Dòng tiền chuyển động...
Thị trường chứng khoán sôi động trong cả tháng qua, mặc dù có những phiên rung lắc mạnh nhưng các nhà đầu tư vẫn rất lạc quan về sự đi lên của thị trường. Cùng với đó, bất động sản cũng ấm lên và giá vàng xuống thấp kỷ lục đã hối thúc các nhà đầu tư móc hầu bao. Sự chuyển động của dòng tiền nhìn chung là tích cực, phần nào cho thấy những nỗ lực của các ngành trong suốt thời gian qua. Nhưng cũng có ý kiến đặt vấn đề: nếu dòng tiền dịch chuyển mạnh vào chứng khoán, bất động sản thì nguồn vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng, nhất là “mùa” tín dụng cuối năm sắp bắt đầu.
Một trong những yếu tố đáng chú ý là lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Theo thống kê của NHNN từ 18 đến 22/8, đối với giao dịch bằng VND, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm đã tăng 0,09%/năm so với tuần trước đó; lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tuần tăng 0,06%/năm; lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tháng tăng 0,14%/năm so với tuần trước đó.
Hiện tượng này phải chăng khởi nguồn từ việc chứng khoán tăng ồ ạt khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh, trong khi nguồn cung cho thị trường liên ngân hàng giảm do các ngân hàng đã đổ vào trái phiếu Chính phủ (TPCP). Vì vậy có ngân hàng bị thiếu hụt thanh khoản phải đi vay trên thị trường liên ngân hàng nhiều dẫn đến lãi suất tăng?
Tham vấn ý kiến từ chuyên gia về vốn và kinh doanh tiền tệ của NHTM lớn, phóng viên TBNH nhận được câu trả lời hoàn toàn khác. Vị này cho rằng, không thể nhìn vào một thời điểm mà đưa ra kết luận. Nhu cầu vốn đáp ứng yêu cầu dự trữ bắt buộc tại NHNN của mỗi NHTM là khác nhau và thường tăng vào tuần giữa tháng hoặc cuối tháng. “Sự căng thẳng của thị trường liên ngân hàng, nếu có, phải được thể hiện ít nhất trong 3 tháng liên tiếp” - ông nói. Hơn nữa, theo thông tin từ cuộc họp báo tháng 8/2014 của NHNN, đến 21/8, tăng trưởng tín dụng mới đạt 4,33% nhưng tăng trưởng huy động vốn lên đến 8,12% so với cuối năm 2013.
Ngành Ngân hàng tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho SXKD, kinh tế đang chuyển động sáng sủa
Do đó vốn tạm thời dư thừa trong toàn hệ thống ngân hàng hiện vẫn khá lớn. Bên cạnh đó, với lượng TPCP rất lớn mà các NHTM đã mua vào từ đầu năm đến nay thì có thể nói “lương khô” dự trữ thanh khoản của ngân hàng khá dồi dào. Đó là chưa kể, lượng tín phiếu NHNN đáo hạn trong tháng 9/2014 sẽ rất lớn: lên tới 75 nghìn tỷ đồng - theo thống kê của Bộ phận nghiên cứu BIDV. Nhờ đó nguồn cung trên thị trường tiền tệ sẽ được bổ sung và bù đắp nếu thanh khoản có tín hiệu căng thẳng.
Bên cạnh đó, việc NHNN chủ trương tiếp tục mua vào ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối phục vụ nhu cầu hoạt động ngoại thương dịp cuối năm cũng sẽ cung ra thị trường một lượng VND không nhỏ. Cùng với đó, nguồn cung cho thị trường liên ngân hàng sẽ được bổ sung khi các NHTM không còn mua nhiều TPCP nữa do Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành đến 80,1% kế hoạch phát hành của cả năm, kể cả khối lượng mới được điều chỉnh. Tóm lại, đây chưa phải là thời điểm để lo về thanh khoản hay thiếu hụt nguồn vốn cho tín dụng.
Tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện đáng kể
Nếu chứng khoán tiếp tục tăng trong khi lãi suất huy động đang theo xu hướng giảm thì liệu tiền từ kênh tiết kiệm có chảy sang chứng khoán, làm ảnh hưởng đến kênh huy động vốn của ngân hàng? Theo các chuyên gia kinh tế và xây dựng chính sách thì điều này còn phải xét trên nhiều yếu tố.
Thứ nhất, cần tìm hiểu rõ trong số những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có bao nhiêu % là nhà đầu tư cá nhân và họ chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng khối lượng giao dịch của thị trường? Chỉ khi nào những tỷ lệ này cao mới thực sự ảnh hưởng đến nguồn huy động vốn tiết kiệm của ngân hàng.
Thứ hai, điểm dễ nhận thấy nhất của các nhà đầu tư cá nhân là “đánh nhanh rút gọn” chứ không phải là đầu tư dài hạn, nên nếu có ảnh hưởng đến nguồn huy động vốn ngân hàng thì cũng chỉ trong ngắn hạn. Bằng chứng từ việc thị trường chứng khoán có những cơn rung lắc mạnh gần đây cho thấy, nhà đầu tư cả cá nhân và tổ chức chỉ trực chốt lời và mức độ chấp nhận rủi ro rất thấp.
Những tháng cuối năm, có thể tốc độ huy động vốn của ngân hàng sẽ giảm bởi tác động của việc giảm lãi suất, sức hút dòng tiền từ chứng khoán và những dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế khiến cho một lượng vốn xã hội đổ vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Về khả năng tăng vốn tín dụng ra thị trường, các chuyên gia nhận định: Bên cạnh yếu tố mùa vụ thông thường, tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm còn được hậu thuẫn bởi hàng loạt chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN đã triển khai suốt từ đầu năm đến nay. Đây chính là thời điểm “rơi” của độ trễ chính sách khi bắt đầu phát huy tích cực đến thị trường.
Không chỉ ban hành các văn bản yêu cầu các TCTD đẩy mạnh vốn cho sản xuất kinh doanh, NHNN đã cùng các NHTM thiết kế nhiều chương trình tín dụng cho các đối tượng, phân khúc đặc thù.
Ngoài các chương trình, gói tín dụng được thiết kế riêng theo chiến lược kinh doanh, khả năng của mỗi NHTM, hiện các TCTD đang “chạy” cùng lúc 5 chương trình tín dụng lớn theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của NHNN, đó là các chương trình: Hỗ trợ phát triển nhà ở (gói 30 ngàn tỷ đồng); Mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, cánh đồng mẫu lớn…; Liên kết 4 nhà NH - chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp vật liệu xây dựng; Kết nối NH – DN; và gần đây nhất là Gói tín dụng phát triển thủy sản được triển khai theo Nghị định số 67/2014/NĐ - CP của Chính phủ.
Đích thân Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cùng đoàn công tác đã đến nhiều địa phương gặp nông dân, ngư dân, DN… để trực tiếp nắm tình hình, nghe kiến nghị và cùng chính quyền địa phương, các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng.
Với chủ trương, hành động quyết liệt từ người đứng đầu Ngành đến các TCTD, sự phối hợp vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương những tháng cuối năm, tín dụng cho sản xuất kinh doanh sẽ tăng nhanh, nhu cầu vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh tăng mạnh cùng với sự ấm lên của thị trường bất động sản, chứng khoán bứt phá…, kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách và xã hội vào sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong những tháng cuối năm là rất lớn.