Trong khuôn khổ dự án “Đẩy mạnh hệ thống QTDND” (STEP) do Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) tài trợ, tổ chức Developpment International Desjardins (DID) và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) đồng thực hiện, ngày 05/06/2024 tại Trụ sở chính Co-opBank, Ban Chỉ đạo Dự án đã tổ chức họp lần thứ 7 để đánh giá kết quả hoạt động năm 2023, đề ra kế hoạch hành động năm 2024 cũng như định hướng kế hoạch cho các hoạt động mở rộng sau khi Dự án kết thúc.
Tham dự cuộc họp, về phía nhà tài trợ (GAC) có bà Lisa Moreau - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Canada, thành viên Ban Chỉ đạo Dự án và các cán bộ Phát triển cấp cao. Đại diện tổ chức DID có ông Jean Boisvert - Giám đốc chương trình tại Canada; ông Claude Lafond - Giám đốc Dự án STEP và các chuyên gia, cán bộ Dự án. Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có sự tham dự của đại diện Cục III - Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, Vụ Hợp tác quốc tế và Cục Công nghệ thông tin. Đại diện phía Co-opBank có bà Phạm Thị Hồng Minh - Thành viên HĐQT/Tổng giám đốc, Đồng Trưởng Ban chỉ đạo Dự án, ông Nguyễn Thạc Tâm - Phó Tổng giám đốc, Đồng Giám đốc Dự án và đại diện các Khối, Phòng, Ban, Trung tâm có liên quan.
Bà Lisa Moreau - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Canada, thành viên Ban chỉ đạo dự án phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu khai mạc cuộc họp Ban Chỉ đạo năm cuối, bà Lisa Moreau - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Canada, thành viên Ban chỉ đạo dự án đã cám ơn sự có mặt của các đại biểu, đặc biệt là các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Ban quản lý Dự án, các cơ quan hữu quan của NHNN và các cán bộ trong hệ thống Co-opBank đã đóng góp cho sự thành công của Dự án trong 8 năm qua.
Tại phiên họp, ông Claude Lafond - Giám đốc dự án báo cáo các hoạt động triển khai đã thực hiện trong năm 2023/2024. Trong năm qua, dự án STEP đã hoàn thành các mục tiêu ưu tiên như hoàn thành xây dựng Khung giám sát rủi ro kèm hướng dẫn quy trình thực hiện; xây dựng Báo cáo cải thiện hoạt động Qũy bảo toàn; Triển khai Bộ công cụ kiểm toán nội bộ, bao gồm tập huấn cho 28 QTDND và đơn vị Bảo hiểm tiền gửi, hỗ trợ kiểm thử Bộ công cụ tại 10 QTDND; Triển khai tập huấn Phương pháp tín dụng mới có cập nhật phiếu đánh giá rủi ro môi trường & xã hội cho 24 QTDND; Triển khai kế hoạch Tài chính và quản trị kinh doanh, bao gồm đào tạo sử dụng Cẩm nang chăm sóc khách hàng, phát triển và quảng bá ứng dụng Co-opSmart, tổ chức các sự kiện, hội thảo marketing có lồng ghép tập huấn kỹ năng lãnh đạo cho các thành viên nữ của các QTDND; Thực hiện kế hoạch triển khai nhân rộng Dự án, bao gồm đào tạo Tiểu giáo viên cho cán bộ Trụ sở chính và 32 Chi nhánh Co-opBank, xây dựng nguồn nhân lực có đủ năng lực để đảm bảo tính lâu dài, bền vững của các giải pháp, công cụ do Dự án STEP phát triển.
Ông Claude Lafond - Giám đốc dự án báo cáo các hoạt động triển khai đã thực hiện trong năm 2023/2024
Trình bày Kế hoạch hành động năm 2023/2024, ông Claude Lafond cho biết trong năm cuối cùng của Dự án sẽ ưu tiên thực hiện 5 nhóm mục tiêu, bao gồm: (1) Duy trì tính bền vững của các giải pháp, công cụ của Dự án (đào tạo tiểu giáo viên, triển khai các giải pháp số hóa cho QTDND, tập huấn sản phẩm cho vay theo nhóm); (2) Tiếp tục triển khai công tác Quản trị rủi ro (tiếp cận dữ liệu chất lượng tốt hơn có phân tách giới, tăng cường chức năng giám sát quản trị rủi ro QTDND); (3) Đẩy mạnh tuyên truyền Quỹ bảo toàn (xây dựng sổ tay hướng dẫn, tổ chức hội thảo cho QTDND); (4) Đẩy mạnh công tác marketing & truyền thông (quảng bá ứng dụng Co-opSmart, tổ chức sự kiện marketing cho QTDND lồng ghép tập huấn nâng cao kĩ năng lãnh đạo cho nữ); (5) Thúc đẩy giá trị hợp tác (khảo sát & thiết kế các hội thảo nhằm nâng cao nhận thực về giá trị hợp tác cho QTDND).
