15.02.2024 13:43

Nâng cao chất lượng hoạt động thông tin tín dụng, góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống ngân hàng Việt Nam

Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đang quản lí Kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia với sự tham gia báo cáo thông tin của 100% các tổ chức tín dụng (TCTD) hoạt động tại Việt Nam, hơn 1.200 quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô cũng như các tổ chức khác trong và ngoài hệ thống ngân hàng, trên cơ sở cập nhật định kì, đột xuất dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và các giải pháp thu thập, xử lí thông tin tự động, tiên tiến. Năm 2023, với vai trò là đầu mối xây dựng và triển khai hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), CIC đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng; tiếp tục khẳng định là trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính Việt Nam.
 
1. CIC đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin tín dụng
 
1.1. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lí và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng
 
Năm 2023, để hoàn thiện khuôn khổ pháp lí về hoạt động thông tin tín dụng, CIC đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN hoàn thành xây dựng Thông tư số 15/2023/TT-NHNN ngày 05/12/2023 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thông tin tín dụng của NHNN (thay thế Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/01/2013 và Thông tư số 27/2017/TT-NHNN ngày 31/12/2017), đồng thời hoàn thành dự thảo Quyết định ban hành hệ thống chỉ tiêu thông tin tín dụng, hướng dẫn mẫu file báo cáo thông tin tín dụng.
 
Thông tư số 15/2023/TT-NHNN đã cho phép CIC mở rộng thêm hệ thống chỉ tiêu để phát triển các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho Ban Lãnh đạo NHNN và các đơn vị trực thuộc NHNN trong hoạt động tham mưu chính sách, thanh tra, giám sát ngân hàng; phát triển các dịch vụ thông tin có chất lượng cao hơn cho các TCTD và các chủ thể khác trong hệ thống; trong đó có những quy định chặt chẽ trong việc tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho khách hàng vay, phù hợp các quy định khác của pháp luật. 
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng và Tổng Giám đốc CIC Cao Văn Bình chụp ảnh lưu niệm vinh danh các đơn vị xuất sắc và tiêu biểu trong triển khai hoạt động thông tin tín dụng năm 2023
Với vai trò đầu mối của hệ thống thông tin tín dụng, năm 2023, CIC đã triển khai quyết liệt các giải pháp để mở rộng nguồn dữ liệu, nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu. Theo đó, CIC tiếp tục duy trì nguồn thông tin từ 100% các TCTD, bao gồm 125 đầu mối TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 1.160 quỹ tín dụng nhân dân; 04 tổ chức tài chính vi mô chính thức; tiếp tục mở rộng các nguồn thông từ các bộ, ngành như thông tin pháp lí, báo cáo tài chính doanh nghiệp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp từ Tổng cục Thuế, xúc tiến kết nối thông tin với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam...); đồng thời cũng tiếp tục mở rộng thêm các tổ chức tự nguyện tham gia hoạt động thông tin tín dụng, nâng tổng số tổ chức tự nguyện lên 61 tổ chức để nâng cao độ phủ và chiều sâu thông tin tín dụng. 
 
Triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN ngày 24/4/2023 của Bộ Công an và NHNN về triển khai Đề án 06, CIC được giao kết nối và làm sạch dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua 01 năm triển khai, CIC đã đối soát offline được 42,3 triệu hồ sơ khách hàng, tỉ lệ thông tin khớp 100% với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 75,4%, khớp một phần 17,7%, không tìm thấy 6,9%. 
 
Để triển khai làm sạch dữ liệu giai đoạn 2, CIC đã xây dựng phần mềm gửi và tiếp nhận giao diện lập trình ứng dụng (API) để xác thực online, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin - NHNN chuẩn bị hạ tầng kết nối để triển khai giải pháp xác thực online theo yêu cầu của Bộ Công an. Thông qua kết quả đối soát, CIC đã thực hiện ghép nối, hợp nhất thông tin của 2,7 triệu cặp hồ sơ khách hàng có nhiều giấy tờ cá nhân. Đồng thời, phối hợp với các TCTD rà soát, chuẩn hóa dữ liệu khách hàng, qua đó cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với chất lượng cao hơn phục vụ các TCTD. Ngoài dữ liệu định danh được chuẩn hóa, làm sạch thông qua triển khai Đề án 06, các loại dữ liệu khác như dư nợ, tình trạng nợ, lãi suất, mục đích vay vốn, bảo đảm tiền vay… cũng được tăng cường kiểm tra, kiểm soát. CIC cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan của NHNN như Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Dự báo, thống kê để kiểm tra chéo và yêu cầu các TCTD khắc phục kịp thời khi phát hiện những bất thường trong số liệu.
 
Hầu hết các TCTD đã báo cáo theo đúng thời gian quy định và đầy đủ các chỉ tiêu thông tin, phối hợp tra soát, điều chỉnh dữ liệu sai sót, đảm bảo chất lượng dữ liệu báo cáo. CIC đã nhận được hơn 2.000 yêu cầu, đề nghị điều chỉnh dữ liệu liên quan đến trên 60 nghìn khách hàng, trong đó, đề nghị của nhóm các công ty tài chính chiếm 54%, nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần chiếm 37%, nhóm NHTM Nhà nước và ngân hàng nước ngoài chiếm 8%, tổ chức tự nguyện chiếm 1%. 
 
Với sự nỗ lực của tất cả các chủ thể tham gia hệ thống thông tin tín dụng, Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia đã tăng 2,3 triệu khách hàng, đạt mức tăng trưởng hơn 4,3% và đạt 55,3 triệu hồ sơ khách hàng vay. Mức độ bao phủ thông tin tín dụng đạt tỉ lệ trên 72% trên tổng dân số trưởng thành.
 
Về cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng, CIC đã sử dụng các công cụ khai thác, phân tích dữ liệu mới để hoàn thành việc xây dựng các báo cáo tổng hợp, phục vụ công tác tham mưu chính sách, chỉ đạo điều hành của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, các vụ, cục NHNN và phục vụ công tác quản lí, thanh tra, giám sát của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; hoàn thiện sổ tay hướng dẫn khai thác sản phẩm, dịch vụ dành cho các đơn vị trực thuộc NHNN, góp phần hỗ trợ tốt hơn trong công tác quản lí, thanh tra, giám sát ngân hàng.
 
Về cung cấp các báo cáo định kì, đột xuất cho Ban Lãnh đạo NHNN về tình hình cấp tín dụng, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng, tình hình tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, báo cáo tập trung tín dụng..., trong năm 2023, các đơn vị thuộc NHNN đã khai thác trên 39.600 bản báo cáo tín dụng và thông tin chi tiết về hơn 691.000 khách hàng vay. Số lượt khai thác các báo cáo tổng hợp theo mẫu sản phẩm do CIC phát triển, phục vụ hoạt động quản lí của các đơn vị NHNN năm 2023 đã tăng trên 23.400 lượt, tăng 131% so với cùng kì năm 2022. Ngoài ra, CIC cũng đã cung cấp thông tin theo yêu cầu trên 20.000 khách hàng và trên 34.000 dòng dữ liệu về dư nợ, nhóm nợ, đảm bảo tiền vay của khách hàng cho cơ quan Công an, Thi hành án Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ,...
 
CIC cũng đã tiếp tục mở rộng cung cấp thông tin tín dụng tập trung qua kênh Host to Host (H2H). Số lượng TCTD kết nối H2H với CIC tăng lên 50 đơn vị trong năm 2023. Tổng số báo cáo tín dụng mà CIC cung cấp đạt hơn 76 triệu báo cáo, trong đó, nhóm NHTM chiếm 55% tổng số khai thác, nhóm các công ty tài chính và cho thuê tài chính khai thác 36%, nhóm còn lại khai thác 9%. Số lượng báo cáo tín dụng truyền thống tăng trưởng ổn định, đạt 43,2 triệu báo cáo, tăng 8,8% so với năm 2022. Đơn giá sản phẩm trung bình giảm 30% so với đơn giá áp dụng năm 2022.
 
Bên cạnh đó, CIC duy trì việc tổng hợp và cung cấp miễn phí thông tin về khách hàng có nhóm nợ cao nhất, khách hàng đã tất toán hoặc thay đổi nhóm nợ trong kì để TCTD kịp thời phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Cụ thể, bình quân hằng tháng trong năm 2023, CIC cung cấp danh sách trên 544 nghìn khách hàng có nhóm nợ cao nhất tại 76 TCTD; cung cấp bình quân 45 nghìn khách hàng/tháng có thay đổi nhóm nợ để TCTD điều chỉnh kịp thời. Để phục vụ chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, CIC đã xây dựng ứng dụng để TCTD báo cáo, khai thác kiểm tra thông tin khách hàng có nhu cầu vay vốn theo chương trình; rà soát và hoàn tất xây dựng sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu cho vay theo phương thức điện tử.
 
