Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ đã nêu rõ, tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, cần ưu tiên chuyển đổi số trước.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Đến nay hầu hết các NHTM đã xây dựng chiến lược thực hiện chuyển đổi số và được NHNN phê duyệt đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên so với các NHTM thì chuyển đổi số của Hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND) còn chậm chạp, ngay cả trong vấn đề nhận thức về chuyển đổi số còn tương đối mơ hồ, vì vậy để thực hiện được chiến lược chuyển đổi số của ngành đối với hệ thồng QTDND phải có bước đi, giải pháp cụ thể mới đạt được yêu cầu và mục tiêu đặt ra. Đó là điều mà các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra tại Tọa đàm Chuyển đổi số đối với hệ thống QTDND do Học viện Ngân hàng, Ngân hàng Hợp tác xã và Hiệp hội QTDND đồng tổ chức tại Hà Nội sáng 4/7/2023.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương chỉ ra, chuyển đổi số với hệ thống là hành trình chứ không phải đích đến. Quan trọng hơn chuyển đổi số mang lại sản phẩm tốt nhất cho khách hàng. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số tại các quỹ cũng không ít thách thức. Đầu tiên là cần xác định đối tượng khách hàng tiềm năng; xác định sản phẩm cung cấp; Hai là thành lập ban chỉ đạo triển khai chuyển đổi số, là yếu tố quyết định thành công, điều này đòi hỏi sự thay đổi nhận thức và tư duy của các bên liên quan; Ba là cần xác định lộ trình, kế hoạch cho từng giai đoạn, thay đổi quy trình. Bốn là xác định nguồn lực đầu tư và giải quyết bài toán sản phẩm phần mềm dùng chung cả hệ thống QTDND, hay riêng từng Quỹ ; đầu tư hạ tầng hay thuê hạ tầng. Cuối cùng là đào tạo năng lực số cho chính QTDND và khách hàng sử dụng sản phẩm.
Phó cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin NHNN Đoàn Thanh Hải Phó cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin NHNN Đoàn Thanh Hải, chỉ ra 3 yếu tố quan trọng cho QTDND chuyển đổi số trước mắt, đó là phải tập trung đó là con người, thể chế, công nghệ và khuyến nghị Lộ trình và giải pháp thực hiện hành trình chuyển đổi số đối với hệ thống QTDND với 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn Xác định chiến lược và kế hoạch chuyển đổi số bao gồm việc đánh giá tình hình hiện tại, định rõ mục tiêu và hướng đi, đồng thời xác định các biện pháp cần thiết để thực hiện chuyển đổi. Giai đoạn thực hiện cần triển khai các hoạt động cụ thể để thực hiện chiến lược chuyển đổi số. Điều này bao gồm việc áp dụng công nghệ và hệ thống thông tin mới, tối ưu hóa quy trình và quản lý, đảm bảo an ninh thông tin và bảo vệ dữ liệu khách hàng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển dịch vụ tài chính/ngân hàng số đảm bảo sự tiếp cận dễ dàng, thuận lợi cho khách hàng. Giai đoạn đánh giá, điều chỉnh cần đánh giá kết quả và hiệu quả của quá trình chuyển đổi. TCTD sẽ xem xét các kết quả đạt được và các khó khăn, từ đó điều chỉnh chiến lược và kế hoạch chuyển đổi để đảm bảo sự tiến bộ liên tục và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chuyển đổi số.
Để triển khai lộ trình và giải pháp thực hiện chuyển đổi số đối với QTDND, ông Hải chỉ ra sự cần thiết thành lập tổ/ban chuyển đổi số. Trong đó, trưởng ban/tổ trưởng: định hướng, quyết định, chịu trách nhiệm cuối cùng trong quá trình triển khai; Nhóm nghiệp vụ: xác định các bài toán cần chuyển đổi số, tham gia triển khai chuyển đổi số; Nhóm công nghệ: xác định các công nghệ số được áp dụng, tham gia triển khai chuyển đổi số; Nhóm truyền thông: tiếp nhận thông tin, tuyên truyền, đào tạo.
Ông cũng đưa ra quy trình 4 bước cho các tổ/ban chuyển đổi số cần thực hiện để hiện thực hóa chuyển đổi số quy trình lặp lại 4 bước. Trong đó, bước 1 là xác định chiến lược chuyển đổi số cần tập trung 03 khía cạnh của tổ chức: Vận hành (Chiến lược cần tạo ra nhiều giá trị hơn cho nhân viên, đối tác, khách hàng; tạo ra doanh thu, lợi nhuận tốt hơn; hoạt động với rủi ro thấp hơn); Trải nghiệm khách hàng (Chiến lược cần đạt được là làm cho khách hàng hài lòng hơn; Khách hàng trung thành hơn; Số lượng khách hàng nhiều hơn và khách hàng sẵn sàng giới thiệu); Mô hình kinh doanh mới (Chuyển đổi mô hình kinh doanh vận hành trên nền tảng công nghệ số; Tạo ra giá trị cho khách hàng khác biệt so với đối thủ).
