NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tiếp tục mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân.
Nỗ lực bơm vốn đúng địa chỉ
Những năm gần đây, tín dụng đen với nhiều hình thức, thủ đoạn đang bủa vây những người yếu thế, từ thành thị cho tới nông thôn. Theo con số cung cấp từ phía Bộ Công an, qua rà soát hiện đã phát hiện hơn 6.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3.667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao.
Chỉ thị số 12/CT ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen” tuy mới triển khai được hai năm, song Trung tá Đỗ Minh Phương - Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công An nhận thấy, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng đen đã có những chuyển biến tích cực. Các đối tượng cho vay và đòi nợ không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước; nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân từng bước được nâng cao…
Ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho hay, cùng với các bộ, ngành, sự quyết liệt vào cuộc của hệ thống ngân hàng trong mở rộng mạng lưới, cung ứng kịp thời các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn đã kịp thời hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; qua đó đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần không nhỏ cùng các cấp, các ngành ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Thông tin thêm về những giải pháp của ngành Ngân hàng trong đẩy lùi tín dụng đen, bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, song song với việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp... NHNN thời gian qua đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành, triển khai nhiều chính sách quan trọng tạo điều kiện cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng, thúc đẩy áp dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng. Đồng thời chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng...
Bằng việc chú trọng phát triển mạng lưới, tới nay toàn hệ thống hiện có 124 TCTD và gần 1.200 QTDND; 22 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 13 chi nhánh, 43 văn phòng đại diện và hơn 50.000 điểm giới thiệu dịch vụ tại tất cả các tỉnh, thành phố; 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với khoảng 115 chi nhánh, phòng giao dịch.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, NHNN và toàn ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần khôi phục sản xuất. Đến nay, mặt bằng lãi suất vay giảm khoảng 1,66%/năm so với trước dịch. Đặc biệt, NHNN đã ban hành các Thông tư tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch.
Nhờ đó dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vẫn đạt kết quả khả quan với trên 9,99 triệu tỷ đồng (tính tới cuối tháng 10/2021). Khu vực nông nghiệp, nông thôn - nơi dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen - có mức tăng trưởng khá với dư nợ trên 2,48 triệu tỷ đồng, chiếm trên 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế (tăng 9,2% so với cuối năm 2020 và tăng 32,8% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12). 78 TCTD tham gia cho vay phục vụ đời sống với dư nợ vay đạt gần 1,95 triệu tỷ đồng - chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2020.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ từ các bên
Dù đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn đó những thách thức, khó khăn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen. Đặc biệt tình trạng các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng sang sử dụng công nghệ cao ngày càng phức tạp, trong khi việc triển khai các giải pháp quản lý nhà nước trên không gian mạng còn hạn chế. Chưa kể ảnh hưởng Covid-19 có thể khiến tín dụng đen phát triển khi người dân có nhu cầu vay vốn để phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh nhưng chưa đáp ứng điều kiện tiếp cận vốn vay từ hệ thống ngân hàng sẽ có xu hướng tìm đến các nguồn vay không chính thống, nhất là nhóm người có thu nhập thấp, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch.
Chia sẻ từ triển khai hoạt động tín dụng chính sách, ông Phan Cử Nhân - Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, NHCSXH đã có hàng loạt giải pháp nhằm mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen như: Nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ; vay không phải đảm bảo tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường công tác quản lý chất lượng tín dụng, phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức hội đoàn thể phối hợp giữa công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với vốn vay nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng…
Tuy nhiên, để triệt hạ vấn nạn tín dụng đen, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, địa phương. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trọng tâm theo Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Về phía ngành Ngân hàng, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tiếp tục mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân.
“Ngành Ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thiên tai dịch bệnh hoặc gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng; cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay tạo điều kiện cho nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất phù hợp; xây dựng sản phẩm dịch vụ ngân hàng thân thiện, dễ sử dụng, dễ tiếp cận với đa số người dân…”, Phó Thống đốc nhấn mạnh và lưu ý thêm: cần tăng cường công tác truyền thông; sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí, các bộ, ngành nhằm đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về các cơ chế, chính sách, các chương trình, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chính thức; cảnh báo sớm về các phương thức thủ đoạn mới của hoạt động tín dụng đen…
12.11.2024