CIC đã chính thức ban hành chính sách giá sản phẩm dựa trên chi phí cấu thành với mức giảm 5 - 20% trên đơn giá chỉ tiêu cấu thành sản phẩm, tạo điều kiện hỗ trợ các TCTD có thể linh hoạt trong việc đưa ra các yêu cầu về mẫu sản phẩm riêng biệt, đáp ứng khẩu vị rủi ro riêng. Kết quả, trong năm CIC đã cung cấp trên 03 triệu báo cáo theo yêu cầu riêng của TCTD.
 
Thực hiện mục tiêu của Đề án phát triển CIC đến năm 2025, định hướng đến 2030, CIC đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian phê duyệt tài khoản, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Qua đó, kịp thời hỗ trợ khách hàng trong việc kiểm tra, khai thác thông tin tín dụng, điểm tín dụng cá nhân, đăng kí nhu cầu vay và kết nối với các TCTD có nhu cầu. Thông qua Cổng thông tin kết nối khách hàng vay và ứng dụng điện thoại thông minh (iCIC), số tài khoản đăng kí mới của khách hàng vay tăng trưởng mạnh, đạt 538 nghìn tài khoản, nâng tổng số tài khoản khách hàng lên trên 1,4 triệu, tăng 60% so với năm 2022; CIC đã cung cấp trên 603.000 báo cáo tín dụng trực tiếp cho khách hàng vay, tăng 80% so với năm trước; kết nối thành công trên 72.000 khách hàng, tăng 10,8% so với năm trước.
 
1.2. Nâng cao năng lực hệ thống công nghệ thông tin an toàn, hiện đại
 
Nhằm khắc phục hạn chế và các điểm yếu của hệ thống công nghệ thông tin, CIC đã đầu tư các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn như hệ thống tường lửa lớp mạng, hệ thống phòng, chống tấn công DDOS, hệ thống phát hiện và phòng chống xâm nhập IPS, hệ thống tường lửa lớp ứng dụng Web, hệ thống tường lửa lớp cơ sở dữ liệu, hệ thống kiểm soát truy cập Internet (Web Proxy), hệ thống bảo vệ ứng dụng mail, hệ thống phòng, chống mã độc. Với việc trang bị nhiều giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trên, CIC cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của hệ thống cấp độ 3 theo quy định của Nhà nước. 
 
Hoạt động dò, quét lỗ hổng, đánh giá khả năng an ninh, an toàn của hệ thống công nghệ thông tin được CIC thực hiện định kì, thường xuyên. Các điểm yếu đã được xử lí kịp thời, không phát sinh sự cố lớn, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống và không gây gián đoạn quá trình thu thập, cung cấp thông tin tín dụng. Năm 2023, mặc dù vẫn còn có một số thời điểm tốc độ của hệ thống bị ảnh hưởng do số lượng dữ liệu cập nhật và số người truy cập hệ thống tăng cao nhưng CIC đã cơ bản khắc phục được tình trạng gián đoạn và không để xảy ra sự cố gián đoạn kéo dài.
 
CIC cũng đã hoàn tất việc di chuyển trung tâm dữ liệu chính (DC) sang hạ tầng đạt tiêu chuẩn UPTIME TIER III, đảm bảo hỗ trợ hoàn toàn cho hệ thống thông tin cấp độ 3 của CIC, góp phần tăng khả năng bảo đảm vận hành an toàn của DC. 
 
1.3. Đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính trong hoạt động thông tin tín dụng
 
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số và cải cách hành chính, CIC đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong toàn bộ hệ thống quản lí, quy trình nghiệp vụ của CIC như ứng dụng công nghệ mới trong xử lí dữ liệu và phân loại, cung cấp thông tin tín dụng, tư vấn, hỗ trợ khách hàng; đa dạng hóa và nâng cấp kênh cung cấp thông tin tín dụng; ứng dụng công nghệ học máy (machine learning) trong xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng; điều chỉnh, ban hành các quy trình nghiệp vụ theo hướng tự động hóa, tiêu chuẩn ISO. 
 
Tỉ lệ kiểm soát, cung cấp thông tin tự động trong năm 2023 đạt trên 97%; tỉ lệ xử lí, cập nhật thông tin tự động đạt trên 75%; công tác giải quyết khiếu nại đa số được thực hiện trực tuyến ngay trong ngày; năng lực đáp ứng, xử lí các yêu cầu hỗ trợ khách hàng được cải thiện rõ rệt. Hoạt động thanh toán tại CIC được triển khai 100% bằng hình thức trực tuyến, thanh toán hóa đơn điện tử; hệ thống quản lí, xử lí, lưu trữ văn bản được thực hiện trên hệ thống điện tử. 
 
1.4. Tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động thông tin tín dụng
 
CIC đã có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kiến thức, đào tạo, thúc đẩy trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới. Tiêu biểu là một số hoạt động như tham gia chương trình “Sáng kiến chia sẻ kiến thức” của Hội đồng Hợp tác Tài chính Quốc tế (CIFC), phối hợp Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Hàn Quốc (KCIS) tổ chức tọa đàm và lớp đào tạo về mô hình chia sẻ dữ liệu Mydata của Hàn Quốc, tham dự FICO World, Hội nghị Mạng lưới Thông tin tín dụng châu Á (ACRN) lần thứ 4, học tập tại Ngân hàng Trung ương Pháp...
 
Đặc biệt, năm 2023, CIC đã chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của ACRN nhiệm kì 2023 - 2025. Việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ACRN đã khẳng định uy tín và sự đánh giá cao của các tổ chức thông tin tín dụng trong khu vực đối với hạ tầng tài chính và hiệu quả hoạt động thông tin tín dụng của Việt Nam.
 
2. Một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thông tin tín dụng
 
Thứ nhất, khó khăn trong triển khai các dự án công nghệ thông tin. Trong quá trình triển khai một số dự án lớn như dự án xây dựng Trung tâm dự phòng của CIC (DR), dự án nghiệp vụ lõi… Tiêu chuẩn, định mức, nội dung các báo cáo tư vấn của các đơn vị tư vấn chưa theo kịp yêu cầu, chưa đáp ứng được việc ứng dụng các công nghệ mới. Chi phí tư vấn theo định mức quá thấp so với thị trường nên không thể thuê được tư vấn viên có trình độ cao, tư vấn viên nước ngoài về công nghệ thông tin đã từng triển khai các dự án trong hoạt động thông tin tín dụng, dẫn tới chất lượng của báo cáo tư vấn có nhiều hạn chế. 
 
Thứ hai, khó khăn trong mở rộng cơ sở dữ liệu và trao đổi thông tin. Thông tư số 03/2013/TT-NHNN đã đáp ứng khá hiệu quả đối với việc phát triển sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng phục vụ TCTD và một số đơn vị liên quan. Tuy nhiên, do hạn chế về việc phân tổ dữ liệu và một số chỉ tiêu thông tin đặc thù, CIC chưa thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu của Ban Lãnh đạo và các đơn vị NHNN. Khó khăn này sẽ từng bước được khắc phục trong quá trình triển khai Thông tư số 15/2023/TT-NHNN.
 
Thứ ba, vẫn còn một số trường hợp TCTD chấp hành chưa nghiêm, chưa quan tâm đúng mức hoạt động báo cáo thông tin tín dụng. Việc chậm báo cáo thông tin tín dụng cho CIC tác động tới việc tổng hợp các báo cáo cho NHNN, chất lượng sản phẩm thông tin tín dụng cho chính TCTD và việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của TCTD. Năm 2023 ghi nhận hơn 500 trường hợp file gửi lỗi nhiều hơn 02 lần, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến tiến độ thời gian tổng hợp dữ liệu chung, dẫn tới việc phải cập nhật và điều chỉnh dữ liệu với số lượng lớn (cả file dữ liệu); tỉ lệ điều chỉnh số liệu của một vài TCTD có số lượng khách hàng điều chỉnh lớn do nhiều nguyên nhân (hồ sơ giả mạo, sai sót phân loại nợ, lỗi hệ thống…).
 