Ông Nguyễn Thạc Tâm - Phó Tổng giám đốc Co-opBank, Đồng Giám đốc dự án STEP phát biểu tại cuộc họp. Cũng trong phiên họp, ông Nguyễn Thạc Tâm - Phó Tổng giám đốc Co-opBank, Đồng Giám đốc dự án STEP thay mặt cho Co-opBank đã trình bày về quá trình tái cơ cấu của Co-opBank và định hướng duy trì tính bền vững của Dự án trong thời gian tới. Theo đó, trong 03 năm vừa qua, Co-opBank đã phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng Đề án tái cơ cấu toàn diện, trong đó định hướng xây dựng Co-opBank là “Ngân hàng của các QTDND”, lấy QTDND và khách hàng là trọng tâm, mô hình tổ chức có sự phân tách rõ ràng giữa các chức năng Hoạch định, Thực Thi, Giám sát, Cải tiến với 03 tuyến phòng thủ tách bạch Kinh doanh, Chính sách, Quản trị rủi ro, định hướng tiệm cận với mô hình quản trị của ngân hàng hiện đại. Đến nay Co-opBank đã hoàn thiện việc kiện toàn Chi nhánh theo 03 cấp và tại Trụ sở chính đã thực hiện tái cơ cấu một số Ban, Khối, Trung tâm, trong đó thành lập Khối QTDND thành viên là đơn vị trọng tâm phát triển sản phẩm và chăm sóc các QTDND.
Về công tác duy trì tính bền vững các giải pháp của Dự án STEP, ông Nguyễn Thạc Tâm chia sẻ 03 định hướng đã và đang được Co-opBank triển khai:
1. Triển khai chương trình đào tạo tiểu giáo viên: kế hoạch đào tạo tiểu giáo viên được chia làm 3 giai đoạn. Co-opBank đã phối hợp với dự án STEP triển khai 02 giai đoạn bao gồm tập huấn cho các cán bộ Trụ sở chính và 32 Chi nhánh của Co-opBank. Tiếp theo sẽ triển khai giai đoạn 03, trong đó chọn 02 Chi nhánh để đào tạo thí điểm cấp QTDND, tổ chức 08 đoàn công tác để tập huấn thực địa cho QTDND trên 02 địa bàn các tỉnh An Giang và Hà Tĩnh.
2. Tiếp tục phát triển các dự án dịch vụ ngân hàng số trên nền tảng kế thừa từ dự án STEP: Trong năm 2024, Co-opBank đã ra mắt 3 giải pháp số được đầu tư bằng chính nguồn lực của Co-opBank là ứng dụng ngân hàng số cho tổ chức CFBIZ, ứng dụng định danh tài khoản CFEAM, ứng dụng khởi tạo dịch vụ từ xa CFePCF. Các giải pháp trên đều được phát triển trên trục tích hợp dịch vụ ESB thuộc dự án Ebanking do dự án STEP và Co-opBank thực hiện. Ngoài ra ứng dụng giáo dục tài chính Co-opSmart, cung cấp các bài học về quản lý tài chính và công cụ hỗ trợ thiết lập kế hoạch kinh doanh, tính toán khoản vay cũng đã trở thành 1 sản phẩm trong hệ sinh thái số của Co-opBank.
3. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị Co-opBank tiếp nhận và vận hành các giải pháp của Dự án: để đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ của dự án STEP có thể tiếp cận nhiều QTDND nhất có thể, Co-opBank đã tập trung giao nhiệm vụ cho các đơn vị đầu mối để tiếp nhận và triển khai các giải pháp của Dự án đến các QTDND thông qua mạng lưới Chi nhánh và phòng giao dịch. Các giải pháp của Dự án bao gồm: Bộ công cụ Kiểm toán nội bộ, Sản phẩm cho vay theo dòng tiền, hệ thống báo cáo PRMS, Bộ công cụ chăm sóc khách hàng và marketing, ứng dụng Co-opSmart, hệ thống E-banking và nền tảng đào tạo trực tuyến E-learning đã được các đơn vị Co-opBank phối hợp tiếp nhận, triển khai vận hành hàng ngày cũng như thực hiện các công tác nâng cấp bảo trì.
