Theo NHNN, các gói tín dụng ưu đãi như gói 15.000 tỷ đồng (cho vay các doanh nghiệp lĩnh vực lâm sản, thủy sản với lãi suất thấp hơn 2% so với lãi suất vay thông thường) và gói tín dụng 20.000 tỷ đồng (cho vay tiêu dùng đối với công nhân, người lao động với lãi suất 15-25%/năm) thời gian qua đã đạt được những kết quả khá tích cực.
Cụ thể, tính đến hết năm 2023, mặc dù vẫn còn thời gian 6 tháng để các NHTM giải ngân cho vay gói tín dụng 15.000 tỷ đồng theo Văn bản số 5631/NHNN-TD của NHNN, tuy nhiên 12 TCTD (bao gồm: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, LPBank, Sacombank, MB, ACB, NamABank, OCB, Eximbank và SHB) đã giải ngân xong 100% hạn mức của chương trình tín dụng ưu đãi này.
Trong khi đó, các công ty tài chính lớn như FE Credit, HD Saison cũng đã giải ngân được khoảng 10.056 tỷ đồng đối với gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho vay công nhân theo thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và hai tổ chức tín dụng này, đạt 50% tổng hạn mức của chương trình.
Những thông tin trên cho thấy, trong năm qua đã có hàng chục ngàn tỷ đồng vốn vay ưu đãi lãi suất được các TCTD giải ngân cho vay theo nhu cầu và kiến nghị cấp bách của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Trở lại thời điểm cuối quý II/2023, trước những khó khăn lớn về tài chính và thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thuộc lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã liên tục kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi đơn hàng xuất khẩu. Thủ tướng Chính phủ thời điểm đó đã chỉ đạo NHNN nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.
Thực hiện theo những chỉ đạo này, ngay giữa tháng 7/2023, NHNN đã ban hành Văn bản số 5631/NHNN-TD chỉ đạo và hướng dẫn các NHTM triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Gần như ngay lập tức, hàng chục NHTM đã hưởng ứng chỉ đạo của NHNN. Nhiều ngân hàng cam kết sẽ dành ra từ 3.000-5.000 tỷ đồng để triển khai cho vay chương trình này. Vì thế, quy mô gói tín dụng được nâng lên mức 15.000 tỷ đồng, cao hơn so với đề xuất của các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng.
Thực tế, trong suốt năm 2023, chi nhánh NHNN tại nhiều địa phương có thế mạnh phát triển các lĩnh vực lâm sản, thủy sản như Bình Định, Bình Thuận, Đồng Tháp, Cà Mau… đã chỉ đạo hệ thống TCTD trên địa bàn giữ nguyên hạn mức tín dụng và tăng tốc kết nối để giải ngân cho vay đối với các doanh nghiệp. Dư nợ cho vay chương trình này đến cuối 2023 tại nhiều tỉnh, thành đã đạt từ 400-500 tỷ đồng chỉ sau 4-5 tháng triển khai. Tính chung cả nước đã có khoảng 6.000 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này với lãi suất từ 4-6%/năm.
Tương tự đối với gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho vay công nhân, người lao động, theo thống kê của các công ty tài chính FE Credit và HD Saison, đến cuối năm 2023, hai TCTD này đã giải ngân cho vay được khoảng 10.056 tỷ đồng. Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, HD Saison đã cho vay được 6.800 tỷ đồng, hỗ trợ hàng chục nghìn lượt công nhân, người lao động tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất phù hợp.
Các tháng đầu năm 2024, bên cạnh gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho vay đối với công nhân, hàng loạt ngân hàng cũng thúc đẩy giải ngân các gói vay tài trợ vốn tiêu dùng của hai công ty tài chính. Các ngân hàng còn đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, chẳng hạn HDBank có gói tín dụng 5.000 tỷ đồng, áp dụng ưu đãi lãi suất 0% trong tháng đầu và từ 6,7%/năm trong các tháng tiếp theo. Gói vay tiêu dùng của LPBank áp dụng hạn mức vay tối đa 2 tỷ đồng/khách hàng, lãi suất từ 6,5%/năm. Gói vay 10.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng của Agribank áp dụng giảm từ 2,5% lãi suất so với các khoản vay thông thường cùng kỳ hạn, kéo dài đến hết tháng 6/2024…
Theo Thời báo Ngân hàng.