Với tính kỷ luật cao trong điều hành, chúng ta đã kiểm soát lạm phát rất tốt, giữ được vĩ mô ổn định. Trong điều kiện tốt thế này thì đừng sợ lạm phát, dù áp lực rất lớn. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cũng tạo cho cả nước một sự hứng khởi lớn.
Đó là hàm ý của PGS.TS.Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia khi trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.
Phải chớp đúng thời cơ
Một trong những nội dung rất được chú ý tại kỳ họp Quốc hội lần này là đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022. Dưới góc nhìn của mình, ông đánh giá thế nào về tình hình KT-XH hiện nay?
Năm 2021 quá khó khăn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh ở một số khu công nghiệp và địa bàn sản xuất trọng điểm, sản xuất đình trệ, giao thương đứt gãy... Sang năm nay, cũng có lúc dịch bệnh vẫn phức tạp, lại thêm các tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới suy giảm với cuộc xung đột Nga - Ukraine, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do chính sách phòng, chống dịch tại Trung Quốc... nhưng chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng.
Đóng góp quan trọng vào những kết quả ấy là chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược ngoại giao vắc xin, kịp chuyển hướng sang chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”. Nhờ đó chúng ta đã kịp mở cửa phục hồi kinh tế.
Nhưng bên cạnh đó cũng có những biểu hiện cho thấy sự quan ngại, cần phải cảnh báo. Khu vực nội địa còn yếu, các doanh nghiệp trong nước còn đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn…; Xu thế tụt hậu phát triển đang rõ nét hơn.
Như vậy nhìn lại năm qua và những tháng đầu năm nay không chỉ ở những kết quả đạt được, mà đây cũng là khoảng thời gian để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm, bài học quý và thấm thía.
Kinh nghiệm và bài học đó là những gì, thưa ông?
Đó là chúng ta đã có lúc lúng túng, lộ trình mở cửa chậm được ban hành. Và quan trọng là trong lúc không bình thường phải có hành động khác thường và tư duy phải khác đi. Đó là với một nền kinh tế mở, hội nhập sâu, rộng thì làm sao vẫn phải giữ được mạch liên thông với thế giới để trụ được, “sống” được, vẫn đảm bảo xuất nhập khẩu tốt, duy trì được dòng vốn FDI - đặc biệt như trong những tháng đầu năm nay - đây là bài học tốt.
Đó là các mạch nguồn, động lực của nền kinh tế là hàng hóa, là con người và vốn phải lưu thông được, không để cho đứt gãy. Ngay trong những lúc dịch căng thẳng, để duy trì sản xuất, để mở cửa với kinh tế thế giới, để hàng hóa của chúng ta vẫn lưu thông với thị trường thế giới, Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng, các thành viên Chính phủ đã tới tận các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp như tại Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ để củng cố niềm tin, giữ được các “lối thông” cho nền kinh tế...
Một điều quan trọng nữa là niềm tin. Đó là niềm tin của xã hội, niềm tin của người dân, niềm tin của thị trường khi nền kinh tế đã an toàn trở lại, tăng trưởng vẫn tốt, Chính phủ quyết đoán trong điều hành, quyết liệt trong hành động. Điều này có thể nhìn thấy rất rõ từ số doanh nghiệp trở lại hoạt động, số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đầu tư tăng lên trong thời gian qua.
Bài học còn là phải xác định thời cơ, chớp thời cơ đúng lúc, tránh để lỡ thời cơ. Các hỗ trợ chỉ phát huy được hiệu quả và ý nghĩa khi nó đến được đối tượng đúng lúc.
Tư duy về lạm phát và tăng trưởng phải khác đi
Hiện cũng có ý kiến quan ngại là năm nay khó giữ lạm phát ở mức 4% và tăng trưởng khó đạt 6%-6,5% như mục tiêu đặt ra. Vậy quan điểm của ông thế nào?
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2022, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động là 98,6 nghìn DN, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước.
Như tôi đã nói, lúc không bình thường phải có hành động khác thường. Tư duy về lạm phát và tăng trưởng cũng phải khác đi. Sáu, bảy năm qua với tính kỷ luật cao trong điều hành, chúng ta đã kiểm soát lạm phát rất tốt, giữ được vĩ mô ổn định. Trong điều kiện tốt thế này thì đừng sợ lạm phát dù áp lực lạm phát rất lớn.
Lạm phát bây giờ là do chi phí đẩy, do nhập khẩu nhiều trong khi giá thế giới tăng lên. Với lạm phát chi phí đẩy thì không thể dùng công cụ siết chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Bởi dù có thắt chặt tiền tệ hay không thì giá thế giới vẫn tăng. Trong lúc lạm phát cao chi phí nguyên vật liệu và đầu vào sản xuất tăng cao mà siết chặt tiền tệ thì doanh nghiệp Việt Nam gặp khó đầu tiên bởi chi phí đầu vào cao cũng là lúc doanh nghiệp cần thêm tiền, cần thêm nguồn trong bối cảnh kinh tế và nhu cầu đang phục hồi.
Theo tôi lạm phát năm nay có lên tới 6% cũng là bình thường. Cả thế giới đang chịu lạm phát quanh 10% mà ta cố giữ lạm phát thấp tức là ta tự làm ta bị lạnh, đóng băng đi. Lúc này bơm tiền cho chương trình phục hồi kinh tế (tức là để chương trình mở chứ không chỉ kéo dài trong 2 năm), giải ngân nhanh sẽ kích đúng tọa độ phục hồi, kích thích kinh tế phát triển.
Hiện nhiều đại biểu Quốc hội cũng lo ngại về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng và nóng ruột về tình hình thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, thưa ông?
Chính phủ xác định việc triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH là nhiệm vụ trọng tâm. Chương trình này được kỳ vọng góp phần tăng trưởng GDP tích cực hơn trong năm nay và 2023, qua đó thực sự giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Nhưng để chương trình này đạt được như kỳ vọng thì cần cả quy mô và tốc độ. Nền kinh tế đang cần năng lực, nguồn lực để tận dụng cơ hội phục hồi, từ đó đứng dậy, phát triển. Với quy mô của chương trình 350.000 tỷ đồng chưa thực sự lớn khi mà nhiều nước dành tới 15% GDP chỉ để kích thích phục hồi, thậm chí chúng ta đặt kỳ vọng không chỉ phục hồi mà còn phát triển. Trong khi đó tốc độ thực hiện cũng đã chậm hơn lúc đầu dự kiến. Ở đây có câu chuyện chậm do tâm lý sợ sai trong khi có những quy định mới, rủi ro cao. Nhưng bên cạnh đó cũng còn do vẫn có những ràng buộc từ cơ chế, chính sách. Phải xem ách tắc trong thực hiện ở đâu để nhanh chóng tháo gỡ. Đây là cơ hội để phá vỡ những rào cản cơ chế, rào cản trong thực thi và cả trong tâm lý.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thời báo Ngân hàng
12.11.2024