Trong bối cảnh các hoạt động tội phạm lợi dụng công nghệ và núp bóng doanh nghiệp ngày càng tinh vi hơn, việc Chính phủ vừa có Công điện về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen” cho thấy sự quyết liệt và mạnh mẽ hơn để đối phó với vấn nạn này, theo các chuyên gia.
Công điện 766 thể hiện sự mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong đối phó với hoạt động “tín dụng đen” Thêm “đất diễn” nhờ công nghệ
Hoạt động “tín dụng đen” luôn là vấn nạn lâu nay gây nhiều bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Vấn đề càng nhức nhối hơn khi thời gian gần đây xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp… để thực hiện các hành vi cho vay lãi suất cao, đòi nợ trái pháp luật với quy mô có xu hướng ngày càng lớn và tác động đến nhiều người. Điển hình gần đây nhất là vụ việc một đường dây cho vay nặng lãi online lớn nhất nước từ trước tới nay với tổng số tiền lên tới 20.000 tỷ đồng (đến thời điểm các đối tượng bị bắt giữ), và ước tính có hơn 1 triệu lượt người bị hại trên cả nước được Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, công an nhiều tỉnh, thành phố triệt phá cuối tháng 7 vừa qua.
“Tín dụng đen không phải là vấn đề mới nhưng đáng chú ý ở đây là tội phạm tài chính - tín dụng gia tăng khi kinh tế khó khăn, công nghệ phát triển, thủ phạm ngày càng tinh vi”, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV nhận định và cho biết trong thời gian qua, NHNN và các tổ chức tín dụng đã có nhiều biện pháp chủ động như nhắc nhở/ cảnh báo khách hàng, gia cố hệ thống an toàn thông tin, dữ liệu, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, nhất là cung ứng qua kênh số... để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần hạn chế "tín dụng đen".
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” như: Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27/5/2023 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc; Công văn số 1201/VPCP-NC ngày 14/4/2023 của Văn phòng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cưỡng đoạt tài sản núp bóng doanh nghiệp, công ty tài chính, công ty luật.
Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023, yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành và các cơ quan có liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng. Các chuyên gia cho rằng, Công điện 766 thể hiện sự mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong đối phó với hoạt động “tín dụng đen”.
Thực tế thời gian vừa qua, trên môi trường mạng, các “app”, SIM “rác”… là những phương tiện chủ yếu được các đối tượng lợi dụng để thúc đẩy hoạt động “tín dụng đen”. Do đó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh… quảng cáo trái phép, các trang web, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư để đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các thuê bao Internet, thuê bao di động, loại bỏ ngay các SIM “rác” không để các đối tượng lợi dụng hoạt động “tín dụng đen”.
Công điện 766 yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi liên quan đến “tín dụng đen” để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và các vấn đề phát sinh.
Sử dụng nhiều hơn các giải pháp công nghệ để xử lý kịp thời
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nhận định, các hoạt động sử dụng công nghệ để hoạt động “tín dụng đen” là tương đối mới và cần các giải pháp “lấy độc trị độc”, sử dụng chính các giải pháp công nghệ để xử lý vấn đề. Theo đó, việc trấn áp mạnh hơn những tội phạm sử dụng công nghệ, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động “tín dụng đen” là cần thiết. “Nhưng trấn áp chỉ giải quyết được một phần vấn đề, chứ chưa giải quyết, đáp ứng được nhu cầu rất thực tế. Trong môi trường 4.0 và các giao dịch phát sinh trên đó là thực tế thì cũng cần các giải pháp tương ứng, tức là cần cả các giải pháp về mặt thị trường nữa”, TS. Lê Duy Bình nói. Đề xuất cụ thể, chuyên gia này cho rằng, cần phát triển các nhà cung cấp, cho vay một cách đàng hoàng, có kiểm soát, được xác nhận và kiểm chứng trên nền tảng công nghệ cao. Ngoài trấn áp để dẹp các hoạt động cho vay bất hợp pháp thì cần có những giải pháp phát triển các hình thức cho vay thông qua app, qua mạng trực tuyến một cách hợp pháp, được xác nhận, kiểm soát và hợp pháp, từ đó đảm bảo được lợi ích của cả người cho vay và đi vay. Cần có những thay đổi về tư duy như vậy thì mới có thể giải quyết được gốc vấn đề này. Cần đưa ra các quy định pháp luật để các hình thức như cho vay ngang hàng, cho vay qua mạng được hoạt động một cách hợp pháp, có kiểm soát, chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước để hoạt động có quy củ, như vậy sẽ không ảnh hưởng đến lợi ích của các bên cũng như ảnh hưởng tới an ninh, trật tự xã hội. Cùng quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về cho vay trực tuyến, về ứng dụng các nền tảng số trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai bài bản hơn nữa các chương trình giáo dục tài chính; quan tâm hơn đến phát triển các tổ chức tín dụng phi ngân hàng...
Tại Công điện 766 giao NHNN tập trung nghiên cứu, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân… Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các tài khoản ngân hàng, xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản “ảo” để hoạt động “tín dụng đen”. Công điện cũng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm hoạt động “tín dụng đen”.
Theo Thời báo Ngân hàng.