07.05.2024 13:42

Hành trình của tiền đồng

Cùng với cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại của quân và dân Việt Nam, trong suốt hơn 20 năm của thế kỷ XX (1951-1975), kể từ khi Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ra đời, đồng tiền Việt Nam cũng đã có một hành trình đấu tranh cách mạng đầy vinh quang và thử thách.

Đấu tranh và dân vận bằng “giấy bạc Cụ Hồ”

Theo ghi chép của ông Lê Văn Hiến (1904-1997) - Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên của Việt Nam (in trong tập sách Nhật ký của một bộ trưởng, NXB Đà Nẵng, phát hành năm 1995), hành trình đấu tranh của đồng nội tệ VND trong suốt các năm tháng chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng đầy vinh quang và giàu sáng tạo.
Giấy bạc Ngân hàng mới phát hành, thay cho tiền tài chính

Theo đó, để tạo tiền mệnh giá nhỏ cho người dân và sử dụng cho các chiến khu, trong các năm giai đoạn 1948-1950, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất ra các sắc lệnh phát hành thêm các loại “giấy bạc Việt Nam” mệnh giá 2 hào (0,2 đồng), 5 hào (0,5 đồng) và 200 đồng. Trong suốt các năm 1946-1951, nội dung in trên các tờ giấy bạc Việt Nam tập trung vào chủ đề sản xuất và chiến đấu với các hình tượng quen thuộc là công nhân, nông dân và vệ quốc quân, với các thành ngữ dân vận, như: “thực túc binh cường”, “ăn no đánh thắng”, “tay búa tay súng”, “tay cày tay súng”, “bảo vệ mùa màng”, “tích cực chuẩn bị tổng phản công”…

Thời kỳ này, hình ảnh vệ quốc quân in trên các tờ giấy bạc được người dân gọi là bộ đội Cụ Hồ và tờ giấy bạc Việt Nam được gọi là “giấy bạc Cụ Hồ” như một cách hướng về kháng chiến, hướng về Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Theo ghi chép của ông Lê Văn Hiến, trong các năm 1947-1953, cuộc đấu tranh tiền tệ giữa Việt Nam với thực dân Pháp đã diễn ra vô cùng gay cấn và không kém phần quyết liệt so với chiến sự ở các chiến khu. Thời kỳ này, khi thực dân Pháp hủy tờ bạc 100 đồng Đông Dương, Chính phủ Việt Nam đã linh hoạt đối phó bằng các giải pháp mềm dẻo, tiến đến đẩy lui các loại tiền tệ do Pháp phát hành bằng Sắc lệnh số 180/SL (do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 30/4/1948). Tiếp đó là đúc tiền “đồng Việt” bằng vàng thật với Sắc lệnh số 199/SL (8/7/1948) để nâng cao giá trị và uy tín của đồng tiền.

Ở Trung bộ và Nam bộ, để hạn chế nạn in giả đồng bạc Việt Nam và sử dụng thống nhất các đồng tiền hợp pháp, Chính phủ đã vận dụng các biện pháp “Việt Nam hóa” tiền Đông Dương bằng cách đóng dấu lên các tờ tiền để sử dụng và phát hành các loại tín phiếu có giá trị tương đương với các khẩu hiệu cách mạng để tuyên truyền, dân vận. Thời kỳ này, các khẩu hiệu như: “toàn dân đoàn kết chống ngoại xâm”, “tích cực chuẩn bị tổng phản công”, “thi đua ái quốc”, “một nước Việt Nam độc lập, một chính phủ Hồ Chí Minh”… phổ biến trên các tờ tiền và tín phiếu do Chính phủ phát hành.

Tiền Đồng ngân hàng nắm thế chủ động

Sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới (1950), ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và lập tức giao cho Ngân hàng Quốc gia các nhiệm vụ: phát hành giấy bạc ngân hàng, điều hòa lưu thông tiền tệ, quản lý ngân quỹ quốc gia, quản lý ngoại tệ, quản lý kim dụng bằng các thể lệ hành chính và đấu tranh tiền tệ với địch.

Hai năm sau đó, khi đã hoàn thành các đợt phát hành tiền mới và đổi từ chế độ tiền tệ quốc khố sang chế độ tiền tệ tín dụng, với Sắc lệnh số 162/SL (ngày 20/5/1953) giấy bạc Việt Nam chính thức mang tên tiền Đồng và trở thành đơn vị tiền tệ duy nhất sử dụng trong toàn quốc (trừ Nam bộ).
Tiền Polymer hiện tại

Với việc hòa bình lập lại tại miền Bắc và tiếp quản trụ sở Ngân hàng Đông Dương tại Hà Nội sau Hiệp định Genevè, tiền Đồng những năm 1954-1961 có những bước tiến vượt bậc về kỹ thuật in ấn, màu sắc, nội dung và giá trị. Nghị định số 171/CP (năm 1961) của Chính phủ thời kỳ này cũng đã cho phép Ngân hàng Quốc gia đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và bắt đầu được in rộng rãi trên tất cả các tờ tiền mọi mệnh giá.

Sự lớn mạnh của kinh tế miền Bắc cùng với sự ổn định về giá trị và lòng tin đối với tiền Đồng của nhân dân Việt Nam đã khiến Đế quốc Mỹ thất bại trong các đợt in tiền giả các mệnh giá 2 đồng và 5 đồng trong các chiến dịch chiến tranh phá hoại miền Bắc. Tiền Đồng thời kỳ này gần như đã thống nhất hình thức in ấn phát hành các loại mệnh giá (cả tiền giấy và tiền xu) với các hình ảnh Quốc huy, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nội dung xây dựng đất nước, phong cảnh miền Bắc.

Tuy nhiên, do đất nước tạm thời bị chia cắt sau Hiệp định Genève nên một cuộc đấu tranh tiền tệ đầy cam go đã đặt lên vai ngành Ngân hàng với nhiệm vụ xây dựng một bộ máy kinh tài để sẵn sàng chi viện chiến trường miền Nam đến ngày thống nhất.

Thu đổi tiền và thiết lập “con đường tiền tệ”

Theo những ghi chép của ông Lê Văn Tư trong tài liệu “Tình hình kinh tế tài chính và hoạt động kinh tài ở miền Nam” (in trong kỷ yếu Hội thảo tiền tệ 300 năm Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, 1998), trong thời gian bàn giao các vùng kiểm soát theo Hiệp định Genève, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức thu hồi giấy bạc Nam bộ và tín phiếu ở Trung bộ.

Hoạt động thu đổi này diễn ra khá thuận lợi trong suốt các năm 1954-1955 và được người dân các địa phương hết sức ủng hộ. Tuy nhiên, sau đó, do đế quốc Mỹ và thực dân Pháp cố tình phá hoại Hiệp định Genève, cuộc tổng tuyển cử đã không diễn ra, và cuộc đấu tranh tiền tệ bước sang một bước ngoặt mới với việc thành lập Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam bao gồm các đơn vị nửa bí mật, nửa công khai như: B.29, N.2683 và C.32 đảm nhiệm các nhiệm vụ vận chuyển, chế biến, cấp phát tiền tệ trên khắp các chiến trường miền Nam.

Theo cuốn lịch sử ngân hàng Việt Nam 1951-2016. Ban Kinh Tài và Trung ương Cục cũng đã mấy lần tính tới việc phát hành tiền để chi tiêu trong vùng giải phóng.

Lần thứ nhất: Năm 1964, vùng giải phóng đã rộng, dân đông. Để chuẩn bị giải phóng miền Nam, ngay từ năm 1965, Ngân hàng Trung ương đã chuẩn bị và năm 1966 đã in và chuyển loại tiền "Ngân hàng Việt Nam" vào B2. Nhưng từ năm 1965, Mỹ can thiệp quân sự, vùng giải phóng co hẹp, không còn đủ điều kiện để phát hành tiền.

Thời gian này, mọi chi tiêu ở chiến trường miền Nam đều do miền Bắc viện trợ bằng việc vận chuyển tiền vượt dãy Trường Sơn qua ngả Campuchia. Tuy nhiên, phương pháp vận chuyển trực tiếp này quá nguy hiểm, hy sinh và tổn thất lớn. Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam được Chính phủ chỉ đạo thực hiện phương pháp FM bằng cách đặt trụ sở Ban Tài chính đặc biệt ngay tại Sài Gòn (dưới danh nghĩa các doanh nghiệp dân doanh) để nhận tiền chuyển khoản, thu đổi và chế biến thành các loại tiền địa phương phù hợp với từng chiến khu. Đây chính là con đường tiền tệ bí mật huyền thoại được hàng nghìn cán bộ chiến sĩ ngành tài chính - ngân hàng âm thầm “nuôi cách mạng” suốt 10 năm, cho đến ngày thống nhất miền Nam vẫn không bị lộ.

Lần thứ hai: Vào cuối năm 1967, Ngân hàng Trung ương đã chuẩn bị tiền "Mặt trận dân tộc giải phóng" và chuyển vào Nam. Nhưng sau Tết Mậu Thân 1968, tình hình diễn biến khác với dự kiến. Diễn biến thực tế của chiến sự sau đó không thuận tiện cho việc phát hành. Số tiền này không được lưu hành vì không có thị trường vùng giải phóng ổn định, thị trường vẫn là thị trường trà trộn, kinh tế vẫn là kinh tế trà trộn, đồng tiền lưu hành thuận tiện hơn vẫn là tiền Sài Gòn hoặc tiền Riel... Được biết trong một trận càn, một số kho tiền tệ bị lộ, do đó Trung ương Cục quyết định phải hủy bỏ tiền Mặt trận.

