04.05.2022 09:20

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Luôn đặt người dân và khách hàng là trung tâm

NHNN đã chủ động hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chỉ đạo, định hướng chiến lược và ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định tạo thuận lợi thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
chuyen doi so nganh ngan hang luon dat nguoi dan va khach hang la trung tam
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng
Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định ngành Ngân hàng là lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Trên thực tế, thời gian qua công cuộc chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng diễn ra rất mạnh mẽ nhằm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của NHNN theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Nhân kỷ niệm 71 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951-6/5/2022), Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đã chia sẻ cùng độc giả Thời báo Ngân hàng về công cuộc chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng và những định hướng trong thời gian tới.

Phó Thống đốc có thể chia sẻ khái quát về những kết quả đạt được trong công cuộc chuyển đổi số ngành Ngân hàng thời gian qua?

Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định mục tiêu và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định ngành Ngân hàng là lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước.

Triển khai định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã sớm có các hoạt động nghiên cứu, đánh giá kịp thời và ban hành nhiều quyết định, chính sách định hướng quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và thúc đẩy chuyển đổi số, khai thác, ứng dụng hiệu quả các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) trong hoạt động ngân hàng, thích ứng với tình hình mới. Công cuộc chuyển đổi số ngành Ngân hàng thời gian qua đã đạt được nhiều thành quả tích cực.

NHNN đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Ngân hàng để thống nhất định hướng, chỉ đạo xuyên suốt, có trọng tâm, trọng điểm, điều phối nhịp nhàng các nỗ lực chuyển đổi số, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp toàn Ngành nhằm thực thi nhanh chóng, hiệu quả cao và sớm đạt được những mục tiêu chiến lược đề ra.

NHNN đã chủ động hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chỉ đạo, định hướng chiến lược và ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định tạo thuận lợi thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp như: (i) ban hành quy định hướng dẫn mở tài khoản thanh toán cá nhân, mở thẻ ngân hàng từ xa bằng phương thức điện tử (eKYC); các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, quy định về đảm bảo an ninh an toàn và thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ chip...) để tạo thuận lợi cho thanh toán liên thông, kết nối cung ứng dịch vụ; (ii) nâng cấp, bổ sung tính năng, dịch vụ của hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia; định hướng phát triển, hoàn thiện các hệ thống thanh toán quan trọng khác; (iii) ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; (iv) xây dựng, hoàn thiện và trình cấp thẩm quyền ban hành văn bản quan trọng: Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng và Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2022.

Ngành Ngân hàng cũng đã triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, NHNN đã ban hành kế hoạch của ngành Ngân hàng và đang tích cực phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng phương án để các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có thể khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia về dân cư, CSDL Căn cước công dân (CCCD), thẻ CCCD gắn chip phục vụ xác minh thông tin nhận biết khách hàng. Đến nay, đã có một số ngân hàng phối hợp với Bộ Công an để thử nghiệm các giải pháp khai thác thông tin trong thẻ CCCD gắn chip phục vụ việc định danh, xác thực thông tin, cung ứng dịch vụ khách hàng (tại ATM, tại quầy và trên ứng dụng di động), hướng tới ứng dụng triển khai rộng rãi trong thời gian tới.

NHNN đã nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán liên ngân hàng quốc gia đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán liên ngân hàng và chỉ đạo xây dựng, đưa vào vận hành trên thực tế hệ thống bù trừ điện tử phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH) với khả năng thanh toán thời gian thực, hoạt động liên tục 24/7, xử lý giao dịch đa kênh, có khả năng tích hợp, kết nối liền mạch với hệ thống, dịch vụ của các ngành, lĩnh vực khác, cho phép cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng nhanh chóng, thuận tiện qua kênh số.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, thanh toán qua các kênh thanh toán điện tử duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021: Giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 47,9% về số lượng giao dịch và 33,9% về giá trị; Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 98,5% về số lượng và 93,7% về giá trị. Nhiều giải pháp, ứng dụng thanh toán mới xuất hiện (như thanh toán, chuyển tiền tức thời cho phép kiểm tra thông tin tài khoản người nhận để hạn chế sai sót; thanh toán nhanh chóng, tiện lợi một chạm qua QR code động không đòi hỏi nhập số tiền thanh toán; thanh toán sử dụng biệt danh - Alias để giảm bớt bước nhập thông tin tài khoản...) đã chứng tỏ khả năng công nghệ, sáng tạo, nhạy bén với nhu cầu thị trường của ngành Ngân hàng Việt Nam, góp phần tạo ra giá trị mới, cung ứng những sản phẩm, dịch vụ hữu ích cho người dân, xã hội.

