Ông Nguyễn Thế Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Ban Chuyển đổi số của VietinBank cho biết, để thực hiện chuyển đổi số ngân hàng đã bắt đầu đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ vào năm 2010, hiện ngân hàng đang chuyển sang giai đoạn mời gọi các đối tác fintech, hàng không, du lịch… vào phát triển sản phẩm trên chính nền tảng công nghệ của ngân hàng mà giới công nghệ gọi là OpenBanking.
Hay như Vietcombank đã cho ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank, trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây. Ở khối các ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Tiên Phong có hệ thống ngân hàng tự động (LiveBank), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt có LienViet24h…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện các ngân hàng vẫn đang ở giai đoạn đầu của tiến trình chuyển đổi số và để thúc đẩy nhanh tiến trình này, rất cần sự hỗ trợ từ phía chính sách. Đơn cử đại diện VietinBank kiến nghị NHNN Việt Nam sớm làm việc với Bộ Công an về việc tích hợp chữ ký số trên thẻ căn cước công dân gắn chip. Điều đó sẽ giúp thực hiện được việc xác thực công dân trong các bản ký kết hợp đồng tín dụng. Ngân hàng cũng sẽ giải ngân khoản vay online, thay vì hiện nay dù ngân hàng làm mọi quy trình cho vay trực tuyến, nhưng đến khi giải ngân khách hàng vẫn phải đến quầy giao dịch để ký.
Đặc biệt hiện Việt Nam chưa có giấy phép nào được cấp cho các công ty công nghệ làm ngân hàng số mới hoàn toàn như Singapore. Theo đó, những mô hình ngân hàng số Timo hay Cake hoạt động vẫn phải dựa vào giấy phép của Ngân hàng Bản Việt, VPBank.
Vì thế, ông Nguyễn Quang Minh – Phó Tổng giám đốc phụ trách quan hệ Đối tác chiến lược của Ngân hàng số Timo kiến nghị NHNN sớm xây dựng cơ chế chính sách cho những ngân hàng số như các mô hình ngân hàng truyền thống. Chẳng hạn tỷ lệ quy định rút tiền mặt và nạp tiền mặt tại các điểm giao dịch vật lý tương đương các ngân hàng truyền thống, không giới hạn mô hình đại lý ở các vùng sâu vùng xa, các giao dịch thanh toán hạn mức cũng ngang bằng ngân hàng truyền thống…
Ông Nguyễn Quang Minh cho rằng, nếu cơ chế thông thoáng với những mô hình ngân hàng số như Timo sẽ tạo ra động lực thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng và thu hút các bên tham gia. Tương tự, những năm trước đây NHNN thí điểm cho phép các công ty fintech thực hiện dịch vụ trung gian thanh toán, đến nay những đơn vị này đã có hiệu quả phát triển rất mạnh cung ứng nhiều tiện ích cho người dân.
Ngân hàng số phải gắn với kinh tế số
Có thể khẳng định, phát triển ngân hàng số đã trở thành một hướng đi tất yếu của các ngân hàng trong kỷ nguyên 4.0. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngân hàng số có nhiều mức độ. Trong đó, 1.0 là giai đoạn ngân hàng đa kênh cung cấp nhiều dịch vụ như Internet Banking, Mobile Banking; 2.0 là thời kỳ hợp kênh, tung mọi dịch vụ lên một ứng dụng, thuận tiện cho người dùng sử dụng; giai đoạn 3.0 là người dùng có thể thực hiện tất cả dịch vụ tài chính từ xa mà không cần đến ngân hàng; còn giai đoạn 4.0 là tập trung vào trải nghiệm, cá nhân hóa người dùng. Mỗi ngân hàng cần chọn hướng đi cho mình, đi tuần tự hay nhảy vọt.
Ông Phan Viết Hải – Giám đốc Trung tâm ngân hàng số của Ngân hàng Bản Việt nhận định, ngân hàng số phải tạo ra được sự tiện lợi vượt trội cho người dùng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng trên nền tảng công nghệ. Ngân hàng này mới đây đã đưa ứng dụng ngân hàng điện tử tên gọi “digimi” vào hoạt động chính thay thế cho ứng dụng Viet Capital Bank, tạo sự thuận tiện và gia tăng tốc độ xử lý một giao dịch. Theo đó, các tính năng thường dùng hàng ngày như: mở tài khoản ngay trên ứng dụng, chuyển và nhận tiền bằng quét và tạo mã QR, thanh toán các loại hóa đơn, mở khóa thẻ, đổi mã pin, gửi tiết kiệm… được ngân hàng đầu tư cải tiến cho kết quả giao dịch tức thì, nhập mã OTP ngay trên ứng dụng mà không cần chuyển qua ứng dụng trung gian khác.
Ông Phạm Quang Minh – Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam cho rằng, thành công của ngân hàng số phải là trải nghiệm khách hàng và các khoản đầu tư công nghệ cần phải được thu hồi vốn, đặc biệt ngân hàng phải đánh giá được giá trị của công nghệ kéo dài bao lâu. Trên thế giới đã có những ngân hàng số thành công ở trải nghiệm khách hàng họ thu hút rất nhiều người dùng, nhưng họ vẫn lỗ. Vì vậy, mỗi ngân hàng trong từng giai đoạn phát triển có thể định mức ra sự phát triển cho riêng mình về chỉ tiêu trải nghiệm khách hàng, hoàn vốn, thu lợi nhuận…
Thực tế, chuyển đổi số thành công sẽ tiết kiệm chi phí vận hành mạng lưới con người và công nghệ. Các con số dự tính trong vòng 3-5 năm các ngân hàng sẽ có mức doanh thu mảng dịch vụ số tăng trưởng tối thiểu 10%, có đến 58,1% ngân hàng đặt mục tiêu thu hút hơn 60% khách hàng sử dụng kênh giao dịch số.
Theo ông Phạm Quang Minh, kinh nghiệm ở các quốc gia phát triển như Singapore, thông thường người ta định hình kinh tế số chiếm bao nhiêu trong tổng giá trị GDP sẽ phát triển dịch tài chính số đi kèm để thu hút. Ở Việt Nam các dự báo năm 2025, giá trị tuyệt đối tính theo GDP của kinh tế số đạt khoảng 50 tỷ USD, vậy ngay từ lúc này các tổ chức tín dụng đã phải đầu tư xây dựng ngân hàng số và các dịch vụ tài chính số để thu hút con số đó.
Theo Thời báo ngân hàng