29.08.2022 09:34

Bàn giải pháp đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất

Cuối tuần qua, NHNN Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phố biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất (HTLS) từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (Nghị định 31).

Như vậy, kể từ khi Nghị định 31 được ban hành, đây là lần thứ ba NHNN tổ chức hội nghị quy mô toàn quốc để phổ biến quy định chính sách cũng như bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc, cho thấy sự quyết liệt khẩn trương, thể hiện quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc triển khai thực hiện chính sách lớn này một cách hiệu quả nhất.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Còn nhiều vướng mắc

Theo báo cáo của NHNN, qua 3 tháng triển khai, các NHTM đã vào cuộc rất tích cực như khẩn trương ban hành quy định nội bộ; tổ chức tập huấn toàn hệ thống tới từng chi nhánh, phòng giao dịch; rà soát đối tượng thuộc các ngành, lĩnh vực được HTLS; chủ động thông tin, tuyên truyền…

Tuy nhiên kết quả triển khai đến nay vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Báo cáo nhanh từ các NHTM cho thấy, đến nay doanh số cho vay HTLS đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được HTLS đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền HTLS cho khách hàng khoảng 13,5 tỷ đồng. Tại hội nghị, các ngân hàng cũng chia sẻ những khó khăn trong việc xác định điều kiện, đối tượng thụ hưởng gói HTLS, dẫn tới việc hỗ trợ chưa đạt như kỳ vọng.

Ông Phạm Toàn Vượng - Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, hiện đa số khách hàng của Agribank hoạt động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn là khách hàng cá nhân, chiếm 96%/tổng số lượng khách hàng. Để tạo điều kiện, đơn giản hóa thủ tục đối với khách hàng cá nhân vay vốn để thanh toán các chi phí hoạt động kinh doanh, Agribank có cơ chế cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ tối đa không quá 300 triệu đồng/khách hàng, thời hạn duy trì hạn mức tối đa 03 năm kể từ ngày ký kết. Do đó, nhiều hợp đồng tín dụng đã ký kết với khách hàng trước thời điểm 01/01/2022 không đủ điều kiện để được hỗ trợ. Mặt khác, đối tượng khách hàng hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và khách hàng cá nhân vay vốn dưới 300 triệu đồng có ngành nghề được HTLS theo Nghị định 31 tại Agribank chiếm khoảng 40%-50%/dư nợ khách hàng cá nhân không được hỗ trợ theo quy định. Vì vậy, số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được HTLS còn hạn chế.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đang gặp nhiều vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Điều này phần nào gây khó khăn, e ngại cho ngân hàng và khách hàng khi chứng minh mục đích sử dụng vốn với cơ quan thanh tra, kiểm toán.
Một doanh nghiệp có thể kinh doanh trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khiến ngân hàng khó phân loại đối tượng được hỗ trợ lãi suất
Trong khi ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank phản ánh, đối tượng khách hàng được hỗ trợ giới hạn ở một số ngành, có đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, theo tinh thần của Luật Dân sự, ngành Ngân hàng có Thông tư 39 quy định pháp nhân và cá nhân vay vốn chứ không có hộ kinh doanh. Tuy nhiên trong Nghị định 31 lại quy định về hộ kinh doanh, khiến ngân hàng rất khó trong việc phân loại cá nhân và hộ kinh doanh. Mặc dù đối tượng khách hàng này khá đông và có nhu cầu hỗ trợ nhưng ngân hàng cũng không dám linh động để giải quyết vì sau này quá trình kiểm tra, kiểm toán ngân hàng có thể bị thu hồi số tiền đã hỗ trợ, khó để thu lại từ khách hàng. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân loại lại các đối tượng trên để các ngân hàng mạnh dạn xem xét HTLS.

Còn theo ông Nguyễn Trần Mạnh Trung - Phó Tổng giám đốc VietinBank, nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề nên việc bóc tách cũng như chứng từ chứng minh vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được HTLS là rất khó. Bên cạnh đó, một trong những điều kiện để được HTLS theo Nghị định 31 là khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy nhiên, Nghị định 31 và Thông tư 03 chưa có hướng dẫn cụ thể về phương án khả năng phục hồi, dẫn đến mỗi ngân hàng áp dụng điều kiện khác nhau khiến khách hàng bối rối... “VietinBank cũng đã có riêng phụ lục nằm trong công văn hướng dẫn cụ thể một số quy trình. Nhưng qua trao đổi thực tế cho thấy, các tiêu chí do các NHTM đặt ra chưa thống nhất với nhau, có thể gây khó trong quá trình thanh tra, kiểm tra, gây e ngại về việc bị thu hồi số tiền đã HTLS, từ chối quyết toán…”, ông Trung chia sẻ thêm.

