25.08.2021 10:37

Khó khăn không cản bước vươn lên

Theo kịch bản cơ sở trong Báo cáo “Điểm lại” phát hành ngày 24/8 của WB, kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% cho cả năm 2021. Tuy nhiên báo cáo nhận định các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022.

Khả năng chống chịu tốt

Như vậy so với mức 6,8% mà WB đưa ra vào tháng 12/2020, dự báo này đã điều chỉnh tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn tới 2% và cũng thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6% Quốc hội đặt ra trong năm 2021.

“Việc điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 chủ yếu liên quan đến đợt bùng phát dịch hiện nay và những dự kiến ảnh hưởng tiêu cực của nó đến nền kinh tế”, bà Dorsati Madani - Chuyên gia Kinh tế Cao cấp của WB tại Việt Nam nói và cho biết, mức tăng trưởng này dựa trên giả định đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý IV. Giai đoạn phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin diện rộng, sao cho ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào giữa năm 2022, giúp ngăn ngừa những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng mới.


Dịch bệnh đã làm đình trệ sản xuất, kéo giảm tăng trưởng

Tuy nhiên vị chuyên gia của WB cũng lưu ý, “bất kỳ thay đổi nào tới giả định trên sẽ đều ảnh hưởng đến dự báo”. Hiện có một số rủi ro và thách thức có thể ảnh hưởng tiêu cực đối với triển vọng trong ngắn hạn và trung hạn được WB chỉ ra gồm: Tốc độ tiêm vắc xin trong nước (nếu chậm hơn so với dự kiến); Diễn biến của đại dịch và quá trình phục hồi hoạt động kinh tế ở các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam; Tăng trưởng yếu hơn so với kỳ vọng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực có thể làm chậm quá trình phục hồi của Việt Nam.

“Nếu một hoặc cùng lúc các rủi ro nêu trên trở thành hiện thực, nhu cầu trong nước và xuất khẩu sẽ không hồi phục lại như dự kiến”, bà Dorsati Madani nói và cho biết, khi đó kịch bản tăng trưởng tiêu cực hơn có thể xảy ra và cả năm nay có thể chỉ ở mức 3,2%. Cũng trong kịch bản tiêu cực này, tác động sẽ kéo dài qua năm tới và khiến tăng trưởng 2022 phục hồi chậm hơn, có thể chỉ ở mức 5,5%.

Với những diễn biến mới nhất của nền kinh tế theo hướng khó khăn, chịu tác động nhiều hơn của đợt dịch hiện nay, TS. Phạm Sỹ An - Phó trưởng Ban Kế hoạch - Tài chính thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, báo cáo vừa công bố của WB đã đưa ra đánh giá tương đối toàn diện về nền kinh tế trong thời gian vừa qua. Mức tăng trưởng năm nay dự báo khoảng 4,8% với điều kiện nền kinh tế phục hồi trong quý IV cũng là hợp lý.

Cùng quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, mức tăng trưởng dự kiến của WB cũng khá sát với kịch bản cơ sở mà nhóm nghiên cứu của ông vừa cập nhật. Theo đó ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng năm nay có thể chỉ ở mức 4,8-5%, với giả thiết dịch cơ bản được kiểm soát trong quý III và tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng vào khoảng cuối quý II/2022. Tuy nhiên ở kịch bản tiêu cực, tăng trưởng có thể ở mức 4% - cao hơn mức dự kiến 3,2% của WB.

Vượt qua và sớm trở lại

Cũng theo báo cáo “Điểm lại’, đại dịch Covid - đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 hiện nay đã khiến nhiều chỉ số kinh tế xấu đi. Đơn cử, WB dự báo bội chi ngân sách năm nay có thể lên mức 6% GDP, khiến nợ công sẽ tăng thêm khoảng 3% (lên 58,3%); cán cân vãng lai dự kiến chỉ còn thặng dư nhẹ, giảm từ 4,6% GDP năm 2020 xuống khoảng 0,5% GDP năm nay. Bên cạnh đó, rủi ro nợ xấu cũng gia tăng và những khó khăn từ nền kinh tế thực của doanh nghiệp, người dân kéo dài có thể sẽ dẫn chuyền vào trong khu vực tài chính và ngân hàng.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và tác động rất lớn đến nền kinh tế như vừa qua thì việc bội chi ngân sách hay nợ xấu tăng lên là những diễn biến bình thường và các nước cũng gặp phải do tác động của đại dịch. Do đó trong ngắn hạn, WB và các chuyên gia cho rằng, việc duy trì các chính sách tài khóa và tiền tệ thích ứng, tạo thuận lợi để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế vẫn là cần thiết, không nên quá quan ngại vấn đề bội chi ngân sách, nợ công hay nợ xấu tăng. Cùng với đó, cần tập trung đẩy nhanh chiến lược vắc xin và có các gói hỗ trợ mạnh hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp vượt qua và phục hồi.

Tuy nhiên, các rủi ro tài khóa, rủi ro khu vực tài chính… tất yếu sẽ gia tăng nếu các chính sách hỗ trợ kéo quá dài. Do đó khi thoát khỏi đợt dịch lần thứ tư, các động lực tăng trưởng đã được củng cố và nền kinh tế trong nước dần phục hồi, việc trở lại với các chính sách củng cố tài khóa, rút dần chính sách tiền tệ thích ứng để tập trung nhiều hơn vào mục tiêu ổn định lạm phát là điều cần thiết.

Trong đó, theo chuyên gia Dorsati Madani, để hóa giải rủi ro gia tăng về nợ xấu trong tương lai, cần xây dựng chiến lược chấm dứt các biện pháp cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và sớm ban hành kế hoạch xử lý nợ xấu, cũng như có cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và đang gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn các ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II.

Trong khi đó về tài khóa, dù Việt Nam còn đủ dư địa khi tỷ lệ nợ công trên GDP chỉ quanh 55,3% GDP vào cuối năm 2020 và có thể lên 58,3% GDP năm nay - vẫn dưới ngưỡng an toàn đặt ra - nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tình hình tài khóa có thể xấu đi tương đối nhanh nếu đợt dịch hiện nay không được kiểm soát nhanh chóng và/hoặc những đợt dịch mới lại bùng lên trong những tháng tiếp theo. “Do đó, việc trở lại với các chính sách củng cố tài khóa trong những năm tiếp theo để mở đường cho quỹ đạo nợ bền vững từ trung đến dài hạn là rất cần thiết”, chuyên gia này khuyến nghị.

Các chuyên gia WB cũng tin tưởng, tuy rủi ro theo hướng suy giảm tăng trưởng đã gia tăng trong những tháng gần đây nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc (vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, dòng vốn FDI vào vẫn tích cực và có thể sẽ sớm phục hồi lại mức như trước Covid-19…) và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi.

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan