“Trong năm 2021, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) tiếp tục thực hiện tốt vai trò là trụ đỡ phát triển cho hệ thống QTDND” Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú ghi nhận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Co-opBank chiều 10/11/2021. Đồng thời Co-opBank đã phát huy vai trò của một TCTD nhà nước cùng hệ thống QTDND đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng đến khu vực nông nghiệp nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú ghi nhận những kết quả tích cực của Co-opBank đạt được trong năm 2021
Nâng cao vai trò ngân hàng đầu mối hệ thống
Nhìn lại chặng đường năm 2021, Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành Co-opBank Nguyễn Minh Tuấn cho biết, mặc dù quy mô vốn điều lệ còn khiêm tốn chỉ 3.030 tỷ đồng, năng lực tài chính hạn hẹp, nhưng Co-opBank đã thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm trong liên kết hệ thống QTDND.
Điều này có thể thấy rõ trong việc Co-op Bank luôn đặt công tác điều hòa vốn giữa ngân hàng với QTDND là hoạt động trọng tâm. Đặc biệt, trong năm 2021, trước áp lực nguồn tiền gửi tăng cao, doanh số gửi tiền gửi điều hòa về Co-opBank đạt 73.523 tỷ đồng, thời điểm 31/12/2021 tiền gửi điều hòa tại Co-opBank là 35.779 tỷ đồng, thời điểm cao nhất trong năm lên đến 41.000 tỷ đồng. Cùng với đó, Co-opBank vẫn đặt lợi ích QTDND lên cao nhất với việc một mặt nỗ lực duy trì mức lãi suất nhận gửi vốn điều hoà cao hơn lãi suất huy động tiết kiệm của dân cư, mặt khác trong năm 3 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay QTDND.
Ngoài ra, trong Quý 4/2021 Co-opBank tiếp tục triển khai chương trình cho vay “Chung tay hỗ trợ thành viên QTDND” với lãi suất thấp nhất chỉ còn 3,5%/năm, giúp cho thành viên của QTDND có cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Doanh số cho vay theo chương trình này đạt 717 tỷ đồng với 304 QTDND tham gia, góp phần thúc đẩy tăng trưởng dư nợ cho vay QTDND trong những tháng cuối năm đạt gần 2.000 tỷ đồng đưa dư nợ cho vay hệ thống QTDND đến 31/12/2021 đạt 3.481 tỷ đồng. Doanh số cho vay QTDND trong năm đạt 18.587 tỷ đồng.
Co-opBank tiếp tục tích cực phối hợp với NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố trong công tác hỗ trợ các QTDND yếu kém trên địa bàn cả nước với việc cử hơn 50 cán bộ đến đảm nhiệm các chức vụ trong Ban kiểm soát, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Kế toán trưởng, Thủ quỹ của QTDND yếu kém góp phần giúp các QTDND tái cơ cấu, xử lý yếu kém. Đồng thời thực hiện kiểm tra 19/25 QTDND theo yêu cầu của NHNN, từ đó kiến nghị các QTDND thực hiện bổ sung, chỉnh sửa các văn bản, quy chế nội bộ cũng như khắc phục các vấn đề trong công tác tín dụng.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch HĐQT Co-opBank phát biểu tại hội nghị
Trong năm 2021, Co-opBank đã phối hợp với dự án STEP tiếp tục triển khai hệ thống báo cáo PRMS thay thế cho hệ thống báo cáo CF-emis đến toàn bộ các chi nhánh từ đó tăng cường hiệu quả giám sát từ xa đối với QTDND.
Những trợ lực từ Co-opBank đã góp phần hỗ trợ hệ thống QTDND ngày càng vững mạnh về năng lực tài chính, chất lượng cán bộ và trình độ quản lý: Vốn điều lệ đạt 6.344 tỷ đồng (tăng 10% so 2020); Tổng tài sản đạt 160.553 tỷ đồng (tăng 12% so 2020); Huy động vốn đạt 141.810 tỷ đồng (tăng 12% so 2020); Cho vay thành viên đạt 112.205 tỷ đồng (tăng 6% so 2020); Nợ xấu chiếm 0,93% tổng dư nợ.
Tăng tốc đột phá chuyển đổi số
Nhìn nhận chuyển đổi số là yêu cầu thiết yếu với sự phát triển không chỉ riêng Co-opBank mà là nền tảng trợ lực cho QTDND nâng cao năng lực phát triển, hỗ trợ thành viên, năm 2021 trong điều kiện đặc biệt khó khăn, lại hạn chế về các nguồn lực tài chính, con người nhưng Co.opBank đã sáng tạo, quyết liệt và dành mọi nguồn lực cho chuyển đổi số, phục vụ thành viên QTDND, khách hàng vùng sâu, vùng xa, mọi lúc, mọi nơi; giúp kết nối nông thôn – thành thị ngày càng gần hơn.
Hiện Co-opBank đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, hoàn thành việc nâng cấp thiết bị chấp nhận thẻ ATM/POS đáp ứng tiêu chuẩn VCCS và đã nhận chứng thực của NAPAS, hoàn thành việc kiểm thử giao dịch hệ thống thẻ chip Co-opBank và đã nhận chứng thực của NAPAS. Dự kiến đến 31/01/2022 sẽ hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ thẻ từ sang thẻ chip theo đúng tiêu chuẩn VCCS. Năm 2021, Co-opBank đã đẩy mạnh triển khai hệ thống Khởi tạo và quản lý khoản vay từ xa (RLOS) áp dụng cho khoản vay thấu chi trên thẻ ghi nợ.
Hệ thống ngân hàng điện tử CFebank đã mở rộng đến 679 điểm giao dịch, bao gồm 32 chi nhánh, 66 phòng giao dịch và 581 QTDND tham gia liên kết thanh toán đã giúp công tác thanh toán của QTDND được nhanh chóng, an toàn và chính xác. Co-opBank cũng đã triển khai có hiệu quả dịch vụ thấu chi tài khoản thanh toán đối với các QTDND thành viên tham gia hệ thống CF-eBank nhằm hỗ trợ nguồn vốn thiếu hụt tạm thời, đáp ứng nhu cầu thanh toán chuyển tiền của thành viên, khách hàng
Đến 31/12/2021, có 178 QTDND tham gia thành viên hệ thống thẻ thanh toán của Co-opBank . Tổng số lượng thẻ Co-opBank đã phát hành cho các cán bộ, thành viên QTDND là 5.798 thẻ (chiếm 25% tổng số lượng thẻ Co-opBank đã phát hành). Lượng giao dịch thực hiện bằng thẻ theo các hình thức rút tiền mặt qua POS/ATM, thanh toán hàng hóa dịch vụ, chuyển tiền của QTDND… đạt 35.182 giao dịch với tổng số tiền giao dịch là 1.309 tỷ đồng, tăng 30,7% về số lượng giao dịch và 104% về giá trị giao dịch so với năm 2020.
Toàn cảnh hội nghị
Ngày 10/01/2022, NHHT đã chính thức ra mắt dịch vụ ngân hàng số Mobile Banking. Với thị trường chính ở khu vực nông thôn của gần 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) hiện đang hoạt động tại 57 tỉnh thành trong cả nước, Co-opBank Mobile Banking là thành quả của nỗ lực và quyết tâm chuyển đổi số toàn diện của Co-opBank đồng thời cũng là bước đột phá trong hoạt động và là bước đi hiệu quả căn bản cho thời gian tới của NHHT nhằm hỗ trợ QTDND chuyển đổi, đưa dịch vụ tài chính tiện ích, hiện đại đến người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Co-opBank cũng đang hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp Hệ thống phần mềm tín dụng, kế toán ngân quỹ tập trung để đáp ứng yêu cầu quản lý dịch vụ tài khoản tiền gửi thanh toán số đẹp và sản phẩm thấu chi có tài sản đảm bảo đối với khách hàng của Co-opBank và dự kiến sẽ triển khai trong Quý I/2022.
Nâng cao năng lực hỗ trợ nền kinh tế
Song hành với vai trò ngân hàng của hệ thống QTDND, vai trò của một ngân hàng cung ứng vốn cho nền kinh tế cũng đã được Co-opBank triển khai hiệu quả. Tính đến ngày 31/12/2021, tổng số dư cấp tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân là 22.738 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng đạt mức 19,83% so với 31/12/2020. Riêng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đến 31/12/2021 đạt 14.596 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 64,25% dư nợ cho vay doanh nghiệp cá nhân; Nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tương đương tỷ lệ 1,14% tổng dư nợ.
