Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, mặc dù tăng trưởng sản xuất toàn ngành công nghiệp; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa; bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước… trong tháng 2 giảm so với tháng 1, song có những cải thiện so với cùng kỳ 2023 và tính chung 2 tháng đầu năm 2024 có những chuyển biến rất tích cực, cho thấy nhiều tín hiệu khả quan cho triển vọng kinh tế quý I và những quý tiếp theo.
Nhiều chỉ số giảm do yếu tố mùa vụ
Đơn cử, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2/2024 ước tính giảm 18% so với tháng trước, nhưng tính chung 2 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 2 ước giảm 2,3% so với tháng trước, nhưng tính chung 2 tháng đầu năm tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 2 ước giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng 2 tháng đầu năm ước bằng 8,4% kế hoạch năm và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 8% và tăng 21,8%)…
Kinh tế 2 tháng chuyển biến tích cực
Đáng chú ý, việc Tết Nguyên đán năm nay diễn ra trọn trong tháng 2 là nguyên nhân quan trọng khiến xuất, nhập khẩu giảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2 ước đạt 48,54 tỷ USD, giảm 25,8% so với tháng trước và giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19,2%; nhập khẩu tăng 18%, qua đó giúp cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 4,72 tỷ USD.
Ở những lĩnh vực không bị ảnh hưởng, hay thậm chí được hưởng lợi bởi thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài vừa qua, đà tăng trưởng tiếp tục tích cực hơn. Như lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 64,1% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 2 tháng đầu năm tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 98,5% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Nhu cầu đi lại, du lịch và tiêu dùng của nhân dân và khách quốc tế đến trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao cũng giúp hoạt động vận tải tháng 2 diễn ra sôi động. Trong đó, vận tải hành khách tháng 2 ước tăng 14,3% về vận chuyển và tăng 22,7% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát tăng nhưng không đáng lo
Bình luận về các dữ liệu kinh tế mới nhất, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh ba từ “rất tích cực”. Theo chuyên gia này, mặc dù nếu so với tháng trước số liệu ở một số lĩnh vực có giảm đi nhưng đây chủ yếu vì yếu tố “mùa vụ”, khi thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn kéo dài hơn một tuần và rơi trọn trong tháng 2, song về cơ bản các dữ liệu đều phản ánh chiều hướng khả quan. Đề cập cụ thể hơn đến lĩnh vực xuất, nhập khẩu, TS. Cấn Văn Lực cho rằng những căng thẳng như tại Biển Đỏ hiện nay có thể ảnh hưởng một chút (về mặt thời gian và chi phí) đến một số tuyến đường xuất khẩu (chủ yếu đến xuất khẩu sang châu Âu), song về cơ bản không có tình trạng tắc nghẽn.
Trong khi đó hai tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 17,4 tỷ USD, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 36,6%; xuất siêu sang EU ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước… “Đây là những tín hiệu rất tích cực, cho thấy sức cầu bên ngoài đang cải thiện, các đơn hàng tiếp tục xu hướng phục hồi”, chuyên gia này nhận định.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, lạm phát tháng 2 tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và nguyên nhân cũng chủ yếu do yếu tố mùa vụ nên không đáng lo. Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 2 tăng 1,04% so với tháng trước và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, bình quân 2 tháng đầu năm 2024, CPI đã tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mức tăng 1,04% của CPI tháng 2 so với tháng trước chủ yếu do đà tăng giá của nhóm giao thông và nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống do nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), Tết Nguyên đán nằm trọn trong tháng 2 nên nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao, hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động hơn. Điều này tác động làm tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng trên thị trường nhưng không có sự gia tăng một cách đột biến nhờ Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương đã thực hiện tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá.
“Các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, mẫu mã phong phú, chủng loại đa dạng, đồng thời tổ chức lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết vừa qua nên giá cả hàng hóa không biến động lớn”, bà Oanh cho biết.
Tuy nhiên, để kiểm soát lạm phát năm 2024 đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, đại diện Tổng cục Thống kê kiến nghị một số giải pháp chính. Trong đó, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam đ có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.
Các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng phục vụ tiêu dùng của người dân. Đồng thời, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, ngay từ đầu năm cần xây dựng kế hoạch, tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Cần sớm lên phương án, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để tránh bị động trong phối hợp chính sách. Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Theo Thời báo Ngân hàng.