13.02.2023 10:40

Cải cách hành chính: Tạo động lực đổi mới phát triển kinh tế

Mục tiêu xây dựng cơ quan hành chính có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân tiếp tục được NHNN triển khai tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng.

Từ ngày 1/1/2023, cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được tinh gọn còn 25 đơn vị, trong đó 20 đơn vị hành chính giúp Thống đốc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng Ngân hàng Trung ương. Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của NHNN trên con đường xây dựng một cơ quan hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân theo tinh thần Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 (Nghị quyết 76/NQ-CP).

Xây dựng NHNN hiện đại, tinh gọn, hiệu quả

CCHC là quá trình chuyển đổi, không chỉ gồm một vài cải tiến cục bộ, mang tính kỹ thuật mà thường liên quan đến những vấn đề cơ bản của hệ thống thể chế, tổ chức bộ máy và quản lý nguồn nhân lực của nền hành chính... CCHC vừa có tính cấp bách vừa có tính phức tạp, lâu dài nên phải triển khai thường xuyên, liên tục. Có thể mục tiêu cơ bản không thay đổi nhưng cách thức CCHC phải linh hoạt theo sự biến đổi của tình thế. Đây cũng là tinh thần CCHC của NHNN trong những năm qua, đặc biệt năm 2022 khi bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ.

Các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng

Trước tình thế đó, NHNN tiếp tục đặt trọng tâm hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật góp phần củng cố hành lang pháp lý để điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả; khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các khu vực sản xuất kinh doanh; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và từng bước áp dụng chuẩn mực quốc tế. Trong đó có thể kể đến việc NHNN trình Quốc hội thông qua Luật số 14/2022/QH15 về Phòng, chống rửa tiền vào ngày 15/11/2022; Đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 và luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu; Ban hành/trình cấp có thẩm quyền ban hành 03 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 19 Thông tư liên quan đến chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và công tác thanh tra, giám sát ngân hàng...; Đã và đang từng bước nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật NHNN, Luật Bảo hiểm tiền gửi để trình Quốc hội vào những năm tiếp theo.

Bộ máy tổ chức tiếp tục được sắp xếp tinh gọn, năng động, cởi mở, hiệu quả, nhạy bén với yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Bên cạnh việc hoàn thành phương án sắp xếp cơ cấu tổ chức của NHNN theo Nghị định 102/2022/NĐ-CP, NHNN đã ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành ngân hàng; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Thông tư về vị trí việc làm, Quy chế quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý tại các doanh nghiệp do NHNN quản lý.

Đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được củng cố nâng cao chất lượng thông qua Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc NHNN. Năm 2022, NHNN đã triển khai 79 khóa bồi dưỡng cho 4.807 lượt cán bộ; cử 1.219 lượt cán bộ tham gia các khóa bồi dưỡng do các cơ sở đào tạo trong nước tổ chức; cử 612 lượt cán bộ tham gia các khóa bồi dưỡng/hội thảo do các tổ chức quốc tế tổ chức. Đồng thời, NHNN tiếp tục thu hút, khai thác sử dụng hỗ trợ của các đối tác quốc tế cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đặc biệt là các nội dung chuyên môn, nghiệp vụ mới.

Đặt doanh nghiệp, người dân vào trung tâm cải cách

Mục tiêu xây dựng cơ quan hành chính có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân tiếp tục được NHNN triển khai tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng. Trong năm 2022, NHNN ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ tại NHNN Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025, với mục đích công bố công khai toàn bộ các TTHC nội bộ, đồng thời cắt giảm, đơn giản hóa 20% trên tổng số thủ tục nội bộ đã công khai. Hiện nay, Văn phòng đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị thuộc NHNN rà soát, để công bố công khai toàn bộ TTHC nội bộ trong quý I/2023. NHNN đã triển khai bộ nhận diện thương hiệu tại tất cả Bộ phận một cửa thuộc NHNN; Tổ chức số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa... Đồng thời, tổ chức nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trong năm 2022, NHNN xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN năm 2022, trong đó sẽ đơn giản hóa 6 quy định thuộc 4 nhóm ngành nghề kinh doanh; đề xuất phân cấp 20 TTHC. NHNN đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành 01 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 05 Thông tư để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 13/27 quy định về hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của NHNN; tiếp tục hoàn thiện để ban hành 02 Thông tư trong đó thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 14 quy định về hoạt động kinh doanh.

NHNN đã chủ động phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành 01 Nghị định và ban hành 08 thông tư sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa 30 TTHC, tạo thuận lợi cho người dân.

Đặc biệt, việc NHNN ban hành và tổ chức thực hiện nhiều Kế hoạch, Đề án, Chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng đã hình thành hệ sinh thái số và thanh toán số của hệ thống ngân hàng kết nối với dịch vụ ở các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân. Theo báo cáo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, NHNN được xếp vị trí thứ 1 về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin mạng, thứ 2 về chỉ số thể chế số và xếp thứ 4 về chỉ số hoạt động chuyển đổi số. Đây là nền tảng để hệ thống các TCTD ứng dụng các công nghệ hiện đại, an toàn, tiện lợi. Nhiều nghiệp vụ đã được số hóa 100%; nhiều ngân hàng đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số.

Kết quả điều tra sự hài lòng của tổ chức đối với sự phục vụ của các đơn vị thuộc NHNN trong việc giải quyết TTHC (SIPAS) năm 2022 từ 334 TCTD/chi nhánh TCTD trên địa bàn cả nước cho thấy, chỉ số SIPAS của NHNN năm 2022 đạt 98,10% tăng hơn so với năm 2021 (năm 2021 97,63%). Trong đó, các chỉ số thành phần: Tiếp cận dịch vụ đạt 96,52%; Về nội dung, quy định TTHC đạt 98,45%; Về thái độ công chức giải quyết TTHC đạt 98,76%; Về kết quả cung ứng dịch vụ công đạt 99,97%; Về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị đạt 99,07%.

Tiếp nối việc triển khai Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 và tinh thần Nghị quyết số 131/NQ-CP, Chính phủ xác định cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, trong năm 2023, NHNN đã ban hành Kế hoạch CCHC năm 2023. Trong đó, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Thủ trưởng Hành chính cơ quan NHTW đặt trọng tâm cải cách mạnh mẽ quy định, TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng thuận lợi, lành mạnh. Đồng thời, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, ứng dụng hiệu quả công nghệ số, tạo đột phá trong CCHC.

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan