Chiều 12/3, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) phối hợp với Ngân hàng HTX Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa (CoopBank Thanh Hóa) tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Toàn cảnh hội nghị
Hiện trên địa bàn tỉnh có 67 QTDND được cấp phép hoạt động trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố với tổng nguồn vốn hoạt động đạt 8.684 tỷ đồng (không bao gồm 3 QTDND thuộc diện kiểm soát đặc biệt )... Trong đó, vốn điều lệ là 387,9 tỷ đồng, vốn huy động tiền gửi đạt 7.695,2 tỷ đồng... Tổng dư nợ là 6.264 tỷ đồng, bình quân mỗi quỹ dư nợ tín dụng đạt 97,88 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng của các quỹ cơ bản bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn cho phép, chiếm 0,4% tổng dư nợ cho vay.
Các đại biểu tham dự hội nghị Nhìn chung, công tác quản trị, điều hành và kiểm soát ở các QTDND thời gian qua đã được quan tâm, chú trọng. Bộ máy nhân sự chủ chốt của các QTDND về cơ bản đã được rà soát, thay thế, luân chuyển theo hướng tích cực, trẻ hóa và đáp ứng theo quy định về tiêu chuẩn điều kiện nhằm đảm bảo cho QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả. Hoạt động của các QTDND đã đáp ứng được mục tiêu cơ bản là tương trợ thành viên, phát triển cộng đồng, đồng thời bù đắp được chi phí, bảo toàn được vốn và có tích lũy để phát triển. Nhờ đó, quyền lợi của thành viên được bảo đảm, các QTDND có điều kiện tích lũy để mở rộng, phát triển bền vững.
Ông Tống Văn Ánh - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. Để nâng cao chất lượng hoạt động của QTDND trên địa bàn, NHNN Thanh Hóa thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền địa phương chỉ đạo các QTDND kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và thanh khoản. Chấp hành chính sách lãi suất, duy trì tỷ lệ an toàn theo quy định. Thường xuyên tuyên truyền để duy trì tốt nguồn vốn huy động tại chỗ, đáp ứng nhu cầu vay của thành viên.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Tổng Thư ký Hiệp hội QTDND Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Đồng thời, tăng cường trao đổi, thống nhất, công khai, minh bạch, đúng quy định. Chấp hành nghiêm các quy định của NHNN Việt Nam về hoạt động huy động vốn, chính sách tín dụng, lãi suất, quy trình cho vay, đối tượng và mức cho vay. Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, quản lý tài chính, hạch toán, kế toán và chế độ báo cáo theo quy định; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, phát huy tối đa lợi thế trong hoạt động của QTDND nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn và các dịch vụ tài chính cho thành viên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của hệ thống QTDND thời gian qua vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, như: Hoạt động quản trị, điều hành chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật; hoạt động kiểm soát chưa đúng quy định, không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ nên chưa ngăn chặn, cảnh báo rủi ro dẫn đến nhiều sai phạm không khắc phục được kịp thời
Hội nghị đã tập trung thảo luận và thống nhất một số nhiệm vụ cần thực hiện trong năm 2024, như: Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các QTDND gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tiếp tục chỉ đạo các QTDND thực hiện nghiêm túc các quy định chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và địa phương, đặc biệt là Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm an toàn, củng cố vững chắc hệ thống QTDND.
Bà Đỗ Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Co-opBank Chi nhánh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị Các QTDND phải chấp hành tốt việc thực hiện phương án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đúng nội dung và trình tự thời gian, chú trọng bảo đảm các tỷ lệ an toàn theo quy định. Thực hiện nghiêm các quy định của NHNN Việt Nam về trần lãi suất huy động cũng như trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động. Đồng thời, tăng cường công tác phát triển thành viên tại các địa bàn liền kề để tăng trưởng dư nợ cho vay.
Bên cạnh đó, phải chú trọng đến chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, nhất là cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay tiêu dùng, phục vụ đời sống, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.
QTDND phải chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay chia sẻ khó khăn với thành viên. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm công tác đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao, xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động...
Theo Báo Thanh Hóa.