ lợi nhuận còn lại, cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP)…
Ngoài ra, vấn đề hoàn thiện thể chế cho hoạt động ngân hàng cũng rất quan trọng, đặc biệt là gỡ khó cho ngân hàng trong vấn đề xử lý nợ xấu. Cụ thể ở đây, BIDV đề nghị Quốc hội, Chính phủ luật hóa hoặc cho kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu; tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động Ngân hàng điện tử, cấp tín dụng trên kênh số; các quy định về bảo mật, về lưu trữ, khai thác dữ liệu khách hàng, ngân hàng… Đây sẽ là những điều kiện cần thiết để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu chuyển đối số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030.
Thời gian tới, trong trường hợp dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, BIDV đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép gia hạn Thông tư 14, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ để các TCTD có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank:
Tạo thêm dư địa để ngân hàng hỗ trợ khách hàng tốt hơn
Việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là hết sức bức thiết để Agribank có thể duy trì được tăng trưởng tín dụng từ 8-10%/năm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay có NHTMCP quy mô tín dụng bằng 1/4 so với Agribank nhưng vốn điều lệ đã cao hơn Agribank. Vì vậy, Agribank đề nghị Chính phủ, Thủ tướng sớm xem xét việc để lại lợi nhuận năm 2021 tăng vốn cho Agribank; đồng thời dành Ngân sách Nhà nước để tăng vốn cho Agribank trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để tăng giá trị vốn Nhà nước khi cổ phần hóa.
Theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, tỷ lệ LDR giảm từ 90% xuống còn 85% thì với quy mô huy động vốn của Agribank hiện nay, phải duy trì trên 230 nghìn tỷ đồng không được cho vay. Trong khi đó, do đặc thù nguồn vốn của Agribank chủ yếu là huy động tiền gửi có kỳ hạn của dân cư (chiếm 82% tổng nguồn vốn) theo lãi suất thị trường; trong khi đó, đối tượng cho vay chiếm tỷ trọng lớn lại là khách hàng được ưu đãi lãi suất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Do đó, nếu NHNN xem xét nâng tỷ lệ này cho các NHTM lên 90% thì Agribank sẽ có thêm khoảng 80.000 tỷ đồng để cho vay và có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho khách hàng cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh...
Thời gian tới, một trong những biện pháp dự kiến Chính phủ sẽ áp dụng để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là hỗ trợ lãi suất tín dụng. Để khắc phục những bất cập như gói hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2008 - 2009, Agribank đề nghị Thủ tướng, NHNN chỉ đạo rõ đối tượng, phạm vi hỗ trợ, tránh dàn trải; và chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có khả năng trả nợ ngân hàng, tránh áp lực TCTD buộc phải cho vay khi doanh nghiệp có nhu cầu vay.
Ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc MB:
Basel II giúp hệ thống ngân hàng phát triển mạnh
Việc NHNN ban hành các tiêu chuẩn triển khai Basel II là một quyết định căn cơ, có các bước đi phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Hướng đi này kèm với tiến tới các tiêu chuẩn Basel II sẽ giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển lành mạnh trong thời gian tới.
MB đã hoàn thành sớm cả ba trụ cột của Basel II, tuân thủ theo Thông tư 41, Thông tư 13 của NHNN. MB chú trọng xây dựng được một hệ thống kiểm soát nội bộ khoa học, quản trị rủi ro thông minh gắn với “mô hình, công cụ, dữ liệu” giúp tăng trưởng nhanh và kiểm soát rủi ro.
Để tiếp tục phát huy tốt kết quả triển khai Basel II tại Việt Nam, đóng góp vào đề án tái cơ cấu các TCTD đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thúc đẩy chuyển đổi số và tăng trưởng ổn định trong thời gian tới, MB kiến nghị NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm để các TCTD chủ động triển khai kế hoạch kinh doanh, không ảnh hưởng đến khách hàng và khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế. Đồng thời bổ sung cơ chế trích lập, sử dụng dự phòng cho các rủi ro gian lận, công nghệ, hoạt động; để thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng. Quy định về việc cấp tín dụng tự động dựa trên mô hình, dữ liệu; thông báo lộ trình và hướng dẫn các TCTD triển khai các chuẩn mực quản trị mới: Basel 3, IFRS9...
Theo Thời báo ngân hàng
12.11.2024