Phó Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng:

Nội dung hướng dẫn triển khai phải thống nhất

Để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%, đề nghị các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, cơ quan quản lý nhà nước thống nhất hướng dẫn các nội dung trong triển khai chương trình HTLS theo Nghị định 31. Đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ. Đối với các trường hợp khách hàng đã giải ngân và ký hợp đồng tín dụng từ 01/01/2022 đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và khi thống nhất về đối tượng và điều kiện áp dụng đã quá kỳ hạn trả lãi, đề nghị NHNN Việt Nam, các bộ ngành xem xét cho phép các TCTD thống kê và hạch toán bổ sung HTLS đối với các khách hàng này. Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan truyền thông tích cực vào cuộc, thông tin đầy đủ, rõ ràng chính sách và chủ trương của Chính phủ về chương trình HTLS 2%, tránh hiện tượng phản ánh không đúng khi thực tế khách hàng không đúng đối tượng, đủ điều kiện HTLS theo quy định.

Khách hàng không mặn mà… nhận hỗ trợ

Không chỉ ngân hàng, bản thân các DN cũng lo ngại thủ tục phức tạp, rườm rà; sau khi tham gia lại bị cơ quan thanh tra, kiểm toán vào làm việc, rất mất thời gian. Do vậy dù đủ điều kiện nhưng không ít DN đã từ chối tham gia chương trình HTLS. Chẳng hạn như tại TPBank, Tổng giám đốc Nguyễn Hưng cho biết, mặc dù ngân hàng đã tiếp cận gần 500 khách hàng thuộc đối tượng nhận hỗ trợ, nhưng tỷ lệ khách hàng đề nghị hỗ trợ rất thấp, chỉ có 30 khách hàng và tới thời điểm hiện tại, ngân hàng này mới chỉ hỗ trợ được 3 khách hàng.

Hay như tại MB, theo chia sẻ của bà Phạm Thị Trung Hà - Phó Tổng giám đốc, dù ngân hàng đã khẩn trương ban hành quy định nội bộ, tổ chức tập huấn toàn hệ thống tới từng chi nhánh, phòng giao dịch, nhưng, đến nay mới nhận được duy nhất một đề nghị từ phía khách hàng với tổng dư nợ 400 tỷ đồng, tương đương mức HTLS khoảng 2,5 tỷ đồng.

Lãnh đạo các ngân hàng cũng chia sẻ, đây là chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên cả khách hàng lẫn NHTM đều thận trọng. Ngân hàng phải đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả, nên mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán sau này. Sự thận trọng của các ngân hàng còn do một số chương trình HTLS từ ngân sách nhà nước trước đó họ tham gia, nhưng đến giờ vẫn chưa được quyết toán số tiền đã HTLS cho khách hàng.

Chia sẻ khó khăn vướng mắc mà các ngân hàng đang gặp phải, đại diện Thanh tra Chính phủ đề nghị NHNN và các bộ, ngành liên quan, khi triển khai chính sách có những cụm từ chưa rõ nghĩa hay chưa thống nhất thì cần làm rõ để tạo thuận lợi cho quá trình thanh tra, kiểm tra sau này.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách cần phải đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách khi mở rộng đối tượng, cân đối nguồn lực của nhà nước trong khi nguồn lực còn có hạn, quan trọng nhất là phải có số liệu thực tế phản ánh tính chính xác, phân tích đầy đủ. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với NHNN kiến nghị lên cấp có thẩm quyền. Về đánh giá một số tiêu chí mang tính định tính như "có khả năng trả nợ", "có khả năng phục hồi", Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với NHNN xem xét và có những hướng dẫn cụ thể.

Là cơ quan “hậu kiểm” chương trình HTLS, bà Hà Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, sẵn sàng tổng hợp đầy đủ ý kiến và sẽ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân để từ đó cùng NHNN đề xuất các giải pháp đối với các cấp có thẩm quyền.

Vụ Phó Vụ Tài chính – Ngân hàng (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương:

Đảm bảo đủ nguồn lực để triển khai

Trong quá trình triển khai các ngân hàng có vướng mắc hoặc chưa rõ, Bộ Tài chính sẵn sàng phối hợp và có những hướng dẫn cụ thể. Nguồn vốn thực hiện chương trình cơ bản đã được bố trí. Bộ Tài chính cam kết sẽ thực hiện cấp kinh phí theo đúng các quy định và kịp thời, đảm bảo cho các ngân hàng có nguồn lực để triển khai chương trình này.

Về khâu quyết toán cuối cùng, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có những giải đáp một cách thống nhất và rõ ràng. Nếu không thống nhất, mỗi người hiểu cách khác nhau, kiểm toán thực hiện và Bộ Tài chính là đơn vị kiểm tra cuối cùng để chi ngân sách cũng gặp khó khăn. Tôi đề nghị, ngay từ đầu chúng ta phải thực hiện rõ ràng, hồ sơ giấy tờ thủ tục đầy đủ để khi quyết toán chỉ cộng trừ con số thôi.

Theo Thời báo Ngân hàng.

Các tin liên quan