06.01.2022 09:36

Kinh tế 2021, nhìn lại và hướng tới

Theo các chuyên gia, dù tăng trưởng không đạt được mục tiêu đề ra bởi tác động quá nghiêm trọng và kéo dài của đại dịch Covid nhưng có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ từ năm 2022.

Đà phục hồi tích cực trở lại, từ cả phía cung và cầu

Là năm chịu tác động của đại dịch Covid còn nặng nề hơn năm 2020, song TS. Phạm Sỹ An - Phó trưởng Ban Kế hoạch - Tài chính thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, năm 2021 vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan: lạm phát ở mức rất thấp; thu ngân sách vượt dự toán; xuất nhập khẩu đạt kỷ lục; giải ngân đầu tư công tích cực… “Chúng ta còn thấy những điểm tích cực khác trong năm nay như tinh thần quyết liệt chống dịch gắn với phục hồi kinh tế; các hoạt động đẩy mạnh cải cách hành chính, thể chế; đẩy mạnh phát triển kinh tế số… Trong đó, có những yếu tố không thể lượng hóa ngay trong một năm thành các kết quả cụ thể, nhưng sẽ được thể hiện trong các năm tới và quan trọng hơn là giúp thiết lập nền tảng tăng trưởng cho tương lai”, chuyên gia này cho biết.

Tốc độ tăng/giảm GDP các quý năm 2021 (%)

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP chỉ tăng 2,58% là mức thấp nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên đó vẫn là mức tăng trưởng khá cao khi so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhìn lại diễn biến năm qua có thể thấy, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4 là yếu tố chính khiến tăng trưởng quý III sụt giảm tới 6,02%. Tuy nhiên, việc Chính phủ nhanh chóng chuyển sang cơ chế thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế đã giúp nền kinh tế bật lên mạnh mẽ trong quý IV.

Nhắc lại như vậy để thấy, mức tăng trưởng 2,58% đạt được trong năm 2021 dù chỉ bằng một nửa mục tiêu đặt ra nhưng cũng là dấu ấn tích cực. “Mức tăng trưởng 5,22% của quý IV đã cho thấy sự phục hồi tương đối rõ nét (cao hơn mức tăng 4,48% của quý IV/2020). Điều quan trọng hơn là thực tế đó cho thấy, nếu áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả và phù hợp thì kinh tế sẽ phục hồi khả quan. Và chúng ta thấy rất rõ điều này kể từ khi triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10", TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận định.

Theo chuyên gia này, đà phục hồi trong quý IV/2021 có thể thấy rõ từ cả phía cầu và phía cung. Về phía cung, bên cạnh trụ cột nông nghiệp về cơ bản duy trì đà tăng trưởng tích cực như năm ngoái thì trụ cột công nghiệp và xây dựng đã tăng trở lại ấn tượng sau quý III suy giảm. Trong đó, đáng chú ý nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận mức tăng 7,96% (phục hồi mạnh từ mức giảm 4,09% trong quý III), giúp cả năm tăng 6,37% và qua đó đóng góp 1,61% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Trong khi đó khu vực dịch vụ dù tăng yếu nhưng một số ngành như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông vẫn tích cực.

Về phía cầu, đáng chú ý nhất năm nay là tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa lập kỷ lục mới, đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. “Trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2021 dự kiến chỉ ở mức 9% - 10% thì mức tăng 19% cả năm (tăng 19,4% trong quý IV) và cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4 tỷ USD là rất ấn tượng", TS. Lực nhấn mạnh.

Trong khi đó, đầu tư nước ngoài cơ bản duy trì được đà như năm 2020 (tổng vốn đăng ký vào Việt Nam tăng 9,2%, nhưng giải ngân giảm nhẹ 1,2%). Đặc biệt, vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm tăng tốt trở lại trong 3 tháng cuối năm cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào Việt Nam, qua đó tạo ra xu hướng tích cực hơn trong năm 2022. Trong khi đó, đầu tư công và đầu tư tư nhân cũng có những chuyển biến tích cực dù còn chậm.

Kỳ vọng lớn, nhưng thách thức chưa hết

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lạm phát và giá cả toàn cầu năm nay tăng nhanh, việc giữ được lạm phát ở mức thấp (1,84%) có sự đóng góp quan trọng của chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) khi hai chính sách này đã phối hợp tốt, nhịp nhàng. Bên cạnh đó, việc giữ được tỷ giá, lãi suất tương đối ổn định là những yếu tố giúp cho kinh tế vĩ mô được đảm bảo.

Trên nền tảng vĩ mô ổn định, TS. Lực tin tưởng, triển vọng năm nay sẽ khả quan hơn rất nhiều. Dù các dự báo cho thấy kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ phục hồi chậm lại, những vẫn quanh mức 4-5% (cao hơn mức trung bình 3% trước đây) nên vẫn là cơ hội tốt cho Việt Nam trong thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, đà phục hồi năm nay sẽ rõ nét hơn khi chúng ta tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, độ bao phủ vắc xin tốt hơn và nhất là đi vào triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. “Chúng tôi dự báo, nếu không có chương trình này thì tăng trưởng GDP năm 2022 chỉ khoảng 4-4,5%; nhưng có chương trình đó thì có thể đạt 6,5-7%. Tất nhiên đi kèm đó là hai điều kiện: Kiểm soát tốt dịch bệnh và triển khai tốt Chương trình phục hồi này”, TS. Lực cho biết.

Bên cạnh đó, những động lực tăng trưởng chính liên quan đến nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều kỳ vọng sẽ phục hồi tốt hơn trong năm tới. Đơn cử, TS. Lực dự báo tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt 15-17%. Trong khi về đầu tư, hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng đầu tư nước ngoài sẽ tăng mạnh hơn trong khi đầu tư công và đầu tư tư nhân đều có khả năng sẽ bứt phá. “Cộng hưởng với Chương trình phục hồi tập trung khá nhiều vào cơ sở hạ tầng, nhiều dự án đầu tư công đã được chuẩn bị tích cực gần đây cũng sẽ được đẩy mạnh trong năm nay”, TS. Lực tin tưởng.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo, năm 2022 cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Trong đó, rủi ro lớn nhất vẫn liên quan đến dịch bệnh với sự xuất hiện của biến chủng Omicron và có thể xuất hiện các biến chủng tiếp theo. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế lớn bắt đầu rút các gói nới lỏng, tăng lãi suất nên sẽ tạo áp lực thanh khoản và gián tiếp tác động tới Việt Nam. Đồng thời, giá cả, lạm phát, chi phí vận tải… trên toàn cầu có thể không tăng cao nữa nhưng vẫn ở mức cao và tiếp tục tạo áp lực nhập khẩu lạm phát, làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Vì vậy theo các chuyên gia, trong năm 2022 cần hết sức quan tâm với áp lực lạm phát tăng (cả áp lực bên ngoài và trong nước như độ trễ cung tiền, rủi ro tăng ở các thị trường tài sản, những tác động phụ có thể phát sinh khi chúng ta thực hiện Chương trình phục hồi…). Bên cạnh đó, cũng cần chủ động các chính sách để kiểm soát các rủi ro về nợ công, bội chi và nợ xấu tăng.

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan