18.11.2023 16:10

Chính sách tiền tệ góp phần quan trọng trong một thập kỷ kiểm soát lạm phát thành công

Ngày 17/11/2023, NHNN đã tổ chức Tọa đàm “Báo cáo kết quả điều tra kỳ vọng lạm phát Quý IV/2023 và kiến nghị giải pháp kiểm soát lạm phát trong thời gian tới”.Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc năm 2023 cũng là năm đầy thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà trên toàn thế giới. Di chứng của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị ở Châu Âu, Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp khiến cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại. Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới do IMF phát hành đầu tháng 10 vừa qua dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 chỉ ở mức 3% (giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm 2022), năm 2024 ở mức 2,9%. Đây là mức tăng trưởng thấp so với tốc độ tăng trưởng trung bình GDP toàn cầu giai đoạn 2000 - 2019 là 3,8%.

Toàn cảnh Tọa đàm

Là một nền kinh tế đang phát triển và có “độ mở” lớn, Phó Thống đốc cho biết, kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với những thử thách chưa từng có tiền lệ, từ những hệ lụy của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đến những hệ lụy của quá trình thặt chặt tiền tệ liên tục và quyết liệt của nhiều NHTW lớn trên thế giới. Có lẽ chưa bao giờ lãi suất ngắn hạn của đồng đôla Mỹ lại cao hơn lãi suất VND như trong năm 2023, tạo sức ép lớn lên tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng USD. Trong bối cảnh ấy, vừa phải giảm mạnh lãi suất VND nhằm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, vừa phải điều hành tỷ giá USD/VND linh hoạt, hài hòa trong tầm kiểm soát, vừa phải bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu lạm phát là những nhiệm vụ vô cùng khó khăn đặt ra cho Chính phủ và NHNN Việt Nam.

Đến thời điểm hiện nay, nếu kinh tế toàn cầu không xảy ra một cú sốc lớn trong tháng còn lại của năm, theo đánh giá của Phó Thống đốc có thể khẳng định rằng NHNN cùng các bộ, ngành đã góp phần tham mưu hiệu quả cho Chính phủ giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo nhiều dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay có thể không đạt kỳ vọng nhưng có thể tin tưởng rằng lạm phát năm 2023 sẽ nằm dưới mức mục tiêu, khoảng 4,5%, do Quốc hội đề ra. Và năm 2023 cũng là năm chứng kiến một thập kỷ Việt Nam kiểm soát lạm phát thành công.

Một thập kỷ kiểm soát lạm phát thành công là dấu ấn đáng ghi nhận nhưng lãnh đạo NHNN cũng cho rằng đó cũng là gánh nặng trên vai các cơ quan tham mưu hoạch định chính sách điều hành kinh tế vĩ mô cho Chính phủ trong thời gian tới. Đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn tiếp tục “neo” khá xa trên mức mục tiêu và quá trình tăng lãi suất có thể vẫn chưa dừng lại.

Để góp phần kiểm soát lạm phát thành công, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả trên cơ sở tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự báo kịp thời diễn biến kinh tế - tài chính trong nước và quốc tế.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại Tọa đàm

Theo chia sẻ của Phó Thống đốc, để có thêm thông tin phục vụ công tác điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, từ Quý I/2013, NHNN đã triển khai thí điểm điều tra kỳ vọng lạm phát đối với các tổ chức tín dụng; từ Quý IV/2018, NHNN thực hiện điều tra thí điểm kỳ vọng lạm phát đối với các chuyên gia kinh tế. Đến năm 2016, điều tra kỳ vọng lạm phát hàng tháng đối với các TCTD đã chính thức được đưa vào Danh mục điều tra thống kê của NHNN. “So với lịch sử điều tra kỳ vọng lạm phát đã trải qua nhiều thập kỷ của các cơ quan thống kê, các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới, có thể coi điều tra kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu với những hạn chế khó tránh khỏi”, lãnh đạo NHNN nhận xét.

Mặc dù vậy, kết quả thu được từ điều tra các tổ chức tín dụng với khoảng kỳ vọng lạm phát đến 1 năm tới cùng với kết quả điều tra thí điểm các chuyên gia kinh tế với khoảng kỳ vọng lạm phát đến 2 năm tới đã giúp NHNN nắm bắt kỳ vọng lạm phát một cách đầy đủ và toàn diện hơn từ các chủ thể khác nhau trong nền kinh tế. Đến nay, đo lường kỳ vọng lạm phát bằng phương pháp điều tra đã góp phần từng bước hình thành chuỗi biến số lạm phát kỳ vọng. Đây là một trong những “đầu vào” quan trọng được nhiều NHTW sử dụng trong quá trình hoạch định chính sách tiền tệ.

Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS Lê Xuân Nghĩa thảo luận tại Tọa đàm

Thực tiễn điều hành chính sách tiền tệ cho thấy, để kiểm soát lạm phát, bên cạnh sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, các NHTW ngày càng quan tâm hơn tới nắm bắt kỳ vọng lạm phát và “neo giữ” kỳ vọng lạm phát để từ đó kiểm soát lạm phát hiệu quả hơn. Mối quan hệ giữa kỳ vọng lạm phát với lạm phát còn được quan tâm hơn trong thời gian gần đây trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng mạnh sau đại dịch Covid-19.

Tại buổi Tọa đàm, ông Phạm Tuấn Anh – Phó trưởng phòng Thống kê kinh tế - Vụ Dự báo Thống kê chia sẻ thêm về kết quả kết quả điều tra kỳ vọng lạm phát Quý IV/2023 của các TCTD và của các chuyên gia kinh tế. Mục đích 2 cuộc điều tra của cơ quan này nhằm đo lường kỳ vọng lạm phát phục vụ cho công tác phân tích, dự báo diễn biến lạm phát. Bên cạnh đó, đo lường kỳ vọng về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như tăng trưởng, lãi suất cho vay, lợi suất TPCP, tỷ giá góp phần phục vụ cho công tác hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS Cấn Văn Lực chia sẻ các giải pháp kiểm soát lạm phát trong thời gian tới

Từ kết quả điều tra cũng như dựa trên diễn biến thực tế, đại diện cơ quan này cho rằng, mặc dù kiểm soát lạm phát là mục tiêu quan trọng nhất đối với hầu hết các NHTW nhưng áp lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế luôn đè nặng lên các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở bất cứ đâu và trong bất cứ thời gian nào. Nhất là đối với nên kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, hoạch định chính sách phức tạp hơn rất nhiều khi vừa phải ứng phó với những tác động bên ngoài vừa phải xử lý những vấn đề nội tại.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đồng tình đánh giá trong giai đoạn vừa qua NHNN điều hành chính sách tiền tệ rất thành công bất chấp những “cơn gió ngược”. Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV TS. Cấn Văn Lực chỉ ra 3 cơn gió ngược trong mấy năm vừa rồi là dịch bệnh Covid 19, Chiến sự Nga – Ukcrana và gần đây ở Trung Đông; khí hậu khắc nghiệt, bất thường… đã tác động tiêu cực đối với thế giới, và nền kinh tế mở như Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng.

Chung quan điểm, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, trong 10 năm vừa qua, điều hành chính sách tiền tệ ngày càng chuyên nghiệp, tập trung chủ yếu thực thi mục tiêu ổn định kinh tễ vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát. “Mặc dù trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ vẫn hỗ trợ chính sách khác nhưng dứt khoát không rời bỏ mục tiêu này. Đây là bài học quan trọng nhất giúp cho NHNN điều hành chính sách tiền tệ thành công dù chịu sức ép khá lớn từ bên trong lẫn bên ngoài trong thời gian vừa qua”, TS. Nghĩa đánh giá.

Từ thực tiễn trong thời gian qua, theo TS. Cấn Văn Lực cần rút ra những bài học kinh nghiệm để giúp cho việc kiểm soát cũng như giúp giảm kỳ vọng lạm phát đó là công tác quản lý giá hàng hóa thiết yếu và dịch vụ công như giá điện, lương thực – thực phẩm gần đây thêm lĩnh vực y tế, giáo dục là rất quan trọng; kiên định nhất quán tương đối và công tác truyền thông giúp giảm kỳ vọng lạm phát; sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ làm tăng tính hiệu quả chính sách kiểm soát lạm phát. Đặc biệt là phối hợp đồng bộ các chính sach kinh tế vĩ mô đồng đồng nhịp, đúng thời điểm, liều lượng… là nền tảng cho chính sách kiểm soát lạm phát. Chính sách tỷ giá tiếp tục linh hoạt theo diễn biến giá USD nhằm tăng khả năng chủ động trong điều hành lãi suất và cung tiền trong kiểm soát lạm phát.

Đó là các giải pháp ngắn hạn, còn về giải pháp trung, dài hạn, TS. Lực kiến nghị chính sách tiền tệ hướng tới khung khổ lạm phát mục tiêu; nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ; nghiên cứu xây dựng và theo dõi đồng thời một số chỉ tiêu về lạm phát để nhận biết đúng và đủ tình hình…

Theo Thời báo Ngân hàng.

Các tin liên quan