Sau 16 năm sát nhập vào Hà Nội, mảnh đất trăm nghề Hà Tây xưa đang vươn mình phát triển và bứt tốc mạnh mẽ. Lợi thế gần dân sát dân của Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đang dần mai một khi các ngân hàng “đổ bộ” về nông thôn. Nhu cầu của người dân đối với QTDND không chỉ về gửi tiền và vay tiềnmà lớn hơn còn là nhu cầu về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đáp ứng tiêu dùng và thương mại. Thấu rõ những thách thức ấy, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) chi nhánh Hà Tây đã dốc toàn lực hỗ trợ các QTDND nâng cao năng lực nhằm phục vụ thành viên, hỗ trợ địa phương trên con đường phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Gia Đảo - Giám đốc QTDND Đông Phương Yên cho biết: Những năm trước, kinh tế địa phương chưa phát triển, tích lũy dân cư thấp, nguồn vốn điều hòa từ Co-opBank đã giúp Quỹ cho vay thành viên phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ; phát triển mạnh làng nghề truyền thống.
Đặc biệt, khi địa bàn 3 xã (Đông Phương Yên, Trung Hòa và Đông Sơn) mà QTDND hoạt động được quy hoạch trong việc phát triển hành lang giao thông kết nối vùng, nhất là hướng tới tuyến đường 32, tuyến đường 70 và tuyến đường 100 của TP. Hà Nội, nơi đây trở thành cầu nối giao thương với các tỉnh Tây Bắc, kinh tế địa phương càng có điều kiện bứt tốc. Tích lũy dân cư tăng dần, khiến tiền gửi của thành viên và người dân trên địa bàn tại Quỹ càng lớn, Quỹ giờ không chỉ chủ động về nguồn vốn mà còn trở thành một trong những quỹ có nguồn tiền gửi lớn tại Co-opBank chi nhánh Hà Tây.
Tính đến 30/6/2024, tổng nguồn vốn của QTDND Đông Phương Yên đạt 158 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 95 tỷđồng. Trong bối cảnh cầu tín dụng thấp hơn cung vốn, công tác điều hòa vốn của Co-opBank chi nhánh Hà Tây đã giúp QTDND Đông Phương Yên giảm bớt áp lực về chi phí vốn, từ đó có điều kiện đưa ra mức lãi suất cho vay hợp lý nhất hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế.
Đặc biệt các dịch vụ thanh toán, ngân hàng số mà Co-opBank chi nhánh Hà Tây triển khai đã góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh cho Quỹ, cũng như “giữ chân” thành viên ở lại với Quỹ. Ví như trước đây chưa có dịch vụ chuyển tiền điện tử tại Quỹ, các thành viên phải sang các Ngân hàng thương mại gửi tiền khiến nhiều thành viên “một đi không trở lại”.
Nhưng nay, khi có dịch vụ chuyển tiền điện tử CF-eBank, khách hàng có thể đến Quỹ chuyển khoản bất cứ khi nào, khi giờ làm việc tại Quỹ linh hoạt hơn các Ngân hàng thương mại. Như dịch vụ Co-opBank Mobile Banking của Co-opBank mà Quỹ triển khai, khách hàng có thể rút tiền mặt khi có nhu cầu.Con số 3.000 lượt khách hàng chuyển tiền điện tử với doanh số 170 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024 là một minh chứng sinh động về hiệu quả của việc đưa dịch vụ thanh toán điện tử CF-eBank của Co-opBank về QTDND Đông Phương Yên.
Ông Lê Ngọc Minh - Phó Giám đốc Phụ trách Co-opBank chi nhánh Hà Tây
Đó chỉ là 1/75 QTDND đang cùng Co-opBank chi nhánh Hà Tây đồng hành trên con đường phát triển. Ông Lê Ngọc Minh - Phó Giám đốc Phụ trách Co-opBank chi nhánh Hà Tây cho biết, trên một địa bàn tốc độ đô thị hóa nhanh và sự phát triển của các TCTD ở khu vực nông nghiệp nông thôn, các QTDND không thể chỉ dừng lại ở các nghiệp vụ ngân hàng truyền thống là huy động và cho vay. Vì vậy, nếu như giai đoạn đầu nhiều QTDND còn e dè triển khai các dịch vụ ngân hàng điện tử và ngân hàng số của Co-opBank thì đến nay các QTDND đều cảm nhận các dịch vụ này đáp ứng nhu cầu thực sự của QTDND chứ không phải triển khai là để ủng hộ Co-opBank. Đặc biệt là các QTDND trên địa bàn đô thị lại đòi hỏi Co-opBank ngày càng có dịch vụ hoàn thiện hơn để có thể cạnh tranh với các ngân hàng khác, giữ chân thành viên của mình.
Chính vì vậy, Co-opBank chi nhánh Hà Tây đã luôn tạo điều kiện cho các QTDND triển khai các sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử và ngân hàng số. Cho đến 30/06/2024, Co-opBank chi nhánh Hà Tây có 44/75QTDND, đạt tỷ lệ 58,67% số lượng QTDND tham gia hệ thống CF-eBank. Trong tháng 7/2024 có thêm 02 QTDND được kết nạp thành viên thanh toán chuyển tiền điện tử CF-eBank, nâng tổng số QTDND tham gia hệ thống CF-eBank là 46 QTDND.
Để hỗ trợ QTDND sử dụng tốt các loại dịch vụ, Co-opBank chi nhánh Hà Tây đã phối hợp và hỗ trợ các QTDND có nhu cầu đăng ký đào tạo mới hoặc đào tạo lại nghiệp vụ chuyển tiền điện tử CF-eBank khi Co-opBank mở lớp đào. Đến thời điểm 30/06/2024 đã có 71 QTDND/75 QTDND đã tham gia đào tạo chuyển tiền CF-eBank. Bên cạnh đó, Co-opBank chi nhánh Hà Tây đã luôn cập nhật tình hình triển khai, hướng dẫn cho các QTDND đã tham gia hệ thống nhưng có vướng mắc trong quá trình thực hiện nghiệp vụ.
Co-opBank chi nhánh Hà Tây cũng đã cấp hạn mức thấu chi phục vụ hoạt động thanh toán cho 33/44 QTDND thành viên tham gia hệ thống CF-eBank, với hạn mức thấu chi được cấp là 40,5 tỷ đồng.
Với dịch vụ Co-opBank Mobile Banking, toàn Chi nhánh có 6.039 tài khoản đăng ký, với 5.615 tài khoản đã kích hoạt sử dụng (tỷ lệ kích hoạt đạt 92,98%), trong đó có 320 tài khoản được kích hoạt bằng phương thức Ekyc; có 1.724 tài khoản (bao gồm tài khoản của cán bộ, nhân viên, thành viên, khách hàng của QTDND). Chi nhánh cũng đã phát hành thẻ chip Co-opBank Napas đạt 1.108 thẻ, với số dư tài khoản thanh toán đạt 6.460 triệu đồng. Đến nay, đã có 51 QTDND ký kết chia sẻ doanh thu với chi nhánh từ việc làm đại lý triển khai các dịch vụ này.
Co-opBank chi nhánh Hà Tây luôn đồng hành và hỗ trợ các QTDND trên địa bàn
Vai trò Ngân hàng của các QTDND thêm rõ qua các hoạt động chuyên môn, Co-opBank chi nhánh Hà Tây đã làm tốt công tác điều hòa vốn, đặc biệt trong bối cảnh tiền gửi QTDND liên tục tăng trưởng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh số tiền gửi của các QTDND đạt 7.831 tỷ đồng, số dư đến 30/6/2024 là 5.235 tỷ đồng, đạt 111,09% so với kế hoạch Co-opBank giao. Hiện các QTDND thừa nguồn nên không có nhu cầu vay vốn theo quy chế điều hòa vốn, song Chi nhánh vẫn hỗ trợ các QTDND đảm bảo thanh toán thông qua việc cho vay cầm cố tiền gửi hoặc vay thấu chi khi cần thiết.
Năng lực quản lý, đảm bảo an toàn hoạt động của QTDND ngày một nâng cao thông qua công tác giám sát của Chi nhánh theo chỉ đạo của NHNN cũng như thông qua các hoạt động chuyên môn liên quan. Đến 30/06/2024, Chi nhánh đã hoàn thành kiểm tra 4/6 QTDND theo yêu cầu của NHNN. Kết quả kiểm tra được NHNN chi nhánh TP. Hà Nội đánh giá cao về chất lượng, kịp thời phát hiện các tồn tại thiếu sót để yêu cầu QTDND khắc phục chỉnh sửa. Đồng thời qua số liệu giám sát từ xa, Chi nhánh đã kịp thời phát hiện các tồn tại, vi phạm các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động của QTDND theo các quy định của NHNN và có khuyến cáo để cảnh báo QTDND nhanh chóng khắc phục chỉnh sửa.
Những nỗ lực của Co-opBank chi nhánh Hà Tây đã góp phần hỗ trợ 75 QTDND trên địa bàn phát triển ổn định. Đến 30/6/2023, tổng nguồn vốn của các Quỹ đạt 15.852 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 9.357 tỷ đồng, chiếm 59,03%/tổng nguồn vốn, nợ xấu chiếm 0,53%/ tổng dư nợ).
Ông Lê Ngọc Minh - Phó Giám đốc Phụ trách Co-opBank chi nhánh Hà Tây cho biết: trong thời gian tới, Co-opBank chi nhánh Hà Tây sẽ tiếp tục thực hiện tốt chứcnăng điều hoà vốn trong hệ thống QTDND; Hỗ trợ khả năng thanh khoản kịp thời cho QTDND. Đẩy mạnh triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số tới các QTDND. Đồng thời, sâu sát, chăm sóc thường xuyên, kịp thời lắng nghe tâm tư nguyện vọng của QTDND… để cải thiện chất lượng dịch vụ, góp phần gia tăng năng lực quản trị, cung ứng dịch vụ ngân hàng của QTDND với các thành viên và người dân.
Khách hàng giao dịch tại Co-opBank chi nhánh Hà Tây
Theo Website Co-opBank.