Trước những diễn biến khó lường của các làn sóng đại dịch Covid-19, các chuyên gia nhận định triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng năm 2021 tương đối khả quan nhưng không quá tích cực.
Ảnh minh họa
Bức tranh sáng tăng trưởng 6 tháng
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2021, tính đến thời điểm 21/6, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47%, tăng trưởng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2020. Bất chấp tác động của đại dịch, lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn tăng trưởng cao, có hơn chục ngân hàng ghi nhận lợi nhuận nghìn tỷ, chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát tốt. Theo dữ liệu của FiinGroup, tổng thu nhập hoạt động trong quý I/2021 tăng 28,4% so với cùng kỳ. Đầu tháng 7/2021, một số ngân hàng công bố kết quả kinh doanh bán niên với sự bứt phá mạnh mẽ, dự báo sẽ có nhiều kỷ lục mới trong bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng.
Những số liệu này cũng cho thấy, gần như ngành ngân hàng đã bước được vào nền tăng trưởng mới với các yếu tố hỗ trợ như là lãi suất huy động ở mức thấp, trong khi lãi suất cho vay giảm chưa tương ứng, thêm vào đó nhiều ngân hàng còn huy động được lượng lớn trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất thấp, giúp cho biên lãi ròng của ngân hàng được cải thiện.
Đáng chú ý, câu chuyện về phát hành bán vốn, bán công ty con cho nước ngoài vẫn tăng trưởng trong khu vực ngân hàng với nhiều thương vụ lớn đã được thực hiện thành công. Giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát, gần như khối ngoại rút ra khỏi thị trường chứng khoán (TTCK), bán ròng rất mạnh mẽ, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn thấy được cơ hội trong các giao dịch tài sản của ngân hàng. Điển hình như trường hợp VPbank bán được 49% vốn của Fecredit cho tập đoàn của Nhật Bản, một kế hoạch khác trong tương lai như HDbank cũng bán mảng tín dụng cho ngân hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, xu hướng tài chính phi tín dụng tiếp tục gia tăng là một điểm nhấn nổi bật của lĩnh vực này trong bức tranh 2 quý đầu năm. Trong bối cảnh dịch bệnh, 6 tháng đầu năm 2021, nhóm ngân hàng tiếp tục tăng mạnh quy mô và tỷ trọng thu nhập phí dịch vụ, thu nhập ngoài lãi như bảo lãnh khách hàng, bão lãnh thư tín dụng (LC), thanh toán không dùng tiền mặt, liên kết với công ty bảo hiểm để bán chéo sản phẩm (Bancassurance), chứng khoán v.v. Điều này giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) phát triển toàn diện hơn, không còn lệ thuộc vào chỉ tiêu tín dụng, đồng thời giảm thiểu rủi ro và cải thiện cơ cấu nguồn thu theo hướng bền vững.
Thận trọng triển vọng nửa cuối năm
Đợt bùng phát dịch thứ tư của dịch Covid -19 trong những tháng vừa qua thực sự đã làm những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trở nên nguy cấp hơn bao giờ hết, và đây chính là nhân tố khiến các chuyên gia phải thận trọng khi đưa những dự báo kém phần tích cực trong thời gian từ nay tới cuối năm. Dù bức tranh nửa đầu năm của các ngân hàng khá sáng nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố khó khăn có thể tác động làm giảm tăng trưởng của các ngân hàng trong thời gian tới, đó là xu hướng gia tăng nợ xấu đi cùng với sự đổ vỡ của một bộ phận doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report (VNR) đã chỉ ra Top 5 thách thức đối với ngành ngân hàng trong năm 2021, trong đó vấn đề gia tăng nợ xấu là một yếu tố rất đáng lo ngại. Theo phân tích của nhóm chuyên gia VNR, tác động của đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đã khiến nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thậm chí rơi vào tình trạng phá sản. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết trong 6 tháng đầu năm nay có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Trong những tháng đầu năm, nợ xấu của toàn hệ thống không quá cao, chưa đến mức đáng lo ngại nhưng luôn hiên hữu và tiềm ẩn và có xu hướng gia tăng.
