10.04.2025 10:29

Đã đến lúc xây dựng một chiến lược phát triển mới cho hệ thống QTDND

Sáng ngày 9/4/2025, tại Trụ sở chính Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank), Co-opBank đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng là hợp tác xã theo Luật các TCTD năm 2024” nhằm trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và tìm ra những định hướng, giải pháp phù hợp, góp phần xây dựng Đề án khoa học và công nghệ cấp bộ cùng tên do Thống đốc NHNN Việt Nam giao Co-opBank chủ trì nghiên cứu. Chủ trì và điều hành Hội thảo có Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đoàn Thái Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Co-opBank Nguyễn Quốc Cường và Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Co-opBank Phạm Thị Hồng Minh.

Tham dự tại Hội thảo, các nhà khoa học và nhà quản lý cho rằng đã đến lúc cần xây dựng một chiến lược phát triển mới, căn cơ để phát triển hệ thống QTDND.
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh đã đến lúc xây dựng một chiến lược phát triển mới cho hệ thống QTDND
Dư địa phát triển lớn nhưng cũng nhiều thách thức

Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1993 đến nay, hệ thống Tổ chức tín dụng (TCTD) là hợp tác xã (HTX) tại Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, năng lực quản trị, điều hành và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tính đến tháng 12/2024, hệ thống TCTD là HTX bao gồm Co-opBank và 1.180 QTDND có quy mô tổng tài sản đạt trên 253 nghìn tỷ đồng, hoạt động trên địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố phục vụ gần 2 triệu thành viên là các cá nhân, hộ gia đình ở vùng nông nghiệp nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực - Giám đốc Viện Đầu tư và Nghiên cứu BIDV nhấn mạnh bốn vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia. Đó là với việc ra đời rất sớm từ năm 1993 đến nay, TCTD là HTX là một mắt xích, cấu phần quan trọng của hệ thống các TCTD quốc gia. Trong mỗi giai đoạn phát triển, mô hình hoạt động của QTDND luôn khẳng định là kênh huy động và dẫn vốn hiệu quả, phát huy được tinh thần nội lực của người dân trong quá trình phát triển kinh tế, góp phần ổn định an ninh chính trị khu vực nông thôn. Việc huy động vốn, cung ứng vốn thông qua TCTD là HTX góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho người dân, hộ gia đình; qua đó góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, các chương trình nông thôn mới của Việt Nam. Đặc biệt, hệ thống TCTD là HTX cũng góp phần đáng kể giảm nạn tín dụng đen.

Luật các TCTD năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 một lần nữa khẳng định Co-opBank và QTDND được thành lập, tổ chức dưới hình thức HTX, trong đó các QTDND hoạt động nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống. Co-opBank là ngân hàng của tất cả các QTDND, do các QTDND và một số pháp nhân khác góp vốn thành lập nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống.

Tại Hội thảo, các chuyên gia và TS. Cấn Văn Lực cũng đã chỉ ra dư địa phát triển của hệ thống QTDND là rất lớn trong bối cảnh kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng cao cùng quyết tâm đột phá thể chế, tinh gọn tổ chức bộ máy, điều chỉnh địa giới hành chính. Thu nhập người dân tăng dẫn đến nhu cầu tài chính tăng. Yêu cầu về phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam rất lớn khi có khoảng gần 60% dân số và lao động của Việt Nam vẫn đang sống ở các vùng nông thôn và tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp...

“Trong Chiến lược này, QTDND có vai trò không thể thay thế”, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận và cho biết thêm, một lực đẩy khác là xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các công nghệ mới mở và hành lang pháp lý đang dần hoàn thiện. Nếu tận dụng thành công cơ hội này, QTDND sẽ có bước đột phá trong hoạt động.

Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà khoa học từ các trường đại học, cùng với các nhà quản lý hệ thống QTDND, cũng chỉ ra rằng mặc dù hệ thống TCTD là HTX đóng vai trò quan trọng trong việc huy động và dẫn vốn cho người dân, hộ gia đình, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, nhưng hiện nay tỷ trọng của các TCTD là HTX trong toàn bộ hệ thống TCTD vẫn rất nhỏ với tổng tài sản chỉ chiếm 1,15% và vốn điều lệ chiếm 0,73%. Điều này cho thấy vai trò của hệ thống TCTD là HTX trong bức tranh tổng thể vẫn còn khá mờ nhạt.

"Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống QTDND không cao nhưng rủi ro đạo đức dù chỉ ở một số quỹ lại là ‘con sâu làm giàu nồi canh’, ảnh hưởng đến hưởng đến uy tín, hoạt động hệ thống QTDND", TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Quyền Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 8 Nguyễn Thị Thu Thu cho rằng những thách thức của QTDND trong việc cơ cấu lại hệ thống các tỉnh thành và xã tới đây sẽ có thể dẫn tới một xã có thể có tới vài TCTD là HTX, địa bàn hoạt động rộng hơn.

Phó Giám đốc NHNN Khu vực 1 Trần Quốc Hùng cho biết nhiều QTDND chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa của chuyến đổi số, hầu như mới chỉ dừng lại ở việc điện tử hóa các hoạt động bằng giấy tờ trước đây, thay vì cung cấp các sản phẩm tín dụng trên môi trường điện tử. Công nghệ hữu hạn cũng dẫn tới các sản phẩm cung ứng cho thành viên và người dân chưa đa dạng.

Đặc biệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Co-opBank Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh: tại các QTDND đang có xu hướng già hóa thành viên. Lợi thế gần dân, sát dân của QTDND bị triệt tiêu trong bối cảnh các TCTD chuyển đổi số mạnh mẽ, các ứng dụng ngân hàng điện tử cung ứng dịch vụ 24/7 đang ngày càng phát triển và có tính cạnh tranh. "Nếu không có thay đổi, tìm cách tiếp cận mới để giải quyết các bài toán này một cách căn cơ thì không thể tồn tại, phát triển", ông Nguyễn Quốc Cường lưu ý.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Co-opBank Nguyễn Quốc Cường phát biểu tại Hội thảo
Cần một chiến lược căn cơ và dài hạn

Phân tích rõ những điểm mạnh, yếu, các nhà nghiên cứu và quản lý cho rằng để hệ thống TCTD là HTX có bước phát triển mới cần có một giải pháp đột phá tổng thể, toàn diện. Trong đó, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, NHNN Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy định về an toàn hoạt động, quản lý, điều hành, quản trị rủi ro và các quy định khác đối với hệ thống TCTD là HTX phù hợp với Luật các TCTD mới; đổi mới cơ chế quản lý, giám sát hệ thống QTDND theo hướng phân cấp quy mô tài sản, điều kiện quản trị rủi ro và năng lực cán bộ.
TS. Cấn Văn Lực - Giám đốc Viện Đầu tư và Nghiên cứu BIDV tham luận tại Hội thảo
TS. Cấn Văn Lực cũng khuyến nghị NHNN Việt Nam nên ban hành Đề án mới thay thế Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” (Quyết định 209/QĐ-NHNN); đồng thời, tăng cường và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin báo cáo và quản lý của NHNN Việt Nam để quản lý tập trung, có hiệu quả, giám sát đầy đủ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và cảnh báo các vi phạm trong hoạt động của các QTDND; triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hệ thống QTDND theo định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Co-opBank Nguyễn Quốc Cường đề xuất cần có một Chỉ thị mới của Bộ Chính trị thay Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10/10/2000 về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND làm căn cơ cho phát triển hệ thống trong những năm tiếp theo.

PGS.TS. Phạm Hoàng Anh - Phó Giám đốc phụ trách Ban giám đốc Học viện Ngân hàng khuyến nghị, tăng cường liên kết hệ thống QTDND là một vấn đề mang tính chiến lược, đóng vai trò cốt lõi trong việc tăng cường hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hệ thống TCTD là HTX tại Việt Nam, cần hoàn thiện mô hình liên kết theo Luật các TCTD năm 2024, tập trung vào vai trò của Co-opBank và cơ chế liên kết dọc - ngang. Trong đó, Co-opBank cần được củng cố thành trung tâm điều phối và giám sát hệ thống QTDND. Điều này bao gồm nâng cao năng lực hỗ trợ thanh khoản thông qua cơ chế dự báo và ứng phó rủi ro linh hoạt, giúp QTDND tiếp cận vốn kịp thời khi gặp khó khăn; đồng thời tăng cường giám sát dựa trên hệ thống thông tin tích hợp để đánh giá tài chính và đưa ra hỗ trợ phù hợp. Co-opBank cần dẫn đầu chuyển đổi số cho hệ thống QTDND bằng cách hợp tác với các công ty phần mềm để chuẩn hóa hạ tầng công nghệ và quy trình nghiệp vụ, triển khai dịch vụ ngân hàng hiện đại và quản lý rủi ro hiệu quả.

