Trong năm 2024, TP.HCM sẽ thực hiện hiệu quả chuyển đổi số gắn liền với Đề án 06 và Nghị quyết 08; yêu cầu các sở ban ngành bám sát chỉ đạo của Trung ương, phấn đấu đến cuối 2025, các hoạt động hành chính của Thành phố sẽ thực hiện trên nền tảng số…
Hội nghị trực tuyến Sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 diễn ra chiều 20/2 tại trụ sở UBND TP.HCM.
Hội nghị trực tuyến Sơ kết hai năm triển khai thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng Dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, vừa diễn ra chiều ngày 20/2.
ĐÀO TẠO NHÂN LỰC, PHÁT HUY VAI TRÒ TRUNG TÂM CHUYỂN ĐỔI SỐ
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi đã ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành, đơn vị, địa phương, đặc biệt đánh giá cao sự đóng góp của Công an TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông và Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM cùng các sở ngành, đơn vị phối hợp thực hiện Đề án 06 trên địa bàn Thành phố trong 2 năm qua.
Thời gian tới, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập trung tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong việc thực hiện Đề án 06. Với các vấn đề mà TP.HCM được phép tháo gỡ thì cần đẩy nhanh thực hiện; nếu vượt quá khả năng của Thành phố cần đề xuất lên các cơ quan chức năng, bộ ngành trung ương để tìm cách tháo gỡ thực hiện.
Đồng thời, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa thực hiện để đạt và vượt được mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu mà TPHCM đã đề ra; cơ quan thường trực cho Đề án 06 là Công an TPHCM và cơ quan thường trực cho chuyển đổi số là Sở Thông tin và Truyền thông phải tổng hợp, rà soát, các chỉ đạo của cấp trên, tình hình của thành phố để đề xuất, sớm ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2024.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng đề nghị các cơ quan cần tập trung, đánh giá đúng hiện trạng, lên kế hoạch và tiến hành đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị để phục vụ cho chuyển đổi số, trong đó có hoạt động của Đề án 06, tiến tới xây dựng thành phố thông minh trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố theo chiến lược dữ liệu của thành phố; phải kết nối được dữ liệu quốc gia; triển khai vận hành ứng dụng dùng chung thống nhất trên nền của Đề án 06 ở TP.HCM.
“Muốn để trong năm 2025 các thủ tục liên quan đến hành chính diễn ra được trên nền tảng số thì ngay từ bây giờ phải có sự tập trung cao để phát triển các dịch vụ công, triển khai app công dân… Ngoài ra, cần phải đào tạo nguồn nhân lực và phát huy vai trò của trung tâm chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế bằng các văn bản quy trình quy định, hướng dẫn đi đến thống nhất chung khi triển khai”, Trưởng ban Chuyển đổi số TP.HCM khẳng định.
HUY ĐỘNG CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ, QUYẾT TÂM CAO
Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết với vai trò là cơ quan thường trực, Công an Thành phố đã chủ động, kịp thời tham mưu nhằm đề ra các giải pháp, thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, tham mưu lãnh đạo UBND Thành phố chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những “điểm nghẽn” trong tổ chức thực hiện; duy trì tham mưu thực hiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ theo quy định.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành, địa phương cũng đã tăng cường phối hợp làm sạch, cập nhật, bổ sung, đồng bộ dữ liệu các chuyên ngành với các Cơ sở dữ liệu quốc gia, phối hợp xác minh hơn 3,9 triệu hồ sơ tiêm chủng phục vụ cập nhật lên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; đồng bộ 12,8 triệu lượt dữ liệu hộ tịch, tư pháp của thành phố với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rà soát, làm sạch 36.899 trường hợp bị sai lệch dữ liệu nguồn bảo hiểm xã hội...
Thời gian qua, Công an Thành phố đã thu nhận 7.774.016 hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip điện tử, cấp 5.685.373 hồ sơ và kích hoạt thành công 4.308.997 hồ sơ tài khoản định danh điện tử, triển khai có hiệu quả 17/35 mô hình của Đề án 06.
Ngay sau khi Chính phủ triển khai Đề án 06, Thành ủy, UBND TP.HCM đã xác định Đề án 06 là một trong những công tác cốt lõi để xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Đây cũng là nền tảng, động lực giúp Thành phố hoàn thành những chương trình, kế hoạch mà Đảng bộ Thành phố đề ra.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Thành phố đã quyết liệt huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tổ chức, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: Rà soát nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và hạ tầng Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử đáp ứng theo quy định; rà soát việc cung cấp dịch vụ điều chỉnh, nâng cấp, bổ sung các chức năng kỹ thuật đảm bảo an toàn thông tin Cổng dịch vụ công Thành phố; nâng cấp hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố và tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, việc hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của Thành phố và làm sạch, làm giàu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành đạt hiệu quả cao.
Chủ tịch UBND TP.HCM tặng Bằng khen cho 65 tập thể, 105 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án 06.
Thực hiện kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố với các hệ thống thông tin chuyên ngành của các Bộ, ngành theo mô hình, hướng dẫn, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ, thành phần hồ sơ cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của Thành phố đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ.
Tính đến ngày 15/12/2023, có 24/24 Sở, ngành, 22/22 UBND cấp huyện, 312/312 UBND cấp xã ban hành Kế hoạch triển khai, thành lập Tổ công tác và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác thực hiện Đề án 06; 2.008/2.008 ấp, khu phố thành lập Tổ công tác triển khai Đề án 06. Nâng cao vai trò Tổ Công tác Đề án 06 cơ sở gắn với hoạt động của Tổ công nghệ số công đồng trong việc thực hiện Đề án 06.
Theo Phó Giám đốc Công an Thành phố, nhìn chung, trong 2 năm qua, với quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo quyết liệt và sự sáng tạo, nỗ lực, bản lĩnh trong tổ chức, phối hợp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn Thành phố cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Trong đó nổi bật là nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và người dân về chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng có sự chuyển biến rõ nét, tích cực; các đơn vị đã nhận diện đầy đủ về vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06. Phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng chung tay thúc đẩy hiệu quả triển khai, niềm tin vào thành công của Đề án 06 và công cuộc chuyển đổi số được nâng lên.
Các giải pháp phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử được khai thác, ứng dụng vào hoạt động của ngành ngân hàng, y tế, giáo dục, tư pháp, lĩnh vực quản lý cư trú; Giải pháp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, tài chính… Người dân đã được cung cấp, tích hợp đầy đủ các giấy tờ bảo đảm các hoạt động, công việc hàng ngày trên môi trường mạng (100% công dân đủ điều kiện đã được cấp mã số định danh cá nhân, căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử mức 2).
“Đề án 06 đã góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang phương thức quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, địa phương; góp phần thực hiện cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức cho cả cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp”, Thiếu tướng Trần Đức Tài khẳng định.
Theo Vneconomy.