Ông Jean Boisvert - Giám đốc chương trình của DID tại Canada phát biểu tại cuộc họp Cũng trong cuộc họp, ông Jean Boisvert - Giám đốc chương trình của DID tại Canada chia sẻ trong 8 năm qua Co-opBank phối hợp với DID triển khai dự án STEP, có những thời điểm khó khăn khi 2 bên bất đồng quan điểm, không tìm được tiếng nói chung. Nhưng với nỗ lực từ 2 phía, cùng ngồi lại với nhau để tìm cách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đến nay dự án STEP đã triển khai một cách thành công các hạng mục công việc và ông tin tưởng rằng dự án STEP sẽ kết thúc tốt đẹp. Nhân đây ông Jean Boisvert cũng gửi lời cám ơn tới các bên liên quan đã đóng góp vào thành công của Dự án.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng phòng Quản lý giám sát tổ chức tín dụng hợp tác, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng phát biểu tại cuộc họp Đại diện phía cơ quan chủ quản NHNN, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng phòng Quản lý giám sát tổ chức tín dụng hợp tác, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cho biết, trong thời gian qua, Ban lãnh đạo NHNN đánh giá rất cao hiệu quả thiết thực của Dự án đem lại cho hệ thống QTDND và Co-opBank. Ban lãnh đạo NHNN đã rất quan tâm và có những chỉ đạo rất kịp thời cụ thể các đơn vị liên quan để hỗ trợ Dự án, cụ thể Cục Công nghệ thông tin đã chia sẻ cho Dự án dữ liệu để làm cơ sở xây dựng hệ thống báo cáo PRMS và bộ công cụ Quản trị rủi ro, các vụ, cục của NHNN đã có các cuộc họp với các chuyên gia Dự án để góp ý xây dựng các giải pháp của Dự án, cũng như chỉ đạo các Chi nhánh NHNN tỉnh và Hiệp hội QTDND tuyên truyền, yêu cầu các QTDND sử dụng các sản phẩm của Dự án STEP đang triển khai. Bà cũng rất vui mừng thấy được hiệu quả của Dự án có tác động lớn đến các thành viên của QTDND, đặc biệt là các thành viên nữ. Bà Huyền hy vọng rằng với thời gian còn lại, Dự án sẽ đưa ra các đánh giá, giải pháp để sau này có thể nhân rộng một cách bền vững, để các QTDND thấy được lợi ích do các giải pháp của Dự án mang lại. Ngoài ra, bà Huyền cũng lưu ý với việc triển khai các dự án liên quan đến hệ thống E-Banking, Co-opBank và dự án STEP cần rà soát đánh giá, có các biện pháp kiểm soát rủi ro để Co-opBank và hệ thống QTDND triển khai vừa hiệu quả, an toàn. Bà cũng cám ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Canada, các đóng góp tận tâm của các chuyên gia dự án và đặc biệt là tập thể Ban lãnh đạo và cán bộ Co-opBank cho sự thành công của Dự án.
Sau khi nghe phần trình bày của các đại biểu, bà Lisa Moreau - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Canada, thành viên Ban Chỉ đạo dự án đã ghi nhận thành công của các công cụ sản phẩm của Dự án, đặc biệt là dự án E-Banking, góp phần đưa các dịch vụ ngân hàng hiện đại đến thành viên và khách hàng của các QTDND tại vùng nông thôn. Tuy nhiên, bà Lisa cũng lưu ý các hoạt động của Dự án sẽ chính thức kết thúc vào 30/11/2024, Dự án sẽ phải hoàn thành các công việc trong khoảng thời gian còn lại, như triển khai đào tạo mở rộng cho các QTDND ngoài thí điểm, xây dựng chuyến Tham quan học tập tại Canada dự kiến vào tháng 09/2024. Ngoài ra, mặc dù ấn tượng với các con số đạt được của Dự án, bà Lisa bày tỏ mong muốn thấy số lượng nhiều hơn nữa các QTDND sử dụng các công cụ của Dự án trong tương lai, đặc biệt là có sự tham gia của các QTDND nằm ngoài phạm vi 75 QTDND thí điểm. Bà Lisa đề xuất NHNN nghiên cứu xây dựng các quy định, chính sách, hỗ trợ để các QTDND sử dụng nhiều hơn các giải pháp của Dự án STEP. Cuối cùng, bà Lisa đề xuất DID và Co-opBank sẽ phối hợp xây dựng báo cáo đánh giá tác động của Dự án để nêu cao vai trò và tầm quan trọng của Dự án STEP sau khi Dự án kết thúc.
Bà Phạm Thị Hồng Minh - Thành viên HĐQT/Tổng giám đốc Co-opBank, Đồng Trưởng Ban Chỉ đạo dự án phát biểu bế mạc cuộc họp Phát biểu bế mạc, bà Phạm Thị Hồng Minh - Thành viên HĐQT/Tổng giám đốc Co-opBank, Đồng Trưởng Ban Chỉ đạo dự án cho biết Co-opBank đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ mô hình tổ chức của tập đoàn Desjardins, từ đó đã và đang áp dụng cho Co-opBank và hệ thống QTDND. Bà Phạm Thị Hồng Minh cũng thay mặt cho Co-opBank cam kết sẽ phối hợp với dự án STEP hoàn thành những hạng mục công việc còn lại của Dự án đã được nêu trong cuộc họp. Bà Phạm Thị Hồng Minh nhất trí với đề xuất của bà Lisa Moreau về việc trong năm sau DID phối hợp với Co-opBank đánh giá tác động của Dự án và trình NHNN để ghi nhận các hiệu quả, tác động của STEP mang lại. Cuối cùng, bà cũng cảm ơn bà Lisa Moreau, nhà tài trợ GAC và Ban lãnh đạo NHNN cũng như các Vụ, Cục đã đồng hành hỗ trợ để Dự án được thực hiện thuận lợi và thành công.
Theo Website Co-opBank.