24.10.2008 14:56

Xây dựng hệ thống quỹ tín dụng nhân dân an toàn, hiệu quả

 
Một hoạt động giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương.
Là một tổ chức kinh tế hợp tác kiểu mới, được thành lập trên cơ sở tự nguyện góp vốn của các hộ nông dân, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên cả nước đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy của bà con nông dân, nhất là đối với những hộ nông dân nghèo không có tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng.

Ðịa chỉ tin cậy của nông dân

Ðến nay, cả nước có 1.005 QTDND cơ sở, hoạt động trên địa bàn 55 tỉnh, thành phố, thu hút 1.252.150 thành viên tham gia.

Thành viên của quỹ là những hộ sản xuất nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ và buôn bán nhỏ ở nông thôn với bình quân một quỹ có 1.246 thành viên.

Tổng nguồn vốn hoạt động là 14.883 tỷ 567 triệu đồng , trong đó vốn điều lệ 712 tỷ 979 triệu đồng (chiếm 4,8%), nguồn vốn huy động tiền gửi 10.403 tỷ đồng (chiếm 69,9 %), nguồn vốn đi vay là 2.776 tỷ đồng (18,7%) và nguồn vốn khác là 990  tỷ đồng (6,6%). Nhiều tỉnh có số dư nguồn vốn hoạt động khá, như An Giang 1.129 tỷ đồng, bình quân 47 tỷ đồng/ quỹ; Thái Bình 755 tỷ, bình quân 9,2 tỷ đồng/ quỹ,...

Bám sát mục tiêu phát triển kinh tế địa phương trên từng địa bàn, các quỹ đã thường xuyên chủ động cho các hộ thành viên vay vốn. Với tổng doanh số cho vay từ đầu năm đến nay đạt hơn 9.975 tỷ đồng và dư nợ 12.879 tỷ đồng, các QTDND đã cho 361.333 lượt thành viên được vay vốn. Dư nợ bình quân một quỹ là 12,8 tỷ đồng.

Nhờ được vay vốn của các QTDND, hàng nghìn hộ nông dân ở các vùng nông thôn chủ động sản xuất mùa vụ,  mua sắm máy móc công cụ sản xuất, lựa chọn các loại cây giống, con giống phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Ðặc điểm hoạt động của các QTDND là huy động và cho vay các món nhỏ lẻ mà các ngân hàng thương mại chưa "với" đến được.

Hơn nữa, thủ tục vay vốn đơn giản, cán bộ của QTDND phục vụ tận tình chu đáo, làm việc không  kể giờ giấc, cả ngoài giờ hành chính nếu hộ vay có nhu cầu là cán bộ của quỹ có thể đáp ứng ngay.

Với phương châm hoạt động không vì  mục tiêu lợi nhuận, là tổ chức kinh tế hợp tác tự nguyện của đông đảo các tầng lớp nhân dân, mô hình QTDND ngày càng khẳng định hiệu quả đối với kinh tế hộ nông dân.
Ðạt được những kết quả trên là do có sự quan tâm và tạo mọi điều kiện của lãnh đạo các cấp ủy Ðảng và chính quyền địa phương, sự chỉ đạo hướng dẫn giúp đỡ của chi nhánh ngân hàng nhà nước các tỉnh, thành phố.

Cán bộ QTDND cơ sở đang dần dần được đào tạo nghiệp vụ và tăng cường các mặt quản lý. Ðiều đáng chú ý là ở những quỹ này đã lựa chọn được những cán bộ tâm huyết, nhiệt tình, có trình độ về quản lý tiền tệ và hoạt động ngân hàng nên được dân tin tưởng.

Ðây cũng là những nhân tố quan trọng để duy trì hoạt động của các quỹ phát triển bền vững với vai trò là tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính cho nông dân.

Ðể QTDND hoạt động hiệu quả

Các QTDND hiện gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh quyết liệt với các ngân hàng thương mại. Vấn đề đặt ra là, với tiềm lực nhỏ bé, kinh nghiệm quản lý còn thiếu, QTDND làm thế nào để tồn tại và đứng vững?

Bên cạnh những quỹ có doanh số  hoạt động lớn, cũng còn có những quỹ doanh số hoạt động thấp mặc dù đã tích cực, chủ động huy động vốn tại chỗ nhưng do điều kiện kinh tế của một số địa phương nhiều vùng còn có khó khăn nên không đủ vốn đáp ứng nhu cầu vay để phát triển kinh tế  của các hộ thành viên.

Ngoài những quỹ hoạt động hiệu quả, tạo được uy tín đối với dân, cũng còn có những quỹ năng lực quản lý yếu, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào có sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy Ðảng và chính quyền địa phương, bố trí cán bộ xã vào trong Hội đồng quản trị thì nơi đó QTDND hoạt động hiệu quả, ít xảy ra sai sót, tạo được lòng tin với bà con nông dân.

Ngược lại, QTDND sẽ hoạt động không hấp dẫn, kém hiệu quả  nếu thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương.

Ðể xây dựng hệ thống QTDND hoàn chỉnh trên khắp cả nước, hoạt động an toàn, hiệu quả, phục vụ kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong thời gian tới cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên đối với cán bộ QTDND.

Trên cơ sở đó, nâng cao chất lượng tín dụng để bảo đảm QTDND phát triển an toàn, bền vững, bảo toàn được vốn.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của quỹ để phát hiện và khắc phục kịp thời những sai sót.

Ðồng thời, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Ðảng và chính quyền địa phương, lồng ghép hoạt động của các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Phụ nữ, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh với hoạt động của các QTDND để nâng cao vai trò của QTDND ở cơ sở.

Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cần hướng dẫn giúp đỡ các QTDND hoạt động an toàn, bền vững.
Tăng cường đưa cán bộ có trình độ về cơ sở. Bên cạnh đó, có chính sách thu hút nhân tài như tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để khuyến khích động viên những cán bộ này làm việc, gắn bó lâu dài đối với địa bàn nông thôn.
Theo Báo Nhân dân

Các tin liên quan