Thứ tư, về khai thác, sử dụng thông tin tín dụng của TCTD, mặc dù CIC đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát hệ thống và kiểm soát việc khai thác thông tin đúng quy định của TCTD, song vẫn còn phát hiện một số trường hợp vi phạm quy định trong khai thác, sử dụng thông tin tín dụng; một số TCTD khai thác sản phẩm thông tin tín dụng chưa tương xứng với quy mô của TCTD, số lượng và danh mục khách hàng; chưa thường xuyên kiểm tra thông tin thay đổi đối với danh mục khách hàng…
 
3. Tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống thông tin tín dụng theo hướng hiện đại, là trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia
 
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động thông tin tín dụng năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 do CIC tổ chức ngày 16/01/2024, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đã ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp tích cực của CIC trong việc triển khai các chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ của NHNN trong năm 2023, sự chủ động của CIC trong việc cải thiện, mở rộng nguồn thông tin, độ phủ thông tin và kết quả đạt được trong hoạt động cung cấp thông tin; đặc biệt là việc hoàn tất di chuyển trung tâm dữ liệu chính (DC) sang hạ tầng đạt tiêu chuẩn UPTIME TIER III, góp phần tăng khả năng vận hành an toàn và liên tục của toàn hệ thống. Phó Thống đốc cũng lưu ý một số nhiệm vụ trong thời gian tới CIC cần triển khai, đó là sớm ban hành bộ chỉ tiêu thông tin tín dụng, hướng dẫn mẫu file báo cáo thông tin tín dụng theo Thông tư số 15/2023/TT-NHNN để các TCTD kịp thời chuẩn bị cơ sở hạ tầng, dữ liệu; đẩy mạnh việc làm sạch dữ liệu. Chú trọng nghiên cứu để mở rộng nguồn thông tin khác bên cạnh thông tin tín dụng để phát triển sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho vay tiêu dùng; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách giá phù hợp. Bên cạnh đó, CIC cần tiếp tục nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đảm bảo sự hoạt động liên tục của hệ thống: Nghiên cứu, đề xuất cơ chế tuyển dụng, phát triển, đào tạo nguồn lực công nghệ thông tin kĩ thuật cao; ban hành tiêu chuẩn về đảm bảo an ninh an toàn hệ thống với các TCTD kết nối H2H…. 
 
Trên cơ sở triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thống đốc NHNN, các kế hoạch, chương trình hành động của NHNN và Đề án Phát triển CIC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong thời gian tới, để tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống thông tin tín dụng trong ngành Ngân hàng theo hướng hiện đại, là trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia, góp phần vào sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống ngân hàng Việt Nam, CIC sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:  
 
Một là, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai kịp thời Thông tư số 15/2023/TT-NHNN, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kiểm tra, kiểm thử dữ liệu mới, xây dựng phần mềm chuyển đổi dữ liệu, đảm bảo kịp thời xử lí, cập nhật dữ liệu theo mẫu file mới. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các TCTD báo cáo đầy đủ, kịp thời thông tin theo quy định, đẩy mạnh kiểm soát chất lượng dữ liệu để phát hiện những bất thường về dữ liệu; phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố kiểm tra việc chấp hành báo cáo thông tin tín dụng của các TCTD, đề xuất biện pháp xử lí trong trường hợp không tuân thủ các quy định về báo cáo thông tin tín dụng.
 
Hai là, tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp để cải thiện hiệu năng của hệ thống, tăng cường các biện pháp an ninh, an toàn, bảo vệ dữ liệu, đảm bảo hệ thống thông tin tín dụng vận hành thông suốt, đáp ứng được yêu cầu khai thác, sử dụng thông tin tín dụng thường xuyên, liên tục của NHNN, TCTD và khách hàng. Tiếp tục đổi mới và cải tiến kênh cung cấp thông tin, tiếp tục rà soát và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin tín dụng của các TCTD...
 
Ba là, ứng dụng công nghệ khai thác dữ liệu, nâng cao chất lượng báo cáo phục vụ Ban Lãnh đạo và các đơn vị NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong công tác quản lí, điều hành, thanh tra, giám sát ngân hàng. Triển khai các dự án công nghệ thông tin, trong đó trọng tâm là dự án đầu tư xây dựng Hệ thống ứng dụng nghiệp vụ lõi và các dự án theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
 
Bốn là, tiếp tục nghiên cứu, cải tiến chính sách giá cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng và các cơ chế khác để khuyến khích các TCTD báo cáo thông tin tín dụng với chất lượng cao hơn và đẩy mạnh khai thác, sử dụng tối đa nguồn dữ liệu thông tin tín dụng phục vụ cho hoạt động cấp tín dụng và quản trị rủi ro.
 
Năm là, triển khai các hoạt động trong nhiệm kì Chủ tịch ACRN nhằm trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong hoạt động thông tin tín dụng với các tổ chức thông tin tín dụng trong khu vực và thế giới, thúc đẩy trao đổi thông tin xuyên biên giới.
Theo Tạp chí Ngân hàng.

Các tin liên quan