Cần sớm xây dựng các công cụ cảnh báo khu vực tài chính, để góp phần thúc đẩy thị trường tài chính cũng như nền kinh tế phát triển bền vững.
Phát triển nhưng chưa cân đối
Trao đổi tại Hội thảo “Cảnh báo sớm rủi ro thị trường tài chính” do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (GSTCQG) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức cuối tuần qua, ông Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban GSTCQG nhận định, những năm qua, thị trường tài chính Việt Nam đã có nhiều phát triển mới. Tuy nhiên, cấu trúc thị trường chưa ổn định, vốn vẫn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có bước phát triển nhưng chưa được như kỳ vọng. Còn hệ thống hành lang pháp lý nhất là cho những mô hình kinh doanh mới, như tập đoàn tài chính, vận hành quản lý tài chính… cũng chưa đầy đủ.
Phân tích cụ thể hơn về thực trạng thị trường tài chính Việt Nam giai đoạn 2016-2021, ông Dương Hồng Hà - Phó Trưởng ban, Ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban GSTCQG thông tin, số liệu thống kê cho thấy quy mô thị trường vốn tăng gấp 3,6 lần tương đương 132% GDP vào cuối năm 2021, dần cân bằng với quy mô tín dụng ngân hàng, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và vốn hoá thị trường cổ phiếu tăng mạnh. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2022, quy mô thị trường vốn giảm do các biến động bất lợi.
Cần sớm xây dựng các công cụ cảnh báo khu vực tài chính, để góp phần thúc đẩy thị trường tài chính cũng như nền kinh tế phát triển bền vững.
Tổng tài sản hệ thống các định chế tài chính xấp xỉ 18,3 triệu tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9/2022. Các TCTD vẫn chiếm tỷ trọng chủ đạo 93,5% tổng tài sản hệ thống các định chế tài chính. Tuy nhiên hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống TCTD; chưa kể nợ xấu và tài sản xấu còn tồn đọng tại một số TCTD trong giai đoạn tái cơ cấu trước, một số NHTM tái cơ cấu chưa thành công...
Với lĩnh vực chứng khoán, cấu trúc thị trường vẫn mất cân đối; việc nâng hạng thị trường chứng khoán mới nổi chậm nên giảm sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài; định mức tín nhiệm trong phát hành chứng khoán chưa phổ biến; mức độ biến động của chỉ số chứng khoán lớn, số lượng công ty chứng khoán còn lớn so với quy mô thị trường…
Đối với lĩnh vực bảo hiểm, quy mô, mức độ thâm nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam còn thấp, chi phí doanh nghiệp bảo hiểm trả cho kênh phân phối lớn, làm tăng chi phí của người tham gia bảo hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bảo hiểm được cung cấp.
Ngoài ra, theo ông Hà, hiện tại mối quan hệ liên thông trên thị trường tài chính tiềm ẩn rủi ro tập trung và rủi ro lan truyền. Cụ thể đang có sự hình thành các tập đoàn tài chính hoạt động trên cả ba lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Trong đó, công ty mẹ đóng vai trò là công ty sở hữu vốn; xu hướng mua lại, thâu tóm các định chế tài chính bởi các doanh nghiệp đa ngành, doanh nghiệp bất động sản hoặc các định chế tài chính khác.
Một vấn đề khác là các nhóm doanh nghiệp có mối quan hệ liên quan, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn; sử dụng tài sản hình thành trong tương lai, bất động sản, cổ phiếu làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại TCTD…
Hướng tới nền tài chính lành mạnh, bền vững
Ông Cho Han Deog - Giám đốc Quốc gia KOICA tại Việt Nam cho rằng, việc phải duy trì một hệ thống tài chính ổn định trong tiến trình phát triển kinh tế quốc gia là vô cùng quan trọng. Thị trường tài chính đang tiềm ẩn nhiều bất ổn bởi các yếu tố như: tác động từ đại dịch Covid-19 hoành hành, căng thẳng Nga - Ukraine và căng thẳng địa chính trị trên thế giới, lạm phát cao… Chính vì vậy, cần có những cảnh báo sớm về rủi ro tài chính có thể xảy ra trong bối cảnh mới, nhất là đối với Việt Nam - một thị trường tài chính đang phát triển nhanh.
Thực tế, một số lĩnh vực, nhất là ngân hàng đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc cảnh báo sớm các rủi ro có thể xảy ra trên thị trường tài chính và có những bước đi phù hợp. Ông Lê Trung Kiên - Phó Cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các TCTD, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đã yêu cầu các ngân hàng phải kiểm tra “sức chịu đựng” cho nhiều mục đích khác nhau như: tình trạng sụt giảm tính thanh khoản của những tài sản chất lượng thấp; mức độ đáp ứng về vốn có tính đến các bối cảnh kinh tế có thể xảy ra trong tương lai; đánh giá mức độ tập trung rủi ro tín dụng...
NHNN đã ban hành Thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định chi tiết về kiểm tra sức chịu đựng mà các tổ chức này phải thực hiện. Hay trong Thông tư số 08/2022/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng có nêu đối với nhóm các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống, thực hiện kiểm tra sức chịu đựng theo định kỳ 6 tháng…
Ông Kiên cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ ban hành Sổ tay giám sát ngân hàng (thay thế Sổ tay giám sát ngân hàng 2017), trong đó có hướng dẫn về việc thực hiện kiểm tra sức chịu đựng đối với hệ thống các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện mô hình kiểm tra sức chịu đựng tại NHNN; xây dựng các kịch bản kiểm tra sức chịu đựng tại NHNN; xây dựng báo cáo giám sát an toàn vĩ mô đối với hệ thống các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có nội dung về kiểm tra sức chịu đựng theo quy định Thông tư 08/2022/TT-NHNN.
Một lĩnh vực hoạt động khá mạnh và góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam đó là các tập đoàn tài chính. Tuy nhiên, ông Vũ Thanh Xuyên - Trưởng ban Ban Giám sát các tập đoàn tài chính, Ủy ban GSTCQG cũng đưa ra cảnh báo, tập đoàn tài chính chưa được công nhận về mặt pháp lý nên sự phát triển đối tượng này không được giám sát chặt chẽ theo luật định và phù hợp với thông lệ quốc tế thì có thể dẫn đến những hậu quả không thể lường trước với sự an toàn của hệ thống tài chính và cả nền kinh tế.
Vì vậy, theo ông Xuyên, tới đây cần một quy định pháp lý chính thức về tập đoàn tài chính để quản lý, giám sát nhất là khi tập đoàn tài chính có xu hướng ngày càng đa dạng về hình thức sở hữu. Việc có khung pháp lý rõ ràng, cụ thể vừa phát huy tối đa mặt ưu việt tạo ra động lực lớn về nguồn lực tài chính của tập đoàn tài chính, vừa hạn chế rủi ro thấp nhất đến từ mô hình này như vấn đề về sở hữu chi phối, rủi ro lan truyền, rủi ro tập trung.
Theo Thời báo Ngân hàng
12.11.2024