Về liên kết dọc, các đại biểu đề xuất Co-opBank cần thiết lập cơ chế tái cấp vốn linh hoạt, minh bạch dựa trên nhu cầu thực tế của QTDND; đồng thời xây dựng kênh thông tin hai chiều để tăng cường giám sát và hỗ trợ, khuyến khích QTDND cải thiện quản trị.

Về liên kết ngang, các QTDND nên hợp tác qua cụm địa phương để chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm, với Hiệp hội QTDND Việt Nam (VAPCF) đóng vai trò cầu nối tổ chức diễn đàn và cơ chế hỗ trợ toàn quốc.

Quyền giám đốc NHNN Khu vực 7 Nguyễn Thị Thu Thu bổ sung thêm cần phải tăng cường cả liên kết ngang giữa NHNN và QTDND.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng Thư ký VAPCF đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một hệ thống QTDND vững mạnh cả về mặt quản trị và năng lực tài chính. Việc triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hệ thống QTDND theo định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước là vô cùng quan trọng; trong đó, cần tập trung xử lý các QTDND yếu kém theo thẩm quyền thông qua các hình thức như sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật. Mục tiêu là đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền và an toàn của hệ thống.

“Trong bối cảnh hiện nay, cần có một Quyết định của Bộ Chính trị để thu hẹp số lượng QTDND, đồng thời tăng quy mô và xây dựng một Co-opBank đủ mạnh để hỗ trợ toàn bộ hệ thống”, TS Nguyễn Thị Kim Thanh đề xuất.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khả thi, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng việc cơ cấu lại hệ thống QTDND cần có sự đồng thuận, tự nguyện từ các QTDND. Nếu các Quỹ không nhận thấy việc cơ cấu và sáp nhập là bước đi có lợi cho mình, việc thực hiện sẽ gặp khó khăn. Do đó, quá trình cơ cấu lại hệ thống QTDND cần có một tầm nhìn chiến lược dài hạn, từ 10 - 20 năm, với một lộ trình cụ thể và quyết tâm mạnh mẽ từ các bên liên quan.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học
Phát biểu kết luận chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đoàn Thái Sơn đã ghi nhận các ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu và các nhà quản lý đã chỉ ra bức tranh toàn diện về kết quả đạt được, thách thức, đề xuất nhiều giải pháp để có bước phát triển mới cho hệ thống QTDND trong kỷ nguyên mới. Đây sẽ là nguồn thông tin gợi ý quan trọng để Co-opBank xây dựng Đề án, báo cáo NHNN với những định hướng mới cho hoạt động của hệ thống QTDND trong thời gian tới.

Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cũng chỉ ra tính ưu việt và khác biệt với các NHTM làm điểm tựa cho hệ thống QTDND phát triển bền vững đó chính là hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà trên cơ sở vì quyền lợi cộng đồng. Bên cạnh đó là những trợ lực từ khung khổ pháp lý mới cho hoạt động của hệ thống trong thời gian qua.

Về định hướng trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh, đã đến lúc xây dựng một chiến lược mới cho hệ thống QTDND, trong đó định vị Co-opBank và QTDND là hoạt động tài chính vi mô trên cơ sở tương hỗ và phát triển dựa vào cộng đồng. Điều này tạo sự phát triển bền vững cho hệ thống.

Phó Thống đốc cũng đặt mục tiêu Đề án cần tăng tính liên kết hệ thống. Trong đó, vai trò Co-opBank là trung tâm của liên kết. Phó Thống đốc đề nghị đánh giá lại vai trò đóng góp của QTDND với Co-opBank và ngược lại để có cải cách toàn diện, triệt để trong mô hình liên kết mới.

Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn đánh giá Co-opBank đã có những bước đi nhanh, mạnh, kịp thời hỗ trợ hệ thống QTDND, đặc biệt trong chuyển đổi số. Tuy nhiên để phát huy vai trò Ngân hàng của QTDND, thời gian tới, Co-opBank không chỉ cần nâng cao năng lực tài chính mà cả về chất lượng nguồn nhân lực và quản trị, đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số để dẫn dắt QTDND chuyển đổi số, cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại theo đúng tổ chức tài chính vi mô. Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho các QTDND bằng cho vay hợp vốn cùng Co-opBank…, đồng thời hỗ trợ NHNN trong công tác thanh tra kiểm tra nhằm giúp hệ thống QTDND phát triển an toàn và hiệu quả.

                                                                                                                                                            Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan