Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2025, trả lời câu hỏi của báo chí về chỉ đạo và triển khai các biện pháp của NHNN nhất là trong giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, đây là trách nhiệm rất lớn và NHNN sẽ chủ động điều hành các công cụ để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có thanh khoản, có nguồn vốn mà không phải tăng vốn huy động.
Theo Phó Thống đốc, mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, nếu có cơ hội thì tăng trưởng hai chữ số ngay từ năm nay để tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo, là một trong những nhiệm vụ tất cả các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương vào cuộc rất tích cực.
Về phía ngành Ngân hàng, đây là trách nhiệm rất lớn trong việc tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư. Muốn tăng trưởng thì phải mở rộng đầu tư, muốn mở rộng đầu tư có 2 vấn đề: Một là phải có nguồn vốn đầu tư; hai là tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Vốn đầu tư tăng lên có nhiều nguồn: Nguồn ngân sách, vốn xã hội đầu tư tư nhân, vốn đầu tư thông qua hệ thống các ngân hàng, vốn nước ngoài...
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú thông tin về những biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
"Riêng về ngành Ngân hàng, để có hỗ trợ tăng trưởng kinh tế 8%, chúng tôi đặt mức tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 16%, như vậy thì ít nhất dư nợ tăng thêm cuối năm 2025 phải khoảng 2,5 triệu tỷ. Nếu như mức tăng trưởng kinh tế cao hơn 8% thì với mức độ, tỷ lệ cơ cấu vốn đầu tư hiện nay, giữa vốn ngân hàng với các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển kinh tế thì phải tăng thêm trên 2,5 triệu tỷ đồng", Phó Thống đốc thông tin.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã xác định trách nhiệm trong đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Để có được nguồn vốn tăng trưởng cuối năm như thế, trong năm phải làm sao để dòng vốn quay nhanh hơn, khai thông được các nguồn vốn đang khó khăn, ách tắc. Ngành Ngân hàng đã, đang phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ những giải pháp khơi thông nguồn vốn đang nằm đọng tại các dự án.
Về lãi suất, muốn mở rộng đầu tư thì phải hạ lãi suất. Có thể nói riêng năm 2024, so với cuối năm 2023, lãi suất giảm bình quân khoảng 1,1%. Thậm chí những ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường đã giảm lãi suất khoảng 1,6% so với đầu năm 2024; bình quân bốn ngân hàng thương mại nhà nước đã hạ được 1,4%. Năm 2025, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, cũng như của ngành Ngân hàng với các tổ chức tín dụng là phải theo hướng ổn định, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, trên cơ sở tích cực tiết giảm chi phí của các ngân hàng thương mại.
Vừa qua, tranh thủ giai đoạn đầu năm sau Tết Âm lịch, số lượng người gửi tiền vào sẽ nhiều, một số ngân hàng tăng mức lãi suất huy động một số kỳ hạn. Tuy nhiên, mục tiêu, quan điểm lúc này là phải tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho người vay vốn ở mức lãi suất tích cực. Chúng tôi cho rằng chỉ đạo của Thủ tướng rất quyết liệt và kịp thời. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng rất rõ ràng, rất phù hợp trong điều kiện đang cần giảm lãi suất. Muốn giảm lãi suất cho vay thì phải giảm lãi suất huy động. Chủ trương giảm mặt bằng lãi suất là sự chia sẻ giữa người gửi tiền - ngân hàng - doanh nghiệp để tạo điều kiện mở rộng đầu tư, huy động vốn, cho vay vốn và sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả, quay vòng nhanh, hỗ trợ tăng trưởng GDP năm nay trên 8%.
Sau chỉ đạo của NHNN các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm ngay lãi suất huy động. Theo thống kê của NHNN, đã có 12 ngân hàng thương mại giảm lãi suất, có những ngân hàng giảm rất sâu. Tính bình quân, lãi suất đầu vào huy động có ngân hàng giảm đến 0,7%. Về cho vay, nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng rất phù hợp với nhu cầu lúc này, nhất là cho vay tiêu dùng, cho vay nhà ở xã hội đối với người nghèo, người thu nhập thấp...
“Trong thời gian tới, NHNN sẽ giám sát chặt về lãi suất để đảm bảo làm sao vừa tạo sự chủ động cho ngân hàng thương mại, vừa chia sẻ với doanh nghiệp bằng giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay tất cả các kỳ hạn. NHNN sẽ chủ động điều hành các công cụ để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có thanh khoản, có nguồn vốn, không phải tăng vốn huy động. Đây cũng sẽ là một trong những công cụ NHNN chủ động điều hành từ nay đến cuối năm”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết.
Theo Thời báo Ngân hàng.