Ngày 31/3/2022, NHNN đã tổ chức Hội nghị về hoạt động của các QTDND trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Đến dự và chỉ đạo Hội nghị về phía NHNN có đồng chí Đào Minh Tú – Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam; về phía tỉnh Thanh Hoá có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Văn Thi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, Chính phủ, NHNN ban hành nhiều chủ trương, chính sách đổi mới tạo điều kiện cho QTDND hoạt động an toàn lành mạnh. Trên cơ sở đó, các QTDND trên địa bàn cũng đã có đóng góp quan trọng trong giải quyết bài toán vốn cho người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hộ gia đình… Qua đó cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, trước xu thế phát triển kinh tế của cả nước, đặc biệt tại tỉnh Thanh Hoá có tốc độ phát triển mạnh trong mấy năm qua, nhu cầu vốn phát triển rất lớn. Do vậy, việc vừa giải quyết cung ứng đủ vốn vừa đảm bảo an toàn hoạt động không gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội địa phương là những vấn đề đặt ra đối với QTDND trong thời gian tới.
Chính vì vậy, theo Phó Thống đốc, đây là diễn đàn để các QTDND chia sẻ khó khăn vướng mắc, đồng thời đưa ra đề xuất kiến nghị khắc phục những tồn tại để hoạt động của các QTDND hiệu quả hơn.
Báo cáo cụ thể hơn về tình hình hoạt động các QTDND trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, Giám đốc NHNN chi nhánh Thanh Hoá Tống Văn Ánh cho biết, tính đến 31/12/2021, trên địa bàn tỉnh có 67 QTDND, là một trong 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về số lượng QTDND, hoạt động trên địa bàn 178 xã, phường, thị trấn của 18 huyện, quận, thành phố của tỉnh Thanh Hóa.
Tổng nguồn vốn hoạt động là 7.390 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn huy động là 6.327 tỷ đồng, chiếm 85,6% tổng nguồn vốn; Vốn vay là 256 tỷ đồng, chiếm 3,5% tổng nguồn vốn; vốn chủ sở hữu là 471 tỷ đồng, chiếm 6,4% tổng nguồn vốn; Tổng dư nợ cấp tín dụng là 5.428 tỷ đồng của 31.303 thành viên vay vốn/115.656 thành viên tham gia QTDND. Chất lượng tín dụng của các QTDND cơ bản đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn cho phép.
Với kết quả đạt được, hoạt động của hệ thống QTDND thời gian qua đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí của loại hình tổ chức tín dụng “gần dân, sát dân” là kênh dẫn vốn hiệu quả, vừa trực tiếp huy động nguồn lực nhàn rỗi trong dân cư để từng bước tự chủ về vốn, vừa đưa nguồn vốn kịp thời tới người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng và phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian để lắng nghe những chia sẻ về kiến nghị, đề xuất của một số QTDND trên địa bàn và các ý kiến thảo luận, trao đổi, giải đáp của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi đánh giá cao sự quan tâm của NHNN, đặc biệt là việc tổ chức hội nghị để đánh giá toàn diện về hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn, qua đó đưa ra những biện pháp, định hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thi, về cơ bản, hệ thống QTDND trên địa bàn đã hoạt động hiệu quả, phát huy được vai trò, sứ mệnh trong việc giải quyết công ăn việc làm, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng của các thành viên, hạn chế tín dụng đen,… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thi tin rằng với sự chỉ đạo sát sao, phối hợp hiệu quả giữa ngành Ngân hàng với các cấp chính quyền trong tỉnh sẽ giúp cho hệ thống QTDND trên địa bàn tiếp tục phát triển hiệu quả, lành mạnh, an toàn trong thời gian tới.
Quang cảnh hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú ghi nhận đóng góp của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá trong suốt 30 năm qua. Thống kê đến cuối năm 2021, dư nợ cho vay chiếm 3,4%/tổng dư nợ của tỉnh, cao hơn của toàn quốc cho thấy đóng góp lớn của hệ thống QTDND đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động QTDND còn những tồn tại. Do vậy, việc tiếp tục chấn chỉnh, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của QTDND trên địa bàn là rất cần thiết. “Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong thời gian tới”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Để đảm bảo hệ thống QTDND phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả trong thời gian tới, Phó Thống đốc chỉ đạo toàn hệ thống cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Tiếp tục củng cố, chấn chỉnh lại hệ thống QTDND trong toàn quốc, trong đó có Thanh Hóa; tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu để nâng cao năng lực tài chính, quản trị, năng lực cán bộ; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát.
Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương các cấp; hàng năm cần tổ chức hội nghị để đánh giá hoạt động và thông báo những chủ trương, chính sách của ngành và địa phương; các QTDND phải tăng cường công nghệ, thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Phó Thống đốc giao các đơn vị chức năng của NHNN nghiên cứu trả lời, giải quyết những đề xuất, kiến nghị của các QTDND. Phó Thống đốc cũng cho rằng, về lâu dài cần nghiên cứu, đổi mới mô hình hoạt động của hệ thống QTDND để đảm bảo sự phù họp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.
Theo Thời báo Ngân hàng
12.11.2024