Phát hành tiền lần 3 và thống nhất tiền tệ

Sau sự kiện đảo chính Lonnol tại Campuchia, các cơ sở bí mật của Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam bị thu hẹp hoạt động, luồng chính của “con đường tiền tệ” bị mất chân đứng ở nước ngoài và các đơn vị ngành Ngân hàng phải âm thầm “giải cứu” lượng lớn tiền do miền Bắc chi viện, bí mật đưa tiền từ Campuchia về Việt Nam đồng thời khôi phục lại mạng lưới bình phong nhằm tiếp tục tiếp nhận chi viện bằng cả hình thức trực tiếp và gián tiếp qua hệ thống ngân hàng tại Nam bộ.

Theo ghi chép của các cựu cán bộ thuộc đơn vị C.32, các năm 1970-1974, nhu cầu tiền để cung ứng cho các chiến trường miền Nam rất lớn. Những năm này, miền Bắc liên tục tăng chi viện và các đơn vị N.2683, C.32 đã “chế biến” ra tiền Riel để mua quân nhu, lương thực cho các chiến trường. Mặc dù vậy, để chủ động hơn trong kịch bản có thể phải kéo dài chiến tranh, cuối năm 1974, Bộ Chính trị quyết định sẽ phát hành tiền giấy lần thứ 3 tại miền Nam với danh nghĩa tiền của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đó là loại giấy bạc đã được chuẩn bị từ lần thứ nhất. Theo đó, nhiều “xe tải tiền” đã được các đơn vị bộ đội và Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam phối hợp vận chuyển từ Bắc vào Nam và tập kết, cất giấu tại các cánh rừng thuộc khu vực tỉnh Bình Phước.

Thế nhưng, lần phát hành này tiếp tục bị hoãn lại. Bởi đầu năm 1975, sau khi so sánh đánh giá lực lượng quân đội trên các chiến trường phía Nam, Bộ Chính trị hạ quyết tâm tổng tiến công giải phóng miền Nam sớm hơn dự kiến.

Sau đại thắng 30/4/1975, việc tiếp quản hệ thống ngân hàng của chế độ cũ diễn ra khá thuận lợi. Sau khi tiếp quản hệ thống ngân hàng của chế độ cũ, việc đầu tiên của chính quyền cách mạng là phải khẩn trương cải tổ hệ thống ngân hàng này và xây dựng hệ thống ngân hàng mới.

Theo đó, ngày 6/6/1975, Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định số 04/PCT-75 về việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.

Tiếp đó ngày 2/8/1975, Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Nghị định số 20/NĐ quy định những nguyên tắc cơ bản về các mặt hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng. Trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản đó, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã ban hành những chế độ, thể lệ, biện pháp về nghiệp vụ và quản lý của ngân hàng, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngân hàng Quốc gia trong giai đoạn mới.

Để loại bỏ đồng tiền của chế độ cũ ra khỏi đời sống kinh tế - xã hội, Bộ Chính trị quyết định phát hành đồng tiền “Ngân hàng Việt Nam" ở miền Nam, thu đổi đồng tiền của chế độ cũ.

Đợt thu đổi tiền tập trung được tiến hành từ ngày 22/9/1975 và cơ bản đã kết thúc và ngày 30/9/1975.

Cuộc đổi tiền tháng 9/1975 đã loại bỏ đồng tiền của chế độ cũ ra khỏi đời sống kinh tế - xã hội ở miền Nam. Từ tháng 7/1976 hệ thống ngân hàng hai miền Nam - Bắc đã được hợp nhất thành hệ thống Ngân hàng Nhà nước của nước Việt Nam thống nhất. Nhưng mỗi miền vẫn lưu hành một đồng tiền riêng, trên mỗi miền có một mức giá cả, một phương tiện trao đổi và hạch toán riêng. Điều đó đã gây những khó khăn, phức tạp cho việc quản lý, kế hoạch hóa nền kinh tế và quản lý tài chính thống nhất; đặc biệt là khó khăn cho công tác quản lý kế hoạch hóa và điều hòa lưu thông tiền tệ.

Bởi vậy, ngày 1/4/1978, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 08/NQ-TW về việc phát hành tiền ngân hàng mới, thu hồi cả hai loại tiền ngân hàng cũ ở cả hai miền của đất nước, thống nhất tiền tệ trong nước.

Ngày 25/4/1978, Quốc hội và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định về việc thống nhất tiền tệ trong cả nước, phát hành tiền ngân hàng mới, thu hồi tiền ngân hàng cũ ở miền Bắc và miền Nam. Cùng ngày, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 88/CP quy định mức tiền mặt được đổi ngay khi thu đổi tiền trong cả nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra Quyết định về việc phát hành các loại giấy bạc và tiền kim khí mới, được lưu hành thống nhất trong cả nước.

Ngày 2/5/1978, bắt đầu phát hành tiền mới, thu hồi tiền cũ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Kể từ đó tiền đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành chính thức trở thành đồng tiền hợp pháp duy nhất trên cả nước.
Theo Thời báo Ngân hàng.

Các tin liên quan