Bước 2 là xác định các hành động và mục tiêu cụ thể tương ứng với chiến lược. Cần phải xác định rõ chúng ta đang ở giai đoạn nào, ứng với nó thì cần có mục tiêu tương xứng nào? Ông chi ra 3 giai đoạn để QTDND soi chiếu. Giai đoạn số hóa thông tin (Digitization) là là việc chuyển đổi dữ liệu từ dạng vật lý (analog) sang dạng kỹ thuật số (digital), số hóa thông tin + quy trình + công việc + dữ liệu, ví dụ: Triển khai phần mềm số hóa hoạt động như: quản lý hồ sơ vay vốn, quản lý quy trình cho vay, huy động vốn, tiền gửi tiền vay TCTD khác, nhân sự tiền lương, tài sản cố định, hạch toán kế toán… Giai đoạn Số hóa quy trình (Digitalization) là việc áp dụng công nghệ để tự động hóa quy trình hiện tại, giúp giảm chi phí vận hành và tăng hiệu quả, ví dụ: Tự động hóa việc chấm điểm khách hàng vay; Tự động hóa việc thông báo nhắc nợ qua SMS; Tự động hóa việc chuyển nhóm nợ; Tự động hóa việc dự thu dự chi; Tự động hóa việc báo cáo NHNN… Giai đoạn Số hóa toàn diện (Digital Transformation): là việc quản trị, vận hành trên nền số hóa, tiến tới chuyển đổi mô hình kinh doanh, ví dụ: Xây dựng mô hình dữ liệu về sản phẩm cho vay phục vụ phân tích dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định nên tập trung vào sản phẩm vay nào? Cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng trên nền tảng internet qua các hệ thống Digital Banking (Internet Banking, Mobile banking…).
Bước 3 tổ chức triển khai thực hiện, cần tuân thủ 03 nguyên tắc cơ bản: Nguyên tắc 1: Luôn tập trung vào lợi ích đầu ra: Nâng cao hiệu quả vận hành tổ chức; Nâng cao trải nghiệm CBNV, khách hàng; Tạo mô hình hoạt động mới hiệu quả hơn. Nguyên tắc 2: Mục tiêu chuyển đổi số phục vụ các chiến lược hoạt động của đơn vị: Chuyển đổi số phục vụ cho chiến lược quản cáo; Chuyển đổi số phục vụ cho chiến lược bán hàng; Chuyển đổi số phục vụ cho chiến lược phát triển sản phẩm, dịch vụ,… Nguyên tắc 3: Thực hiện một cách thông minh: có thể thực hiện trong phạm vi nhỏ để đánh giá, khi thành công sẽ triển khai mở rộng nhanh, có thể lựa chọn giải quyết các vấn đề khó khăn tồn tại từ lâu mà tổ chức chưa xử lý được.
Đồng thời, cần tập trung vào 3 trọng tâm: Vận hành, trong đó chuyển đổi số phải nâng cao hiệu quả vận hành khai thác; Chuyển đổi số phải tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình vận hành, quản trị; Trải nghiệm khách hàng trong đó cần xây dựng bộ chỉ số hài lòng của khách hàng và chuyển đổi số phải nâng cao chỉ số hài lòng của khách hàng; Xây dựng mô hình hoạt động trên nền tảng số: Chuyển đổi số giúp xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất; Chuyển đổi số trên nền tảng công nghệ mạnh mẽ, linh hoạt và an toàn.
Các QTDND cần phát triển, nâng cao nội lực chính mình để thực hiện chuyển đổi số: từ việc các cán bộ chủ động nâng cao kiến thức và các kỹ năng cần thiết, bao gồm: Kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ; Kiến thức và kỹ năng công nghệ; Kiến thức và kỹ năng tư vấn, quản trị dự án... Học hỏi và thí điểm từ các mô hình tương tự: Có kế hoạch tham quan, học hỏi từ các mô hình tương tự và thí điểm trong phạm vi hẹp; Liên kết, hợp tác với các đối tác có chung định hướng và chiến lược; Chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm. Đồng thời cần chuẩn bị tài chính từ việc xây dựng quỹ đầu tư vào công nghệ thông tin bằng cách trích một phần lợi nhuận hàng năm; xây dựng kế hoạch đầu tư hàng năm, có kế hoạch đầu tư dành đầu tư mới, bảo trì, đào tạo… hợp tác với các đối tác công nghệ theo các hình thức như: chia sẻ doanh thu; Thuê bao, trả góp; Tham gia các chương trình thử nghiệm…
Bước cuối cùng là đo lường và đánh giá kết quả với việc sử dụng bộ công cụ đo lường trong quản trị hiệu suất doanh nghiệp BSC-KPIs (Balanced Scorecard & Key Performance Indicators) để đo lường và đánh giá hiệu quả. Có thể tự xây dựng một hệ thống KPI đơn giản để đo lường và đánh giá hiệu quả.
Theo Thời báo Ngân hàng.