Co-opBank chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến 31/12/2021, số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc lãi của Co-opBank là 156 tỷ đồng của 256 khách hàng. Tính từ 13/3/2020 đến 31/12/2021, Co-opBank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi cho 449 khách hàng với dư nợ là 428 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lãi suất cho 9.660 khách hàng với tổng dư nợ 2.288 tỷ đồng.
Bước sang năm 2022, Co-opBank định hướng các mục tiêu của năm 2022 trong đó, tiếp tục thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm trong liên kết hệ thống QTDND, điều hòa vốn, kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống QTDND; Tiếp tục tham gia hỗ trợ QTDND yếu kém theo chỉ đạo của NHNN và phối hợp tham gia, hỗ trợ kiểm tra, giám sát đối với QTDND khi NHNN yêu cầu. Các chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng cũng đã được đặt ra so năm 2021: Huy động vốn: tăng trưởng tối thiểu 15%; Tăng trưởng tín dụng: Cho vay QTDND tăng trưởng tối thiểu 15%.
Ghi nhận sự cố gắng của Ban lãnh đạo cũng như toàn thể hệ thống Co-op Bank nỗ lực phấn đấu hoàn thành kết quả hoạt động tích cực cũng như nhất trí với kế hoạch hoạt động năm 2022, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng chỉ ra những thách thức cho sự phát triển bền vững của Co-opBank và hệ thống QTDND, từ đó lưu ý thêm một số nội dung trọng tâm mà Co-opBank cần tập trung triển khai trong thời gian tới.
Đó là việc xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm 2022 phải bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu để ra.
Phó Thống đốc quán triệt toàn hệ thống Co-opBank thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng nhằm tiến tới cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại cho các QTDND thành viên.
Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh mới trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19; xử lý dứt điểm các trường hợp nợ khó đòi, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc phân loại nợ và trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đúng quy định của NHNN.
“Co.opBank cần tiếp tục tăng cường vai trò Ngân hàng của hệ thống QTDND, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn, bảo đảm an toàn hệ thống QTDND; là công cụ hữu hiệu của NHNN trong giám sát hoạt động và phát triển hệ thống QTDND. Thực hiện tốt chỉ đạo của NHNN về kiểm tra QTDND trong năm 2022” Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng chỉ đạo Co.op Bank tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Ngân hàng và Đề án TTKDTM giai đoạn 2021-2025; Phấn đấu cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại cho các QTDND và khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Tham gia tích cực vào việc xây dựng kế hoạch cơ cấu lại hệ thống QTDND giai đoạn tới trong đó chủ động đề xuất với NHNN về các giải pháp tái cơ cấu mô hình QTDND, Co.opBank...
Tiếp thu các chỉ đạo của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch HĐQT Co-opBank cho biết “Chúng tôi xác định được đây là giai đoạn phát triển hết sức quan trọng. Và Co.opBank đã và xác định rõ để làm tốt vai trò trụ cột của QTDND cần phải tập trung xây dựng một ngân hàng chăm sóc các QTDND. Tuy nhiên Ngân hàng này cũng cần được Chính phủ và NHNN quan tâm về hành lang pháp lý, cơ chế chính sách trong quan hệ liên kết với các QTDND, tăng cường vốn điều lệ, nguồn vốn hỗ trợ để có năng lực tài chính”.
Bên cạnh đó trong vai trò là một NHTM, tới đây Co-opBank sẽ củng cố chất lượng hoạt động, đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại sản phẩm, nhân lực, quản trị điều hành. “Để thực hiện mục tiêu này cần có hỗ trợ của NHNN để phát triển về quy mô và lĩnh vực hoạt động hướng tới mục tiêu dùng tiềm lực làm bên đỡ căn bản cho tài chính, nhân lực, cho hoạt động của hệ thống chung và QTDND” ông Cường đề xuất.
Theo Thời báo Ngân hàng
13.11.2024
30.10.2024