Hầu hết (95%) các ngân hàng tham gia khảo sát của NHNN đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số và tích cực ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 (Trí tuệ nhân tạo (AI), Học máy (ML), Dữ liệu lớn (Big Data), Tự động hóa quy trình bằng rô-bốt (RPA), Giao diện lập trình ứng dụng (API), điện toán đám mây (Cloud)… đã được triển khai mạnh mẽ nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng và tạo các nguồn thu mới, không gian phát triển mới.

Ngành Ngân hàng đã chủ động hợp tác, kết nối dịch vụ với các ngành, lĩnh vực khác, hợp tác và cùng đổi mới sáng tạo với các công ty công nghệ tài chính, tập đoàn công nghệ lớn (các Fintech/ Bigtech) để đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, số hóa toàn diện sản phẩm, dịch vụ và phát triển hệ sinh thái số, qua đó đem lại hành trình trải nghiệm khách hàng đơn giản, xuyên suốt và cung cấp thêm nhiều lợi ích, giá trị mới cho khách hàng. Nhiều nghiệp vụ đã được số hóa toàn diện 100% như mở tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, thanh toán chuyển tiền, gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn… để phục vụ tốt hơn nhu cầu của cá nhân, doanh nghiệp theo xu hướng số hóa, tự động hóa, tối ưu hóa theo nhu cầu khách hàng.

Nhiều ngân hàng đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số, phương thức điện tử. Hàng chục triệu khách hàng đã trở thành khách hàng số của ngân hàng với việc sử dụng thường xuyên các ứng dụng ngân hàng số trong mọi giao dịch thường nhật như: Ứng dụng ngân hàng số Digibank của VCB, iPay của VietinBank, Smart Banking của BIDV, eBank X của TPBank; Omni-Channel của OCB;… Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng chú trọng nâng cấp, hoàn thiện hệ thống an ninh, an toàn bảo mật đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để phòng ngừa các rủi ro an ninh mạng.

Từ cuối tháng 3/2021 các TCTD đã triển khai mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng eKYC và hiện có gần 5 triệu tài khoản được mở mới bằng phương thức này. Đến nay, NHNN đã cấp phép cho 46 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với hơn 35 triệu ví điện tử đang hoạt động.

Theo hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, ngành Ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, tăng từ 41% lên 82% vào năm 2021, cao hơn mức tăng bình quân 23% của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân 33% của thị trường mới nổi.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số của ngành Ngân hàng được quan tâm, chú trọng. Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1754/QĐ-NHNN phê duyệt “Khung năng lực và khung chương trình bồi dưỡng dành cho công chức thuộc lĩnh vực thanh toán và ngân hàng số”. Đây là cơ sở, công cụ quan trọng để thúc đẩy đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong ngành Ngân hàng.

Với những kết quả đạt được nêu trên, từ năm 2019 NHNN liên tiếp được xếp hạng A về công tác bảo đảm an toàn thông tin; năm 2020 NHNN đứng vị trí số 2 ở khối cấp bộ, trong đó xếp hạng chỉ số kiến tạo thể chế xếp thứ nhất trong Bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố vào tháng 10/2021.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 505, lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia. Dưới góc độ ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc có thể cho biết chiến lược của NHNN nhằm thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính, góp phần vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia?

Như tôi đã đề cập ở trên, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng được ban hành nhằm giúp NHNN cụ thể hóa và triển khai các Nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời giúp xác định rõ định hướng, kế hoạch triển khai của ngành Ngân hàng trong xu thế chuyển đổi số, giúp ngành Ngân hàng nắm bắt thời cơ, vượt lên thách thức của cuộc CMCN 4.0.

Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng được xây dựng theo hướng đặt người dân, khách hàng làm trung tâm; đặt ra các mục tiêu tổng quát nhằm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của NHNN theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững tại các ngân hàng.

