Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân diễn ra chiều nay (30/12), Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, về phía ngành Ngân hàng, NHNN luôn xác định nông nghiệp, nông thôn, nông dân là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn. Đây là lĩnh vực có tăng trưởng tín dụng luôn duy trì ở mức cao, chiếm khoảng 10-12% hàng năm, kể cả những năm có dịch hay khó khăn như thời gian qua.
Tại Hội nghị, ngoài các ý kiến về vấn đề chính sách phát triển nông nghiệp xanh, hiện đại; phát triển đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp... còn có đề xuất liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng.
Chia sẻ tại Hội nghị nông dân Nguyễn Hồng Quyết đến từ Bình Dương cho biết, thực tế hiện nay chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP nay là Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ, khách hàng là cá nhân, hộ gia đình đầu tư trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, lâu năm được vay tối đa 200 triệu đồng/hộ. Trong khi nhiều hộ nông dân sản xuất với diện tích lớn tới hàng chục, hàng trăm ha cần nhu cầu vốn hàng tỷ đồng. Vì vậy, ông Quyết có đề nghị cần ban hành cơ chế, giải pháp để nông dân được thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai (sản phẩm thu hoạch trong tương lai) để có thể vay nhiều vốn hơn phục vụ sản xuất quy mô lớn.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN khẳng định nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn của ngành Ngân hàng
Với ý kiến này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, đây là câu chuyện rất thời sự làm sao tạo cơ chế chính sách cho bà con nông dân phát triển nông nghiệp, làm ăn lớn, nhất là nông nghiệp giá trị cao. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ có rất nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vì xác định đây là mặt trận hàng đầu của kinh tế đất nước. Riêng ngành Ngân hàng, đến thời điểm hiện nay có 18 văn bản đồng nghĩa với 18 chính sách trực tiếp hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Không chỉ cơ chế chung cả nước mà chính sách của ngành Ngân hàng còn đi vào từng vùng miền như cơ chế riêng cho Đồng bằng sông Cửu Long với cây lúa, tôm, cá; với khu vực Tây Nguyên là cây cà phê, trồng trọt cây công nghiệp; khu vực vùng núi phía Bắc, đồng bằng Sông Hồng hoặc đối với bà con đóng tàu để đánh bắt khơi xa... Bên cạnh đó, khi có thiên tai, dịch bệnh có tổn thất, khó khăn liên quan đến nông nghiệp, ngân hàng cũng có hỗ trợ kịp thời. “18 chính sách hiện nay đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và bà con nông dân đang phát huy hiệu quả”, Phó Thống đốc khẳng định.
Đối với việc tiếp cận tín dụng, theo lãnh đạo NHNN, nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực ưu tiên, không có một cơ chế nào hạn chế thậm chí còn có cơ chế động viên khuyến khích, ưu tiên với các NHTM để đầu tư lĩnh vực này. Chính vì vậy, hiện tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 13,4 triệu tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 1/4 dư nợ của cả nền kinh tế. Mức tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp nông thôn thường xuyên duy trì ở mức cao nhất trong tất cả các lĩnh vực, chiếm khoảng 10-12% hàng năm, kể cả những năm có dịch hay khó khăn như thời gian qua.
Toàn cảnh Hội nghị
Được đánh giá là quyết sách rất đổi mới, căn cơ với bà con nông dân, nhưng theo 8 năm được ban hành, một số nhóm đối tượng được hưởng cơ chế ưu tiên, ưu đãi tại Nghị định 55 sau này là Nghị định 116 đã thay đổi theo hướng ngày càng lớn mạnh hơn. Nên có thể giờ đây "chiếc áo" cơ chế này đã chật cần nới rộng hơn. Đây là điều NHNN cũng rất trăn trở mà mong muốn phải có cơ chế mở rộng hơn, không chỉ doanh nghiệp, hộ cá thể nhỏ.
Vì vậy, vừa qua NHNN tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và các bộ, ngành khác chuẩn bị nghiên cứu để mở rộng thêm đối tượng. Đơn cử, với quy định cá nhân, hộ gia đình được TCTD xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 200 triệu đồng đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, rõ ràng với đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô lớn thì cần có sự cân nhắc, phải đưa vào đối tượng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất chuỗi giá trị liên kết…
“Đề xuất của anh Quyết là cần thiết, NHNN sẽ cùng Bộ Nông nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ mở rộng đối tượng của Nghị định 55, phù hợp hơn với điều kiện thực tế và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng, Nhà nước hiện nay”, Phó Thống đốc chia sẻ.
Còn với vấn đề lãi suất thì phải thực hiện theo quy luật kinh tế thị trường. Các NHTM huy động để cho vay và quyết định lãi suất cho vay. Tuy nhiên, nông nghiệp nông thôn là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được ưu đãi với mức trần lãi suất được các NHTM áp dụng không quá 4%/năm.
Về tài sản đảm bảo, các cơ chế chính sách đã nêu rõ không phải tất cả các khoản vay đều phải có tài sản đảm bảo mà có thể bằng tín chấp, tài sản hình thành trong tương lai… "Tất cả những điều này đã được quy định cụ thể, tuy nhiên sử dụng hình thức nào thì do NHTM và người vay thoả thuận. Cần phải có sự phối hợp đồng bộ cả hai phía, để có hình thức vay phù hợp", Phó Thống đốc lưu ý.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị về phía ngành Ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu hình thức cho vay tín chấp, tài sản hình thành trong tương lai nhiều hơn để hỗ trợ cho người nông dân. Người nông dân thật thà, chân thành, nếu vay được đồng vốn thì có thể giàu lên, và ngược lại. Vì vậy, ngân hàng phải linh hoạt giúp người nông dân tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn, nhưng đảm bảo đồng vốn đi đúng địa chỉ và hiệu quả.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của địa phương trong việc hỗ trợ người dân giải quyết khó khăn từ cơ sở, nắm được chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước. Đồng thời, phải phát huy và nâng cao vai trò của các quỹ hỗ trợ người nông dân…
Theo Thời báo Ngân hàng
12.11.2024