Năm 2020 là một năm đầy biến động và khó khăn đối với các nền kinh tế khu vực và trên thế giới do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19...
1. Tổng quan tình hình kinh tế vĩ mô và hoạt động doanh nghiệp nhỏ và vừa
1.1. Tình hình kinh tế vĩ mô thế giới và Việt Nam
Năm 2020 là một năm đầy biến động và khó khăn đối với các nền kinh tế khu vực và trên thế giới do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Dự kiến tăng trưởng kinh tế thế giới gặp nhiều trở ngại để phục hồi trở lại do tình hình dịch bệnh tại nhiều quốc gia vẫn diễn biến phức tạp, làm chậm lại quá trình mở cửa các nền kinh tế. (Bảng 1)
Nguồn: Morgan Stanley, Research, Dec 2020.
Ghi chú: * Mức dự báo tính trên cơ sở bình quân trọng số
của Bloomberg, Haver Analytics, IMF, Morgan Stanley.
Tại Việt Nam, năm 2020, GDP tăng trưởng 2,91% so với cùng kỳ năm 2019, được xếp vào nhóm nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, đồng thời chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức tăng 3,23% so với năm 2019. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, nhưng nhờ các phản ứng kịp thời, khẩn trương và quyết liệt của Chính phủ để phòng, chống đại dịch Covid-19, nên Việt Nam là một trong số ít các quốc gia duy trì được mục tiêu kép vừa tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được dịch bệnh. Theo đó, nhờ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, đồng thời, sử dụng linh hoạt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân, thúc đẩy phục hồi kinh tế, nên tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2021 được dự báo đạt mức 6,8% và duy trì mức 6,5% các năm sau. Tuy nhiên, trong trung hạn, để phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19, Việt Nam cần phải cải cách mạnh mẽ hơn thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế số, nâng cao hiệu quả đầu tư công… trong điều kiện cơ cấu dân số và xã hội thay đổi. (Bảng 2).
1.2. Hoạt động doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Trong giai đoạn khủng hoảng do đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia phải áp dụng các biện pháp như trợ cấp tiền lương, chuyển tiền mặt, tăng cường trợ cấp thất nghiệp và bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tuy nhiên, mức độ vận dụng các biện pháp là khác nhau ở các quốc gia, phụ thuộc vào cấu trúc của nền kinh tế. Chẳng hạn, ở các nền kinh tế có tỷ lệ lớn người lao động tự do và phi chính thức, việc chuyển tiền và hiện vật cho các hộ gia đình được mở rộng, trong khi tại các nền kinh tế nơi các doanh nghiệp vừa và lớn chiếm tỷ trọng cao, việc bảo đảm tín dụng và hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp và trợ cấp lương cho người lao động được duy trì để tránh tình trạng thất nghiệp tăng đột biến. Ngoài ra, các biện pháp về thuế như hoàn nhập khoản lỗ hỗ trợ các công ty; đối với các công ty lớn có thể dưới hình thức bơm trực tiếp vốn cổ phần; đối với các DNNVV chưa niêm yết có thể tài trợ... cũng được vận dụng.
Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đặc biệt ảnh hưởng đến các DNNVV bởi các doanh nghiệp này thường dễ bị tổn thương do bộ đệm thanh khoản kém và khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế. Hơn nữa, do các DNNVV chiếm tỷ trọng cao nhất trong nền kinh tế, đặc biệt liên quan các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như nhà hàng, khách sạn, nghệ thuật và giải trí. Do đó, rủi ro thanh khoản và khả năng thanh toán của các doanh nghiệp này gia tăng, khiến cả việc làm và nợ của các DNNVV gặp rủi ro. Theo Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu (Global Financial Stability Report, tháng 10/2020) đánh giá các tác động đối với sự ổn định tài chính, đặc biệt tập trung vào các DNNVV sử dụng nợ có rủi ro của 21 nền kinh tế phát triển và mới nổi để đánh giá rủi ro thanh khoản. Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp gặp khó khăn về việc làm, mất khả năng thanh toán hoặc không có tính thanh khoản chiếm từ 9 đến 13%, tăng cao gấp đôi so với giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tại Việt Nam, với đặc điểm nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các hoạt động sản xuất, cung ứng và lưu chuyển thương mại, hàng không, du lịch, lao động và việc làm bị đình trệ, gián đoạn. Hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. Tại Việt Nam, có khoảng 97% các doanh nghiệp là DNNVV trong đó, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm khoảng 65% số các DNNVV và khu vực các DNNVV đóng góp khoảng 50% GDP, 33% thu ngân sách Nhà nước, 45% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội.