Đợt bùng phát lần thứ tư của dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, tạo thêm những lo ngại về sự phục hồi kinh tế. Nếu tốc độ tiêm chủng của Việt Nam không đáp ứng dịch bệnh chưa được kiểm soát thì đến năm 2022 nền kinh tế sẽ bị chững lại, các doanh nghiệp không hồi phục được như mô hình trước dịch và khả năng trả nợ giảm. Khi đó, nợ xấu sẽ gối đầu nhau và tăng dần lên, như vậy doanh nghiệp và nhiều khách hàng cá nhân không tiếp cận được vốn, cùng với đó là nhu cầu tín dụng giảm. Đây là một thách thức rất lớn, mà các ngân hàng cần phải theo dõi chặt chẽ và chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra.
Cùng chung nhận định thận trọng này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tăng trưởng của ngành ngân hàng phục thuộc rất lớn vào sức khoẻ các khu vực doanh nghiệp gắn liền với bức tranh tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2021. Trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trong khi đó chiến lược phòng chống dịch còn lúng túng, chiến lược tiêm phòng vắc-xin còn chậm so với nhiều nước, ông Lực nhận định, hoạt động của khu vực doanh nghiệp sẽ tiếp tục vô cùng khó khăn, nhất là khi hàng loạt doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực chịu tác động nặng nền từ dịch Covid-19 trong năm 2020 đã thực sự suy kiệt sau 1 năm vật lộn tồn tại.
“Tác động dây chuyền khi khu vực doanh nghiệp suy kiệt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe hệ thống tài chính, ngân hàng, bởi nợ xấu dự báo sẽ tăng lên, trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng dự báo sẽ tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm, cộng với khả năng cao tiếp tục phải giảm lãi suất theo định hướng của NHNN để duy trì dòng vốn cho sản xuất kinh doanh. Do đó, dự báo lợi nhuận hệ thống ngân hàng cuối năm nay sẽ không còn sáng sủa như 6 tháng đầu năm”, ông Lực phân tích.
Thách thức song hành cùng triển vọng
Bên cạnh đó, một loạt các thách thức khác cũng được các chuyên gia chỉ ra, đó là việc phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế ở cấp độ cao hơn, đặc biệt là Basel II, Basel III; Sự cạnh tranh của ngân hàng trong các dự án chuyển đổi số và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ; Những nút thắt về chính sách với các mô hình kinh doanh mới; Rủi ro về an ninh mạng, thông tin dữ liệu an toàn. Với câu chuyện nâng cao các chuẩn mực theo Basel II, Basel III, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) vẫn đang là vướng mắc lớn để các ngân hàng đạt được yêu cầu của các chuẩn mực này. Nếu vốn chủ sở hữu không tăng tương xứng với cho khoản vay và đầu tư thì hệ số CAR sẽ giảm, do đó, việc tăng vốn và đảm bảo tỷ lệ CAR theo các chuẩn mực là một áp lực rất lớn đối với các ngân hàng.
Thống kê từ kết quả khảo sát của VNR cho thấy trong năm 2021 có khoảng 16 ngân niêm yết và đăng ký giao dịch lên kế hoạch tăng vốn điều lệ. Nhóm ngân hàng tăng vốn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề như cải thiện được hiệu quả hoạt động liên quan đến chỉ số như là tỷ lệ an toàn vốn, NIM và tăng khả năng cho vay. Tuy nhiên, việc tăng vốn cũng gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào sự chấp thuận của NHNN cùng nhiều yếu tố khác. “Ngân hàng tăng vốn bằng thưởng cổ phiếu khá dễ dàng, nhưng tăng vốn bằng cách phát hành quyền mua sẽ chịu tác động bởi chu kỳ cổ phiếu. Nếu TTCK thuận lợi, tăng điểm, các ngân hàng sẽ không gặp khó khăn cho việc phát hành tăng vốn này, nhưng khi thị trường bước vào pha điều chỉnh, tâm lý nhà đầu tư yếu sẽ rất khó xuống tiền mua thêm cổ phiếu phát hành. Đây là một thách thức nhưng là điều mà các ngân hàng phải làm khi TTCK đang diễn biến thuận lợi”, đại diện nhóm chuyên gia của VNR chỉ rõ vấn đề.