Đồng thời, kế hoạch cũng đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể liên quan đến việc cung ứng dịch vụ hoạt động nghiệp vụ tại ngân hàng như: Ít nhất 50% các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số: ít nhất 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030; Chỉ tiêu về số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số đạt ít nhất 70% năm 2025 và 80% năm 2030; Chỉ tiêu về tỷ lệ quyết định giải ngân, cho vay của NHTM, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động: đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030, đạt tối thiểu 70%.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, kế hoạch đã đặt ra các nhóm nhiệm vụ giải pháp như: hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng; nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, hạ tầng dữ liệu dùng chung trong ngành; hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số tại ngân hàng;…

Dự kiến ngày 18/5 tới đây, NHNN sẽ công bố và tổ chức sự kiện “Ngày chuyển đổi số” hàng năm của ngành Ngân hàng để góp phần chuyển đổi nhận thức, tăng cường kiến thức về chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Công nghệ LiveBank chỉ mất 3s để nhận diện khuôn mặt và xác nhận thêm bằng vân tay là có thể thực hiện giao dịch
Thưa Phó Thống đốc ứng dụng công nghệ có thể có rủi ro. Ngành Ngân hàng sẽ phải xử lý thách thức này như thế nào trong số hóa hoạt động ngân hàng?

Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng chuyển đổi số cũng đặt ra cho ngành Ngân hàng một số thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp xử lý phù hợp, cụ thể như:

Thứ nhất, các quy định pháp lý đối với một số hoạt động, nghiệp vụ chưa hoàn thiện, đồng bộ có thể dẫn tới việc một số ngân hàng chưa triển khai mạnh mẽ các dự án ứng dụng công nghệ, giải pháp đột phá, ví dụ như số hóa toàn diện hoạt động cho vay giá trị nhỏ.

Thứ hai, hạ tầng kỹ thuật của nhiều đơn vị trong ngành vẫn là những hệ thống cũ (legacy system), chưa được nâng cấp, đổi mới toàn diện để thích ứng, phục vụ đắc lực cho chuyển đổi số và việc thiếu hụt các tiêu chuẩn chung (như tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn API…) để tạo điều kiện cho việc kết nối, liên thông giữa các đơn vị trong ngành Ngân hàng với nhau và với các ngành, lĩnh vực khác.

Thứ ba, ngày nay, xu thế tội phạm công nghệ cao tấn công vào lĩnh vực ngân hàng, tài chính tại Việt Nam đang ngày càng tăng cả về số lượng lẫn mức độ tinh vi, phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Theo Kaspersky, Việt Nam hiện đứng thứ 21 trên thế giới về các vụ tấn công lừa đảo với 673.743 cuộc tấn công được ghi nhận năm 2020. Theo báo cáo Security Magazine, ngành Ngân hàng chứng kiến sự gia tăng 1.318% về số lượng các cuộc tấn công mã độc trong năm 2021. Các ngân hàng ngày càng phải đối mặt với thách thức gia tăng hoạt động tội phạm, tấn công mạng, tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ và đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật xuyên suốt trong quá trình cung ứng dịch vụ tới khách hàng.

Thứ tư, người tiêu dùng trong kỷ nguyên 4.0 có nhu cầu ngày càng cao, khắt khe hơn đối với trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp, tiện lợi, cá nhân hóa cao và khả năng tiếp cận mọi nơi, mọi lúc. Điều này đặt ra thách thức, đòi hỏi những thay đổi lớn và toàn diện của các ngân hàng về xây dựng văn hóa tổ chức thích ứng với cái mới, chấp nhận sự thay đổi (xu hướng công nghệ mới, cạnh tranh gia tăng trên thị trường với nhiều “người chơi mới” và hành vi khách hàng thay đổi nhanh…), về chuyển dịch mô hình kinh doanh, cách thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ từ tập trung vào sản phẩm (product-centric) sang lấy khách hàng làm trọng tâm (customer-centric).

Thứ năm, trong bối cảnh chuyển đổi số, các ngân hàng đối mặt với một số khó khăn, thách thức lớn về nguồn nhân lực như: (i) thay đổi nhận thức, tư duy về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong sản phẩm, dịch vụ của cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng; (ii) thiếu hụt nhân sự trình độ cao: chuyển đổi số quy trình, nghiệp vụ nội bộ đòi hỏi việc tổ chức mô hình tinh gọn, linh hoạt (agile, scrum) kết hợp với các kỹ năng đổi mới sáng tạo như khoa học dữ liệu, đánh giá, phân tích… qua đó đặt ra yêu cầu lớn trong việc tổ chức lại nguồn nhân lực của các ngân hàng; (iii) giữ chân nhân sự có tài trong hoàn cảnh thiếu hụt nhân sự và cạnh tranh lớn trong tuyển dụng.