Do đó, việc hỗ trợ các DNNVV luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, tập trung nguồn vốn ưu tiên cho các DNNVV, ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động trợ giúp phát triển DNNVV luôn được Quốc hội và Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thông qua việc đã ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV; ban hành 05 Nghị định hướng dẫn Luật; đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV và về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV1. Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng cũng đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các DNNVV, góp phần giảm thiểu những tác động từ dịch Covid-19, hỗ trợ đạt được mục tiêu kép của Chính phủ, đảm bảo an sinh xã hội.
Hỗ trợ các DNNVV luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan
2. Các chính sách tín dụng hỗ trợ DNNVV trong giai đoạn đại dịch Covid-19
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các chính sách tín dụng gồm tạo dựng hành lang pháp lý phù hợp, ban hành chính sách và các giải pháp hỗ trợ, ưu tiên... nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, cụ thể:
- NHNN đã ban hành các văn bản pháp lý hỗ trợ hoạt động của các TCTD, qua đó tạo điều kiện hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV2:
+ Ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
+ Ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020, chỉ đạo các TCTD nghiêm túc triển khai các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng để tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.
+ NHNN đã ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ngày 31/3/2020 điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, áp dụng từ ngày 01/4/2020 đến ngày 31/12/2020, tạo điều kiện cho các TCTD giảm phí thanh toán đối với khách hàng; đồng thời, chỉ đạo các TCTD phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến để khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần hạn chế các nguy cơ lây lan dịch bệnh.
+ Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để trả lương ngừng việc cho người lao động, theo đó, NHNN đã ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ3: Thông tư số 05/2020/TT-NHNN ngày 07/5/2020, Thông tư số 12/2020/TT-NHNN ngày 11/11/2020 quy định về tái cấp vốn đối với NHCSXH; Quyết định số 925/QĐ-NHNN ngày 13/5/2020 về việc tái cấp vốn đối với NHCSXH.
+ Chỉ đạo hệ thống các TCTD tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh và đảm bảo an toàn hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với mặt bằng lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; đồng thời, ưu tiên tập trung vốn hỗ trợ cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó có DNNVV; đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo thuận lợi hơn nữa cho khách hàng vay vốn nhưng không nới lỏng, hạ thấp điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng tín dụng, duy trì tính lành mạnh, an toàn của hoạt động ngân hàng.
- Hiện nay, các DNNVV được bình đẳng như các doanh nghiệp khác trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của NHNN. Trên cơ sở xác định các DNNVV là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên trong việc cấp tín dụng, NHNN tiếp tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ lĩnh vực này như:
+ Điều hành lãi suất chính sách giảm đáng kể, từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã chủ động 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, trong đó lãi suất trần cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV với tổng mức giảm là 1,5%/năm, hiện nay còn 4,5%/năm.
+ Tiếp tục quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV thấp hơn 1% - 2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường.
Ngoài ra, hiện nay, các TCTD cũng chủ động tiếp cận đối tượng khách hàng là nhóm DNNVV, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù hoạt động của các khách hàng trong lĩnh vực này4.
- NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời, triệt để từng trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc. Từ tháng 6/2019, NHNN đã đưa vào vận hành Cổng thông tin kết nối khách hàng vay nhằm cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng, đồng thời, hỗ trợ khách hàng vay, đặc biệt là DNNVV có thể dễ dàng tìm hiểu, lựa chọn các gói tín dụng và đăng ký nhu cầu vay vốn tại các TCTD, tiết kiệm được chi phí đi lại và thời gian sử dụng dịch vụ ngân hàng.
- Tích cực triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm nhận diện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp tháo gỡ phù hợp, đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.
- NHNN cũng phối hợp với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức các Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên tất cả 6 vùng kinh tế toàn quốc để nắm bắt tình hình thực hiện các giải pháp của ngành Ngân hàng, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh, đẩy mạnh gắn kết giữa ngành Ngân hàng với các sở, ngành địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn…
3. Đánh giá kết quả thực hiện
3.1. Kết quả tín dụng của ngành Ngân hàng
Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu trên, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, cả năm 2020 tăng 12,13% so với cuối năm 2019, trong đó tín dụng đối với các DNNVV tăng 11%, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, tính đến ngày 28/12/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 đã tăng 13,26% so với cuối năm 2019 và tăng 14,61% so với cùng kỳ 2019.
Theo kết quả công bố tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2021, trong năm 2020, NHNN đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn do đại dịch Covid-19, đến 26/12/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 270 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 590 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối năm 2020 đạt 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng. Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn tại NHCSXH để trả lương ngừng việc cho người lao động, đến cuối tháng 12/2020, NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 168 nghìn khách hàng với dư nợ 4.183 tỷ đồng, cho vay mới trên 2 triệu khách hàng với số tiền 72.531 tỷ đồng. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.
