Thủ tướng Chính phủ nhận định, năm 2023 tình hình dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ; nhưng càng khó khăn, thách thức càng phải quyết tâm, đồng lòng, chung sức.
“Gió ngược” sẽ nhiều hơn
Năm 2022 đã dần khép lại với việc nền kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt khoảng 8%, trong khi lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra; nhiều chỉ số kinh tế hết 11 tháng đầu năm đều tăng trưởng tích cực.
Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh tại Phiên toàn thể cấp cao, Diễn đàn Kinh tế lần thứ năm, ngày 17/12: “Kinh tế năm 2022 mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi nhưng đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid -19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có, khẳng định được nội lực và khả năng chống chịu khá tốt của nền kinh tế”. Tuy nhiên theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, những bất cập, hạn chế từ nội tại của nền kinh tế cùng với bối cảnh thế giới đang có nhiều diễn biến bất lợi cũng đặt ra thách thức gay gắt đối với ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng và các vấn đề an sinh xã hội trong nước; tác động trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển cả trước mắt và dài hạn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, những tác động từ bên ngoài và tồn tại tích tụ lâu nay của nền kinh tế ảnh hưởng đến dư địa điều hành chính sách, thị trường vốn, thị trường bất động sản... đã trực tiếp tác động mạnh tới tình hình sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, lao động việc làm của người dân trong quý IV/2022. “Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh lương thực... trên toàn cầu gia tăng sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các nền kinh tế, ngay cả các dự báo lạc quan gần đây nhất cũng phải thận trọng hơn”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Cùng chung nhìn nhận này, đại diện các định chế quốc tế như ADB, WB, IMF... cho rằng những “cơn gió ngược” trên toàn cầu (triển vọng tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước đối tác lớn suy giảm kéo theo nhu cầu giảm; lạm phát vẫn cao nên các điều kiện tài chính, tiền tệ toàn cầu tiếp tục thắt chặt hơn; giá hàng hóa nguyên nhiên liệu có thể tăng cao do xung đột tiếp diễn tại Ukraine…) vẫn đang gia tăng sẽ tiếp tục tác động tới Việt Nam.
“Với bối cảnh trên, các phản ứng chính sách cần hướng tới sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính”, ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam đề xuất. Song ông vẫn tin tưởng: “Với nền tảng kinh tế lành mạnh và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, Việt Nam sẽ có thể đương đầu với những “cơn gió ngược” vào năm 2023. Triển vọng kinh tế trong trung và dài hạn vẫn rất tích cực và chúng tôi lưu ý rằng, sự quan tâm mạnh mẽ tới Việt Nam như một điểm đến của FDI chính là một lá phiếu tín nhiệm dài hạn”.
Chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng phó
Phát biểu tại Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế lần thứ năm, bên cạnh việc điểm lại những kết quả tích cực đã đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian hơn để phân tích tình hình, nguyên nhân, bài học trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đặc biệt liên quan đến định hướng lớn trong xử lý những vấn đề tồn tại, bất cập cần tiếp tục giải quyết liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản…
Theo Thủ tướng, đây là những vấn đề xuất hiện trong quá trình vận động và phát triển do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhất là khi các vấn đề nảy sinh cùng một lúc và trong lúc khó khăn như hiện nay thì khối lượng công việc phải xử lý nhiều và nặng nề hơn. “Song dứt khoát phải xử lý các sai phạm để các thị trường phát triển đúng bản chất, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, giữ ổn định hệ thống, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, trong xử lý cũng không có giải pháp, phương án nào là hoàn hảo mà phải lựa chọn phương án tối ưu nhất.
Nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025, Thủ tướng nhận định tình hình có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường hơn; thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn do đó đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.
Thống nhất với các ý kiến đề xuất tại diễn đàn và trên tinh thần “Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả”, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thời gian tới phải chủ động sáng tạo, kịp thời, thích ứng với tình hình, hành động quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt hơn nữa. “Phải nắm chắc tình hình và phản ứng chính sách kịp thời; lựa chọn ưu tiên phù hợp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác, bảo đảm hiệu quả tổng thể, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả. Theo đó, quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; chi tiết kiệm tối đa; nghiên cứu tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, lệ phí; các chính sách phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, bổ sung cho nhau, bảo đảm hiệu quả tổng thể.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập việc chú trọng đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững các loại thị trường, nhất là trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế. Theo đó, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ 4 công điện mới đây của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, an toàn, hiệu quả; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; tháo gỡ vướng mắc, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.
Cùng với đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin; Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư xã hội qua hợp tác công tư; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Theo Thời báo Ngân hàng
12.11.2024