Với câu chuyện cạnh tranh về công nghệ, áp lực cạnh tranh của ngành ngân hàng ngày càng khốc liệt không chỉ giữa các ngân hàng với nhau, mà còn là giữa các ngân hàng với các công ty tài chính, với fintech và bigtech, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán và cho vay nhỏ lẻ, tiêu dùng. Khảo sát trong tháng 6 năm 2021 của VNR đã chỉ ra top 3 lợi thế cạnh tranh được các ngân hàng lựa chọn nhiều nhất, đó là: Ứng dụng công nghệ (90,91% phản hồi); Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ (54,55%); Mạng lưới và kênh phân phối (36,36%). Có thể thấy đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ và đa dạng hóa sản phẩm là hai chiến lược mũi nhọn được nhiều ngân hàng lựa chọn để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính ra đời như mô hình ngân hàng số 100%, tiền kỹ thuật số, cho vay ngang hàng và đang cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, đại diện một số ngân hàng cho biết hiện nay tại Việt Nam, nhiều quy định liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt, cho vay ngang hàng, dự thảo thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt vẫn đang ở dạng dự thảo, chưa được chính thức ban hành. Các quy định pháp lý trong nước lại chưa theo kịp với yêu cầu, khiến các NHTM e dè trong việc áp dụng công nghệ, dịch vụ mới ngoài khuôn khổ cho phép. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng những nút thắt về chính sách này cần các cơ quan quản lý và nghiên cứu cần có phương án tiếp cận kịp thời.
6 giải pháp cho ngành ngân hàng trong thời kỳ hậu Covid-19
Trước nhiều rủi ro, thách thức, với vai trò đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp, trong năm 2021 các ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu vừa đảm bảo kết quả kinh doanh, các chỉ số tài chính theo chiến lược và cam kết với nhà đầu tư, vừa thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn. Trong bối cảnh này, các chuyên gia của VNR khuyến nghị 6 chiến lược ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trong thời kỳ hậu Covid-19, gồm: Tiếp tục đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số ngân hàng, thiết kế các biện pháp khuyến khích khách hàng sử dụng nhiều hơn sản phẩm số; (ii) Đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường hoạt động; (iii) Tăng vốn điều lệ; (iv) Chuyển dịch cơ cấu hoạt động của ngân hàng; (v) Tăng cường công tác quản trị rủi ro; (vi) Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với chuyển đổi số.
Liên quan đến câu chuyện chuyển dịch cơ cấu hoạt động của ngân hàng, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại diện nhóm chuyên gia của VEPR đồng quan điểm với dự báo của nhóm chuyên gia VNR cho rằng năm 2021, áp lực lớn đối với ngành ngân hàng còn lớn hơn trong năm 2021 do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề hơn trong năm 2020, điều này thấy rất rõ qua đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Theo đó, các chuyên gia dự báo nhóm ngân hàng thương mại sẽ chịu áp lực chung buộc phải giảm lãi suất cho vay về một mức nào đó, và như vậy sẽ làm giảm biên lãi ròng (NIM). Nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ chịu áp lực cao hơn từ NHNN. Để giữ vững kết quả kinh doanh, các ngân hàng sẽ thực hiện chuyển dịch cơ cấu hoạt động của ngân hàng thông qua gia tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, cơ cấu lại danh mục nguồn vốn theo hướng tiết giảm chi phí như tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA).
Năm 2020 chiến lược tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn là một cuộc đua giữa các ngân hàng Teckcombank, MBbank, Vietcombank. Nhưng năm 2021 đang chứng kiến cuộc đua mạnh mẽ hơn khi nhiều ngân hàng giảm các phí chuyển tiền giữa các ngân hàng với nhau để tăng tiền gửi không kỳ hạn. Khi tỷ lệ này cao sẽ giảm chi phí vốn của ngân hàng và góp phần làm NIM tăng cao hơn. Đây là giải pháp phù hợp với tình hình hiện tại, tăng tỷ lệ tiền gửi giúp thanh khoản ngân hàng tốt hơn và đồng thời buộc các ngân hàng phải đưa ra các giải pháp để tăng chất lượng, cũng như giảm phí dịch vụ.
Bên cạnh đó, việc tăng vốn điều lệ cũng là vấn đề đặt ra. Năm nay gần như là một cuộc thi đua tăng vốn của nhóm ngân hàng với vốn đăng ký tăng thêm khoảng 82.000 tỷ đồng. Điều này sẽ giúp cho ngành ngân hàng có một nền vốn mới tốt hơn. Bên cạnh đó, việc tăng vốn cũng thúc đẩy cho tăng trưởng tín dụng và thị trường chứng khoán.
Theo kinhtevadubao.vn
12.11.2024