3.2. Khó khăn, vướng mắc
Thời gian qua, mặc dù ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng cung ứng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên, do một số khó khăn, hạn chế đã làm ảnh hưởng việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV trong giai đoạn đại dịch Covid-19 như:
- Tác động bất lợi từ dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với chủng SARS-CoV-2 mới, nền kinh tế thế giới và trong nước còn ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, nhiều khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng đúng hạn dẫn đến tỷ lệ nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.
- Các DNNVV chưa thực sự linh hoạt chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả để ứng phó với dịch bệnh, dẫn tới khó khăn cho các TCTD trong việc thẩm định, quyết định cho vay mới.
- Một số doanh nghiệp đã phát sinh nợ quá hạn vì kinh doanh thua lỗ, xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan trước khi dịch bệnh xảy ra, không đủ điều kiện để các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 nhưng vẫn liên tục kiến nghị đến ngành Ngân hàng, tạo áp lực cho hoạt động của các TCTD.
- Nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 là từ tiết kiệm chi phí của các TCTD; chưa có sự hỗ trợ của ngân sách cho các TCTD. Trong điều kiện nguồn lực từ các TCTD còn hạn chế thì quy mô của các chương trình hỗ trợ của hệ thống ngân hàng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp, trong đó có DNNVV trong nền kinh tế.
4. Đề xuất, kiến nghị
4.1. Về phía NHNN
Một là, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi để nhanh chóng khôi phục kinh tế sau dịch.
Hai là, điều hành đồng bộ, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt là công cụ nghiệp vụ thị trường mở nhằm tạo thanh khoản thuận lợi cho các TCTD; điều hành lãi suất ở mức thấp, qua đó tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng; linh hoạt điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng tạo điều kiện cho TCTD mở rộng cấp tín dụng cho người dân, doanh nghiệp phù hợp tình hình thực tế; điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng can thiệp để đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, ổn định thị trường.
Ba là, tích cực triển khai các nhiệm vụ và giải pháp của ngành Ngân hàng năm 2021 nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện các chính sách tín dụng, đặc biệt là Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Bốn là, khuyến khích các TCTD tăng cường tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay, chia sẻ tối đa với khách hàng vay vốn; đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ.
Năm là, có chính sách truyền thông, phổ biến các Chương trình hỗ trợ tín dụng đối với khách hàng là doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV để tiếp cận thông tin kịp thời của các chương trình hỗ trợ; tăng cường tín dụng như chia sẻ rủi ro và bảo lãnh để cung cấp cho doanh nghiệp nguồn vốn cần thiết nhằm triển khai nâng cấp công nghệ và phát triển sản phẩm mới.
Sáu là, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại luật và các văn bản hướng dẫn luật, trong đó có các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV.
4.2. Về phía các DNNVV
Một là, các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV cần thực hiện đúng các cam kết với TCTD; thực hiện minh bạch về thông tin tài chính và thông tin hoạt động, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả, phù hợp với thực tế tình hình dịch bệnh làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay.
Hai là, để hỗ trợ việc nâng cấp công nghệ và tìm kiếm phương thức mới về thu hút khách hàng, cần có thêm các hỗ trợ như dịch vụ phát triển kinh doanh, đào tạo người lao động và nhà quản lý, các chương trình viện trợ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với DNNVV - vốn ít có khả năng điều chỉnh để thích ứng với thay đổi.
Ba là, trong dài hạn, cần tập trung nỗ lực thích ứng và phục hồi với “trạng thái bình thường mới” thông qua: (i) Ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới; (ii) Tăng hiệu quả được hưởng từ các hỗ trợ của Chính phủ, NHNN và bộ, ngành liên quan.
1 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV; Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV .
2 Trước đó, NHNN đã ban hành Thông tư số 45/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 hướng dẫn các TCTD trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Thông tư số 05/2015/TT-NHNN ngày 04/5/2015 hướng dẫn các TCTD phối hợp với Quỹ Bảo lãnh tín dụng trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ cho DNNVV; Ban hành các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với các ngành, lĩnh vực, trong đó có đối tượng thụ hưởng là các DNNVV như Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 về Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ; Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ...
3 Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
4 BIDV triển khai các chương trình, gói tín dụng đối với các DNNVV như Gói tín dụng ngắn hạn tri ân các DNNVV là khách hàng VIP và phát triển quan hệ với các DNNVV là khách hàng mới có tiềm năng phát triển, Gói tín dụng ngắn hạn cạnh tranh dành cho DNNVV...; ACB triển khai các chương trình, gói tín dụng đối với các DNNVV như Chương trình ưu đãi "Vững bước thành công", Chương trình ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng DNNVV...; VPB cũng triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng như Chương trình cấp tín dụng dành cho khách hàng DNNVV không có tài sản bảo đảm, cấp tín dụng đối với doanh nghiệp có chủ là phụ nữ, chương trình ưu đãi xuất nhập khẩu...
Theo Tạp chí Ngân hàng.