Đây là ý kiến của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tại cuộc gặp mặt cán bộ, nhân viên, người lao động Co-opBank đầu năm 2024 mới đây. Tại cuộc gặp mặt này, đồng chí Vương Đình Huệ cho biết: “Quốc hội và cá nhân ủng hộ việc cần tăng vốn cho Co-opBank vì sự nghiệp tam nông và kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng thời, đề nghị đơn vị chủ quản là NHNN Việt Nam nghiên cứu phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính, phát triển về quy mô, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đáp ứng nhu cầu phát triển của Co-opBank và hệ thống QTDND trong giai đoạn tới”.
Chủ trương lớn phát triển kinh tế tập thể, HTX
Phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được xác định nhất quán và xuyên suốt tại các nghị quyết Đại hội Đảng. Ngoài việc đóng góp cho nền kinh tế, kinh tế tập thể có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giúp hoàn thành các mục tiêu về phát triển bền vững.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, mặc dù đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng sự phát triển của khu vực KTTT, HTX vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, trong thời gian tới, phát triển kinh tế tập thể phải được quan tâm, củng cố, phát triển để thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong gần 30 năm hoạt động, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) tiền thân là Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, hoạt động theo mô hình TCTD là HTX, mặc dù với quy mô, năng lực tài chính còn hạn chế, không theo kịp tốc độ tăng trưởng của hệ thống QTDND nhưng Co-opBank luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ chính trị; tích cực hỗ trợ cho hoạt động của hệ thống phát triển an toàn, ổn định, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ về việc xây dựng mô hình TCTD là HTX ở Việt Nam nhằm mục đích cốt lõi là tương trợ giữa các thành viên thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống, góp phần thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng Ban lãnh đạo Co-opBank tại Trụ sở chính Co-opBank
Co-opBank - ngân hàng của tất cả các QTDND
Với vai trò là “Ngân hàng của tất cả các QTDND”, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, bảo đảm an toàn, hỗ trợ hoạt động của các QTDND thông qua việc hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn và thực hiện các hoạt động ngân hàng đối với thành viên là các QTDND, các QTDND là thành viên chính của Co-opBank, do đó sự phát triển ổn định, bền vững của từng QTDND là nền tảng để xây dựng Co-opBank vững mạnh. Co-opBank và các QTDND thành viên là các tổ chức tín dụng độc lập có cơ cấu tổ chức, đối tượng khách hàng khác nhau nhưng đều hoạt động vì mục tiêu tương trợ, xóa đói giảm nghèo, ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Co-opBank được NHNN giao cho nhiệm vụ đầu mối liên kết hệ thống, thực hiện nhiệm vụ điều hòa vốn, chăm sóc, kiểm tra, kiểm soát, hỗ trợ thông tin, đào tạo… cho gần 1.200 QTDND hoạt động trên địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố với gần 1,7 triệu thành viên, chủ yếu là địa bàn nông nghiệp, nông thôn, trong đó nhiều thành viên vay vốn thuộc diện nghèo tại các xã vùng sâu, vùng xa đối tượng khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng khác. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này Co-opBank không ngừng nâng cao năng lực vốn, con người, công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ phù hợp cho QTDND hướng tới phục vụ nhu cầu thành viên.
Ngoài nhiệm vụ chính là chăm sóc, điều hòa vốn cho hệ thống QTDND, Co-opBank cũng thực hiện các dịch vụ ngân hàng như các ngân hàng thương mại: huy động vốn, cấp tín dụng, ngân hàng số… cho các khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân.
Co-opBank luôn chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành, tích cực triển khai cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, nỗ lực phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tỷ lệ nợ xấu luôn được duy trì ở mức thấp (tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 0,68%).
Co-opBank cũng đã tập trung đầu tư phát triển công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và đa dạng hóa các dịch vụ thanh toán hiện đại. Quá trình chuyển đổi số tại Co-opBank góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ, của NHNN về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Giải thưởng của Hội đồng Quỹ tín dụng thế giới (WOCCU) về triển khai các giải pháp số thúc đẩy tài chính toàn diện, một “Hệ sinh thái Kỹ thuật số” là một minh chứng cho sự chuyển mình của Co-opBank trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, Luật Hợp tác xã năm 2023, Luật Các TCTD (sửa đổi) năm 2024 đã tạo nên hành lang pháp lý chặt chẽ hơn cho hoạt động của Co-opBank đối với các QTDND. Đặc biệt là Luật Các TCTD năm 2024 với các quy định riêng về Tổ chức tín dụng là HTX cũng sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để tạo tiền đề vững chắc cho việc triển khai các hoạt động, chức trách nhiệm vụ ngân hàng đầu mối liên kết hệ thống QTDND, cung ứng tín dụng cho nền kinh tế góp phần phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn tới.
Cần nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu của các QTDND
Hiện tại, năng lực tài chính của Co-opBank còn rất hạn chế với mức vốn điều lệ hiện thấp nhất trong hệ thống ngân hàng là 3.029 tỷ đồng và chỉ bằng 1/2 vốn điều lệ của hệ thống QTDND. Trong khi đó, Co-opBank được giao thêm những nhiệm vụ, trọng trách liên quan đến hỗ trợ, tái cơ cấu hoạt động QTDND (ngoài nhiệm vụ đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả qua công tác điều hòa vốn, hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ ngân hàng, công nghệ thông tin) như: tham gia xử lý các QTDND yếu kém, tham gia điều hành các QTDND được kiểm soát đặc biệt; thực hiện giám sát hoạt động từ xa... Đó là những chi phí lớn, thường xuyên và không sinh lời. Nếu nguồn lực tài chính của Co-opBank không đủ mạnh thì không thực hiện được những nhiệm vụ này.
Ngoài ra, Co-opBank cần nguồn lực thực hiện đầu tư công nghệ, nâng cấp các dịch vụ ngân hàng hiện có và phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại nhằm đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển công nghệ 4.0, trên cơ sở đó thực hiện tốt vai trò trung tâm thanh toán, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại đáp ứng nhu cầu của QTDND thành viên. Co-opBank cần có nguồn lực tài chính để thực hiện đầu tư, nâng cấp, đổi mới hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu của các QTDND, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, mở rộng mạng lưới, đào tạo người lao động có chất lượng để đáp ứng yêu cầu hoạt động, nâng cao thương hiệu hình ảnh của Co-opBank.
Do đó, Co-opBank rất cần được bổ sung tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng để phát triển quy mô, xây dựng Co-opBank thành ngân hàng của hệ thống QTDND, là trụ đỡ cho hệ thống QTDND phát triển, là công cụ hữu hiệu của NHNN trong giám sát hoạt động an toàn, ổn định, phát triển bền vững, góp phần ổn định thị trường tài chính tiền tệ trên địa bàn nông nghiệp nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo định hướng, chính sách của Đảng, Chính phủ, phát triển kinh tế đất nước, thực hiện tốt mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia.
Xác định nâng cao năng lực tài chính của Co-opBank là yêu cầu quan trọng, cấp thiết nhằm thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ đối với hệ thống QTDND và đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Co-opBank đã đề xuất được cấp bổ sung vốn điều lệ, hoàn thiện phương án trình Thống đốc NHNN xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian tới, Co-opBank tiếp tục bám sát và theo đúng các ý kiến của NHNN để triển khai các công việc tiếp theo.
Theo Thời báo Ngân hàng.