Để hiện thực hoá các mục tiêu đặt ra tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, theo Phó Thống đốc có những yếu tố nào cần lưu ý?

Để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, theo tôi các ngân hàng phải nhanh chóng chuyển đổi số toàn diện trên các mặt, triển khai các công nghệ mới nhằm tăng hiệu quả hoạt động và gia tăng trải nghiệm khách hàng; chuyển đổi cơ cấu tổ chức, mô hình kinh doanh theo hướng tinh gọn, linh hoạt; tạo dựng văn hóa tổ chức thích ứng với sự thay đổi và đổi mới sáng tạo không ngừng; thiết kế, phát triển sản phẩm, cung ứng dịch vụ theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm, tái trang bị kỹ năng số, xây dựng văn hóa số cho lực lượng lao động, thu hút và giữ chân các tài năng số bằng môi trường làm việc năng động, chính sách đãi ngộ cạnh tranh…

Tuy nhiên, để các hoạt động, nỗ lực chuyển đổi này đi đúng hướng, đạt kết quả cao và tạo ra sức mạnh cộng hưởng, lan tỏa, ngành Ngân hàng cũng cần lưu ý đến những yếu tố sau:

Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý phù hợp cho việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo trong ngành Ngân hàng; xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật thúc đẩy kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu trong và ngoài ngành Ngân hàng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình ban hành Nghị định về Cơ chế thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cung cấp cơ sở thực tiễn để NHNN hoàn thiện khung khổ pháp lý, ban hành quy định quản lý theo hướng tạo thuận lợi cho chuyển đổi số, thích ứng đối với sự phát triển của Fintech trong lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới.

Thứ hai, mở rộng và phát triển hạ tầng thanh toán thống nhất, đồng bộ, có khả năng tích hợp, kết nối các ngành, lĩnh vực khác, từ đó mở rộng hệ sinh thái số. Tiếp tục nghiên cứu phối hợp với cơ quan liên quan để triển khai phương án cho phép ngành Ngân hàng được kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư, CSDL CCCD, CSDL doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng...

Thứ ba, triển khai các chương trình giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp để tăng cường kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, hiệu quả; đảm bảo an toàn an ninh mạng, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của khách hàng và chú trọng bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số.

Ngành Ngân hàng có kiến nghị gì với Chính phủ, cũng như các bộ/ngành liên quan trong thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng?

Định hướng chỉ đạo đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của Chương trình chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số ngân hàng nói riêng. Tại Việt Nam, các Nghị quyết, Quyết định, văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ quan điểm, định hướng thống nhất về chuyển đổi số. Tuy nhiên, để các định hướng, chính sách này thật sự đi vào cuộc sống và thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số ngân hàng nói riêng thì các định hướng, quan điểm này cần sớm được cụ thể hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật, làm căn cứ cho các ngân hàng, TCTD triển khai thống nhất trong quá trình chuyển đổi số.

Do đó chúng ta cần có cơ chế quản lý, khuyến khích việc thử nghiệm, thí điểm, đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung trên tinh thần chấp nhận rủi ro ở mức độ cho phép; Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, trình sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử.

Chúng ta cần khẩn trương hoàn thiện, ban hành 2 văn bản quan trọng là Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và Nghị định về định danh và xác thực điện tử nhằm tạo dựng môi trường giao dịch số an ninh, an toàn, bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường số, thúc đẩy lòng tin của công chúng đối với giao dịch số, dịch vụ số, tăng cường hỗ trợ các hoạt động của kinh tế số. Cùng với đó cần sớm có quy định, hướng dẫn để các ngân hàng, TCTD có thể kết nối, khai thác dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư, CSDL CCCD để phục vụ việc xác minh thông tin chính xác khách hàng nhanh chóng, an toàn, thuận tiện.

Trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!
Theo Thời báo Ngân hàng.

Các tin liên quan