Chuyển đổi số là việc tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực hoạt động. Sự tích hợp này cho phép tạo mới, hoặc sửa đổi các quy trình kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng hiện có nhằm đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thị trường và mong muốn của khách hàng, giúp các bên tiết kiệm chi phí và hợp lý hóa các quy trình hoạt động. Trước sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), làn sóng chuyển đổi số đã lan tỏa khắp các lĩnh vực trong nền kinh tế và trở thành xu thế tất yếu trong phát triển của các ngành nghề, địa phương, lĩnh vực, trong đó có hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
1. Định hướng chuyển đổi số đối với hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Thái Bình
Chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và thực hiện chuyển đổi số theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, ngày 11/5/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ngày 13/01/2022, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng... Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ngày 19/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó, mục tiêu cơ bản đến năm 2025 có 80% trở lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đạt trên 90% ở cấp tỉnh, 100% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh được kết nối, chia sẻ...; đến năm 2030 thực hiện chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thái Bình đã thành lập Ban chỉ đạo và triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đối với hệ thống ngân hàng trên địa bàn, NHNN Chi nhánh tỉnh đã triển khai các chủ trương, định hướng của tỉnh, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn triển khai chuyển đổi số theo chỉ đạo của ngành Ngân hàng và của tỉnh.
Như vậy, chuyển đổi số đối với ngành Ngân hàng nói chung, hệ thống QTDND trên địa bàn Thái Bình nói riêng không còn là sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi tất yếu để giúp các QTDND phát triển bền vững trong CMCN 4.0.
2. Những kết quả đạt được
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 85 QTDND hoạt động trên địa bàn 147 xã, phường, thị trấn; đến cuối tháng 4/2022, nguồn vốn huy động đạt trên 12.500 tỷ đồng, dư nợ cho vay trên 9.000 tỷ đồng... Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, tăng cường quản lý, củng cố, đảm bảo an toàn hoạt động, công tác chuyển đổi số đang được quan tâm triển khai thực hiện đối với hệ thống QTDND.
Về phía NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình, Chi nhánh đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị viễn thông triển khai áp dụng phần mềm trao đổi thông tin giữa NHNN với tất cả các QTDND trên địa bàn; theo đó, toàn bộ việc triển khai cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo, trao đổi thông tin, báo cáo giữa NHNN và các QTDND chuyển thành file điện tử và thực hiện trên môi trường số; đối với công tác báo cáo thống kê, Chi nhánh đã chỉ đạo, hướng dẫn các QTDND thực hiện báo cáo thống kê trên phần mềm báo cáo của NHNN, các chỉ tiêu, số liệu báo cáo được trích xuất từ phần mềm nghiệp vụ, tạo file và gửi về NHNN hoàn toàn trên môi trường số.
Về phía Ngân hàng Hợp tác xã (NHHTX) Chi nhánh Thái Bình, với vai trò là “ngân hàng của tất cả các QTDND”, thực hiện các văn bản chỉ đạo của NHNN và của Hội sở chính, NHHTX Chi nhánh Thái Bình xác định áp dụng công nghệ tin học, số hóa hoạt động trong giao dịch với QTDND là một trong những trọng tâm trong chuyển đổi công nghệ số tại Chi nhánh. NHHTX đã triển khai các sản phẩm hiện đại, được số hóa nhằm mục tiêu phát triển dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khách hàng nói chung, hệ thống QTDND nói riêng, góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, kết nối nông thôn - thành thị, mang dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại tới khách hàng với chi phí hợp lý, đồng thời tạo nền tảng để phát triển số hóa các sản phẩm bán lẻ trên kênh số. Chi nhánh đã thành lập Tổ dịch vụ ngân hàng số để triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số tới khách hàng và các QTDND như: Mở tài khoản thanh toán cho gần 2.100 khách hàng, chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip cho toàn bộ khách hàng đã mở thẻ, lắp đặt hệ thống POS và phát hành thẻ ghi nợ thanh toán nội địa cho cho cán bộ, nhân viên QTDND, tiến tới phát hành rộng rãi cho thành viên QTDND có nhu cầu. Tháng 01/2022, Chi nhánh triển khai ứng dụng ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking cho các khách hàng, cán bộ và thành viên QTDND; đây là kênh giao dịch số hoạt động thông qua mạng Internet cho phép khách hàng sử dụng thiết bị di động để thực hiện các giao dịch, cung cấp các dịch vụ chuyển tiền trong Co-opBank, chuyển tiền nhanh 24/7 liên ngân hàng qua số tài khoản/số thẻ, chuyển tiền qua giấy tờ tùy thân, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn, thanh toán nhanh bằng mã QRPAY, đặt vé máy bay, vé xem phim…; đến cuối tháng 3/2022, đã có 08 QTDND với hàng ngàn cán bộ, thành viên đăng ký sử dụng dịch vụ, doanh số thanh toán đạt gần 100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, NHHTX Chi nhánh Thái Bình đã triển khai dịch vụ “chuyển tiền nhanh 24/7 tại quầy” cho QTDND nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ, hỗ trợ các QTDND trong công cuộc chuyển đổi số hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đây là một trong số các tiện ích của ngân hàng điện tử CF-eBank đã được triển khai tới 60/85 QTDND trên địa bàn; theo đó, khách hàng và thành viên QTDND được sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại ngay tại địa phương một cách an toàn, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, tăng cường tính liên kết hệ thống, phát triển tài chính toàn diện cũng như đẩy mạnh cung ứng vốn và phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, được số hóa trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
Về phía hệ thống QTDND trên địa bàn, toàn bộ 85/85 QTDND đã đầu tư cơ sở vật chất, trang bị hệ thống máy tính, thiết bị công nghệ phục vụ hoạt động và chuyển đổi số; 100% QTDND kết nối mạng Internet phục vụ hoạt động, các giao dịch của QTDND được thực hiện trên hệ thống mạng, từng bước được số hóa, phần mềm nghiệp vụ và thường xuyên được nâng cấp để nâng cao chất lượng, đảm bảo các giao dịch đúng quy trình, an ninh, an toàn và thuận tiện cho khách hàng.
Bên cạnh các sản phẩm truyền thống là huy động và cho vay thành viên, các dịch vụ thanh toán cho khách hàng và thành viên cũng được các QTDND triển khai hiệu quả như: Dịch vụ thanh toán, chuyển tiền qua ngân hàng điện tử CF-eBank (doanh số tăng trưởng nhanh qua các năm: Năm 2018 gần 1.500 tỷ đồng, năm 2019 gần 1.700 tỷ đồng, năm 2020 trên 1.700 tỷ đồng, năm 2021 trên 1.800 tỷ đồng); thực hiện các nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho các thành viên; một số QTDND làm dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ cho các ngân hàng được phép, số tiền chi trả của các QTDND bình quân các năm khoảng 220.000 USD; triển khai ứng dụng ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking cho phép khách hàng, cán bộ và thành viên QTDND thực hiện các giao dịch thanh toán, chuyển tiền thông qua điện thoại thông minh bước đầu đạt kết quả tích cực.
Công tác quản lý, điều hành, kiểm soát các nghiệp vụ, các chỉ tiêu, số liệu, tỷ lệ an toàn hoạt động được thực hiện thông qua các phần mềm nghiệp vụ, cho phép kiểm tra, theo dõi, báo cáo chính xác, đầy đủ, kịp thời các mặt hoạt động. Công tác báo cáo thống kê, gửi nhận văn bản được thực hiện thông qua phần mềm trao đổi thông tin do đơn vị viễn thông cung cấp, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiết giảm chi phí hoạt động.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nói chung, trình độ tin học, tiếp cận, sử dụng công nghệ nói riêng được các QTDND quan tâm thực hiện. Bộ máy quản trị, điều hành, kiểm soát của các QTDND được kiện toàn, chuẩn hóa về trình độ; các QTDND quan tâm tuyển dụng cán bộ tin học; thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ tin học, sử dụng thiết bị công nghệ, hệ thống mạng, phần mềm cho cán bộ, nhân viên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và chuyển đổi số tại từng đơn vị.
3. Một số khó khăn, thách thức
Là loại hình TCTD hoạt động chủ yếu tại địa bàn nông thôn, quy mô nhỏ, năng lực tài chính, quản trị điều hành còn hạn chế..., việc thực hiện chuyển đổi số đối với hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Thái Bình bên cạnh những kết quả đạt được còn gặp một số khó khăn, thách thức: Đối tượng khách hàng của các QTDND chủ yếu sinh sống trên địa bàn nông thôn, khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ số nói chung, dịch vụ ngân hàng hiện đại, dịch vụ ngân hàng số nói riêng còn thấp; thói quen sử dụng tiền mặt trong dân cư còn phổ biến, tâm lý lo ngại tính bảo mật, rủi ro khi sử dụng các dịch vụ công nghệ cao; các QTDND quy mô hoạt động còn nhỏ, nguồn lực tài chính yếu, các sản phẩm, dịch vụ cung cấp chủ yếu là dịch vụ truyền thống như huy động vốn, cho vay...; cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), hệ thống mạng, máy chủ, phần mềm còn hạn chế, nhiều QTDND chưa trang bị máy chủ độc lập, còn sử dụng máy tính nghiệp vụ làm máy chủ, cấu hình thấp, không có máy chủ dự phòng, việc đáp ứng yêu cầu về bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin của đa số QTDND còn yếu, hầu hết các QTDND chưa có thiết bị tường lửa để bảo mật thông tin giữa Internet và mạng nội bộ; nhân lực có trình độ CNTT của các QTDND còn yếu, hầu hết các QTDND chưa có cán bộ chuyên trách CNTT, việc quản trị hệ thống, triển khai, nâng cấp phần mềm, xử lý sự cố phụ thuộc vào đơn vị cung cấp; thách thức về sự đồng bộ và chuẩn hóa các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu, kết nối liên thông, tích hợp liền mạch của các QTDND với hệ thống ngân hàng thương mại, NHHTX, dữ liệu dân cư, với các ngành, lĩnh vực khác trong tỉnh để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng...
4. Mục tiêu, giải pháp chuyển đổi số đối với hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Thái Bình
Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đề ra mục tiêu đối với các TCTD: Đến năm 2025, có ít nhất 50% dịch vụ ngân hàng thực hiện trên môi trường số (đến năm 2030 đạt ít nhất 70%), ít nhất 70% số lượng giao dịch khách hàng thực hiện thông qua các kênh số (đến năm 2030 đạt ít nhất 80%), ít nhất 70% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường số (đến năm 2030 đạt ít nhất 90%)... Thực hiện chuyển đổi số đối với hệ thống QTDND trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng là nhiệm vụ, yêu cầu bắt buộc, cần có sự chỉ đạo đồng bộ của NHNN, sự hỗ trợ trực tiếp từ NHHTX; việc chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ cho khách hàng và thành viên lấy NHHTX là trung tâm để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu, phát triển dịch vụ, các QTDND là đại lý trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng số; chuyển đổi số trong quản trị, điều hành QTDND thực hiện từng bước dựa trên nguồn lực nội tại của từng QTDND để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, từng bước kết nối với các cơ quan, tổ chức để đồng bộ, khai thác dữ liệu phục vụ chuyển đổi số... Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu và định hướng trên, cần tập trung vào các giải pháp sau:
Đối với hệ thống QTDND
Thứ nhất, quán triệt, triển khai đầy đủ kịp thời cơ chế, chính sách, chỉ đạo của Nhà nước và của ngành Ngân hàng về chuyển đổi số; nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm, nhiệm vụ của tập thể, của từng cá nhân lãnh đạo, cũng như cán bộ, nhân viên trong thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị.
Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động truyền thông về chuyển đổi số, về sản phẩm, dịch vụ mới, hiện đại của QTDND tới khách hàng, thành viên và người dân trên địa bàn, tăng cường kiến thức về chuyển đổi số, từ đó làm thay đổi nhận thức, khuyến khích sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại, ngân hàng số của QTDND.
Thứ ba, bố trí nguồn lực tài chính, xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện chuyển đổi số, phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại, từng bước phát triển dịch vụ, chuyển đổi số phù hợp với khả năng và điều kiện hiện có của từng đơn vị.
Thứ tư, tích cực đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa công nghệ, hệ thống mạng, phần mềm, ứng dụng, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, điều hành của đội ngũ lãnh đạo; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tin học, chuyển đổi số... cho cán bộ, nhân viên, đảm bảo có đủ nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số theo lộ trình, kế hoạch đã xây dựng.
Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với NHHTX trong việc hiện đại hóa, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu để triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, ngân hàng số theo định hướng của NHHTX, từng bước cung ứng, phát triển các dịch vụ ngân hàng số phù hợp với điều kiện của QTDND và nhu cầu sử dụng của khách hàng và thành viên trên địa bàn...
Đối với NHNN Chi nhánh tỉnh: Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động QTDND đúng tôn chỉ, mục đích; triển khai kịp thời cơ chế, chính sách, chỉ đạo về chuyển đổi số; phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ QTDND sử dụng, quản lý hiệu quả các phần mềm nghiệp vụ, báo cáo thống kê, trao đổi thông tin, đồng bộ hóa dữ liệu dân cư, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, CNTT...
Đối với NHHTX Chi nhánh tỉnh: Thực hiện tốt vai trò ngân hàng trung tâm của hệ thống QTDND; tích cực triển khai các ứng dụng, dịch vụ ngân hàng số cho QTDND và thành viên; hỗ trợ các QTDND nâng cấp, đồng bộ hạ tầng công nghệ, dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực..., góp phần thực hiện hiệu quả chuyển đổi số đối với hệ thống QTDND trên địa bàn theo chủ trương, định hướng của Chính phủ và NHNN.
Theo Tạp chí Ngân hàng