Theo chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng nay (5/6), Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc nhấn mạnh, việc ban hành dự án Luật các TCTD sửa đổi là hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội; để sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật các TCTD và để luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động ngân hàng
Mục đích, quan điểm, xây dựng dự án Luật là để nhằm hoàn thiện các quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về TCTD; luật hóa tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD; tăng cường phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực quản trị, điều hành TCTD; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng; Để tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời có sự tham gia của các bộ, ngành để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; có quy định xử lý tình huống rút tiền hàng loạt và cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.
“Với mục đích, yêu cầu đó, Ban soạn thảo đã bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội để xây dựng dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động ngân hàng, phù hợp với nguyên tắc thị trường; đồng thời tham khảo kinh nghiệm, thông lệ quốc tế để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, trong đó có các quy định tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng”, Thống đốc phát biểu, đồng thời cho biết: Quá trình xây dựng dự án Luật được thực hiện theo đúng quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là đã tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi và tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến.
Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân
Trình bày các nội dung cụ thể, Thống đốc cho biết, Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) gồm 13 Chương, 195 Điều. Dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Các TCTD hiện hành và bổ sung việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; bổ sung đối tượng áp dụng là tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán xử lý nợ…
Về tổ chức, quản trị, điều hành của TCTD, Thống đốc cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành của các TCTD như bổ sung quy định xử lý việc khuyết người đại diện theo pháp luật, sửa đổi, bổ sung các quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ; làm rõ nội dung yêu cầu về kiểm toán độc lập; sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu của TCTD để thống nhất với pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp… Đối với TCTD là hợp tác xã, dự thảo Luật bổ sung quy định về trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ đối với người có liên quan của thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc, phó giám đốc; bổ sung yêu cầu về điều kiệ, tiêu chuẩn đối với người quản lý điều hành.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về người có liên quan, những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông để tăng tính đại chúng của TCTD cổ phần; bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người quản lý, người điều hành TCTD, quy định về trường hợp Ngân hàng Nhà nước đình chỉ, tạm đình chỉ một số chức danh quản trị, điều hành TCTD đối với người không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện đảm nhiệm chức vụ, vi phạm thực hiện các chỉ đạo của NHNN phù hợp theo quy định của pháp luật…
Liên quan đến hoạt động của TCTD, với mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cho vay tiêu dùng, cho vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống; tạo lập hành lang pháp lý cho việc cung ứng dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng, sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo đảm an toàn giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng...
Đối với các TCTD là hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô, để tạo cơ sở pháp lý giúp khách hàng của tổ chức tài chính vi mô, QTDND được tiếp cận với những dịch vụ có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt, dự thảo Luật bổ sung quy định về hoạt động làm đại lý cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng của QTDND và tổ chức tài chính vi mô; sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng hợp tác xã để nâng cao vai trò của ngân hàng hợp tác xã đối với hệ thống các QTDND.
Đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD
Để khắc phục hạn chế và đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, Thống đốc cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan; điều chỉnh giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD...
Đối với can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cơ cấu lại các TCTD, dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt; xây dựng mới quy trình, thẩm quyền thực hiện trong giai đoạn can thiệp sớm, cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của TCTD chưa đến mức nghiêm trọng.
Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, Dự thảo Luật luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42 như bán nợ xấu và tải sản bảo đảm; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liên với đất hình thành trong tương lai. Dự thảo Luật cũng luật hóa và sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu của TCTD, về điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để đảm bảo công khai chặt chẽ, bảo đảm quyền và lợi ích các bên...
Ngoài ra dự thảo Luật bổ sung quy định rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, và các bộ, ngành liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của TCTD, trong đó làm rõ phạm vi quản lý nhà nước của các bộ ngành khi có sự giao thoa giữa các lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm...
Tại giai đoạn can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, TCTD, chủ sở hữu, cổ đông của TCTD phải tăng vốn, tăng tài sản có tính thanh khoản cao, bán, chuyển nhượng tài sản và thực hiện các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý; tăng cường quản trị rủi ro; tổ chức lại bộ máy quản trị, điều hành… Đây là các biện pháp xử lý gắn liền với trách nhiệm của cổ đông, người quản lý, người điều hành của TCTD.
Dự thảo Luật cũng bổ sung các biện pháp hỗ trợ từ huy động nguồn lực của TCTD khác, từ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam để giảm áp lực, chi phí cho cơ quan quản lý trong quá trình xử lý TCTD yếu kém, nâng cao trách nhiệm của các TCTD đối với an toàn hệ thống. Các quy định về cho vay đặc biệt, kiểm soát đặc biệt cũng được sửa đổi trên cơ sở khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn thời gian qua.
Theo Thời báo Ngân hàng
12.11.2024