Từ Hợp tác xã tín dụng Như Quỳnh chuyển đổi sang mô hình Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) năm 1993, đến nay, hoạt động của QTDND Văn Lâm (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) diễn ra khá bình yên. Song chính từ sự nhiệt tình, trách nhiệm, uy tín của những cán bộ nhân viên HTX tín dụng ngày đó, đã giúp hoạt động của Quỹ những năm đầu dù chậm nhưng chắc chắn, làm nền tảng cho sự bứt phá sau này.
Ảnh minh họa: Khách hàng giao dịch tại một QTDND
Cuối những năm 2000, mặt bằng giải tỏa những nhà máy, xí nghiệp mọc lên đã giúp người dân thị trấn Như Quỳnh có được nguồn vốn tích lũy từ việc đền bù đất. Diện tích đất canh tác bị thu hẹp, trong khi đô thị hóa lan dần đến miền quê, khiến người dân cũng phải linh hoạt, thích ứng sự chuyển đổi, từ đó hình thành nên nghề tái chế phế liệu. Từ dòng vốn của QTDND Văn Lâm với quy mô nhỏ, đầu tư theo nhu cầu nhỏ lẻ của người dân, cùng sự tiếp sức của chính quyền địa phương, đã quy hoạch và xây dựng khu làng nghề tái chế phế liệu tại thôn Minh Khai, tạo đà cho các hộ dân vay vốn bung ra làm ăn, làng nghề phát triển mạnh mẽ.
Từ 30 thành viên ngày đầu chuyển đổi, với vốn pháp định vỏn vẹn 100 triệu đồng, đến năm 1997, Quỹ đã huy động được tổng nguồn vốn hơn 10 tỷ đồng. Giám đốc QTDND Văn Lâm Nguyễn Thanh Nhàn cho biết: Tại mỗi thôn của thị trấn, Quỹ bố trí "cắm chốt" một cán bộ. Những cán bộ này luôn sát sao về các thành viên trong thôn. Cán bộ Quỹ phải tường tận đến 95% thông tin về các thành viên, nên nếu có những vấn đề nổi cộm là biết ngay". Chính lợi thế này đã giúp các chi nhánh của QTDND Văn Lâm có thể giải ngân nhanh chóng các khoản vay của thành viên. Trong khi đó, các ngân hàng do thiếu lợi thế này nên việc thẩm định hồ sơ vay thường mất nhiều thời gian hơn. Ðây chính là một trong những lý do giúp QTDND Văn Lâm vượt qua trở ngại lãi suất cao hơn các ngân hàng thương mại trên địa bàn, để đưa dòng vốn tới các thành viên.
Hiện nay, QTDND Văn Lâm cho vay ở khu vực thị trấn Như Quỳnh chiếm 400 đến 500 thành viên. Nhiều hộ dân thành đạt từ chính nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ. Như gia đình ông Nguyễn Ðình Chi, thôn Minh Khai, khởi đầu từ nghề thu gom phế liệu với nguồn vốn vay từ Quỹ, chỉ vài ba chục triệu đồng, đến nay gia đình ông đã phát triển nhà xưởng với số vốn lên đến hàng tỷ đồng. Cả gia đình ông Chi hiện đều tập trung sản xuất túi xốp đựng thức ăn, thực phẩm.
Dòng vốn của Quỹ cũng góp phần phát triển các nghề phụ của thành viên như nghề mộc, đầu tư trồng hoa. Theo số liệu tính toán, thu nhập bình quân của người dân trong thị trấn đạt 28 đến 30 triệu đồng/người. Từ quy mô nhỏ ban đầu, đến nay tổng nguồn vốn của Quỹ lên đến 76 tỷ đồng. Theo đại diện lãnh đạo Quỹ, kế hoạch huy động nguồn vốn của Quỹ dựa trên cơ sở quy mô, phương án kinh doanh cũng như kế hoạch phát triển kinh tế địa phương. Vài năm trở lại đây, Quỹ đã chủ động được nguồn vốn cho vay đến các thành viên. Ðến nay, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của Quỹ đã lên tới 3,4 tỷ đồng. Ðây cũng là cơ hội để Quỹ tăng hạn mức tín dụng cho các thành viên với nhu cầu mở rộng quy mô ngày một lớn hơn. Dư nợ tín dụng của Quỹ đạt hơn 60 tỷ đồng với 1.394 thành viên. Với những kết quả như vậy, vừa qua, Quỹ được Ngân hàng Nhà nước tặng giấy khen trong quá trình chuyển đổi hoạt động tốt, ổn định, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, góp phần không nhỏ trong cải cách kinh tế địa phương.