Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu của nhân dân ta, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, người suốt đời hy sinh, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, đấu tranh không ngừng nghỉ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại bị áp bức ở Việt Nam và trên thế giới là một tấm gương vĩ đại, toàn diện và hết sức gần gũi mà toàn Đảng, toàn dân đã xác định, tâm nguyện học tập và noi theo. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người phải được coi là một nhu cầu văn hóa, trở thành động lực tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là công việc, nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị, gắn với phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. “Nêu gương” và “noi gương” là một phạm trù trong giáo dục của văn hóa truyền thống Việt Nam chịu ảnh hưởng từ đạo Nho và văn hóa phương Đông. Tất cả các triết lý đó đều nhắc nhở những người đứng đầu, những người gánh vác trọng trách quốc gia phải “tu thân, dưỡng tính”, phải trở thành các đấng “minh quân”, làm gương cho mọi thần dân noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiểu rõ bản chất, giá trị và ý nghĩa của việc nêu gương và chính bản thân Người đã trở thành tấm gương sáng ngời về thực hành nêu gương. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp nêu gương đạo đức. Vì thế, người nhấn mạnh: “Lấy gương người tốt, việc tốt hàng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới”. Người khẳng định: “Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có. Ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có”. Tháng 6/1968, Người trực tiếp chỉ đạo xuất bản sách “Người tốt, việc tốt” để mọi người học tập, làm theo, lan tỏa cái tốt, cái đẹp trong xã hội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để nêu gương thì trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm. Một điều rất đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đưa ra những tư tưởng, quan điểm rất đúng đắn về nêu gương mà chính Người còn là hiện thân cao đẹp nhất về trách nhiệm nêu gương trước Đảng, trước nhân dân. Phong cách nêu gương trong tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Hình ảnh của Hồ Chí Minh là hình ảnh của một lãnh tụ vĩ đại về trí tuệ lãnh đạo, mẫu mực về mối liên hệ thân thiết, gắn bó với nhân dân, hết lòng thương yêu nhân dân. Bản thân Hồ Chí Minh suốt đời là tấm gương mẫu mực của người cán bộ lãnh đạo trên cả ba mối quan hệ chủ yếu: với mình, với việc và với người. Đối với tự mình, dù khi còn hoạt động cách mạng bí mật, hay khi cách mạng thành công, đảm nhiệm cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, Người luôn thực hành lối sống cần kiệm, hết mực trong sáng, giản dị, “một đời thanh bạch chẳng vàng son”. Đối với việc, Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần tận tâm, tận lực, phấn đấu để hoàn thành xuất sắc các công việc mang lại ích lợi cho Tổ quốc, cho dân tộc. Người xác định chân lý là những gì có lợi cho Tổ quốc, cho dân tộc. Do đó, việc gì có lợi cho nhân dân thì phải ra sức làm, việc gì có hại cho nhân dân thì phải ra sức tránh. Chính vì vậy, quy trình xây dựng đường lối chính sách là phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, từ đó đúc kết thành những chủ trương, chính sách; rồi thực hiện thí điểm và lấy ý kiến góp ý của nhân dân để hoàn chỉnh chủ trương, chính sách. Cả cuộc đời, Người đã phấn đấu không ngừng nghỉ vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng bàn bạc, thảo luận dân chủ để tìm ra cách thức, biện pháp hiệu quả nhất thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên. Đối với những vấn đề cần phải giải quyết, Người không chỉ nghe báo cáo, mà còn trực tiếp xuống cơ sở, nắm bắt thực tiễn, tìm hiểu kỹ càng vấn đề, từ đó mà đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề. Trong công việc, Hồ Chí Minh cũng thể hiện rõ sự ngăn nắp, gọn gàng và rất chú ý xây dựng kế hoạch làm việc một cách khoa học, xuất phát từ thực tiễn và luôn bám sát thực tiễn để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Đối với người, Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận con người trong sự vận động, biến đổi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn. Vì vậy, Người luôn chủ trương dùng những biện pháp cảm hóa, giáo dục, thuyết phục làm chính, nâng dần ý thức và nhân lên những phần tốt đẹp trong mỗi con người như hoa cỏ mùa Xuân, phần xấu thì bị mất dần đi. Người dành tình yêu thương vô bờ bến cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là những người đang ở trong cảnh ngộ khó khăn, đang bị đau khổ. Thâu thái truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây, Hồ Chí Minh đã có phong cách ứng xử với con người một cách thân tình, lịch thiệp, tinh tế. Cho đến thời điểm cuối cùng của cuộc đời, trong bản Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nêu tấm gương sáng của một người cán bộ, đảng viên suốt đời luôn quan tâm lo lắng cho đất nước, dân tộc, nhất là trong phần Người nói về việc riêng. Sau những lời dặn ân cần và hết sức sâu sắc về xây dựng Đảng, về chiến lược đối với con người, về đoàn kết trong nước và quốc tế... tưởng như đến phần “về việc riêng” là những dòng viết về mong muốn, những nhu cầu riêng của bản thân Người, nhưng thực tế đó cũng lại là những lo nghĩ cho người đang sống, cho dân tộc. Người yêu cầu được hỏa táng để “đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng”, đồng thời nhắc nhở “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Đó chính là sự nêu gương nếp sống mới văn minh trong nhân dân. “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”, tất cả là vì con người, vì dân tộc, vì nhân dân, vì Đảng, không có một chút gì của riêng Người. Đó chính là tấm gương mẫu mực để giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên về tinh thần suốt đời vì nước, vì dân, đặt lợi ích chung lên trên hết và trước hết. Trong những năm đổi mới vừa qua, bên cạnh những đóng góp to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã trở thành một trong những mối nguy hại rất lớn đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, “Chỉ tính từ sau Đại hội XII của Đảng (tháng 1/2016) đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 5 Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 người trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương, thậm chí có 1 Ủy viên Bộ Chính trị bị khai trừ ra khỏi Đảng và lĩnh án 30 năm tù, 11 người nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng đã nghỉ hưu cũng bị xử lý kỷ luật”. Trước tình trạng suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong thời gian qua, Đảng ta đã ban hành một loạt Quy định về “nêu gương”. Ngày 7/6/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Quy định đã chỉ rõ: mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu học tập và làm theo Bác. Trong đó có nội dung về phong cách lãnh đạo nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được cụ thể hóa cho cán bộ, đảng viên các cấp làm theo; đồng thời, quy định một cách toàn diện, đầy đủ bảy nội dung cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt cần nêu gương. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về xây dựng Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả của cán bộ, đảng viên, của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, mà trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, ngày 25/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TW, quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Trong Quy định số 08-QĐ/TW, Đảng ta nêu ra 18 quy định cụ thể về đạo đức, phong cách lãnh đạo đúng đắn cần làm và những việc, những biểu hiện phải chống trong các hành vi, ứng xử, các mối quan hệ cụ thể của công tác, của cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng ta yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương Đảng. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện và chỉ đạo thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là các cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và ở cấp cao nhất. Nhất định việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng thành công. Có như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam mới nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương | |
Theo Thời báo Ngân hàng |