Nếu xét theo nội dung Quyết định số 372/QĐ-TTg thì đến năm 2017, Vĩnh Phúc đã đạt mục tiêu là tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, với 85% số huyện (6/7 huyện) đạt chuẩn (cao hơn tiêu chí quy định là 80%). Tính đến 30/9/2019, đã có 95,5% số xã trong toàn tỉnh hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, nhiều vấn đề lớn về xây dựng nông thôn mới đã được hoàn thành từ nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Sự tham gia tích cực của hệ thống các TCTD từ những chương trình như cho vay giảm nghèo, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường, đến những tiêu chí lớn hơn như cơ sở hạ tầng nông thôn, giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế... đã góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều bản làng, vùng quê nơi đây, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đạt nhiều mục tiêu về chuẩn xây dựng nông thôn mới
Tiếp sức từ chính sách
Kết nối những ngôi nhà mới khang trang của xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc hôm nay là hệ thống đường bê tông trải dài tới từng ngõ, xóm. Kinh tế Vĩnh Thịnh đang ngày một đi lên từ định hướng của xã đưa các loại cây con, giống mới có giá trị cao vào sản xuất tại địa phương, như đầu tư nhà màng, nhà lưới, cơ giới hóa trong vùng sản xuất rau an toàn, chuyển dịch lao động. Đặc biệt, nguồn vốn của QTDND Diễn Thịnh nhiều năm qua đã và đang giúp người dân nơi đây đổi đời từ việc chăn nuôi bò sữa. Tính đến 30/9/2019, dư nợ cho vay của QTDND Vĩnh Thịnh đạt 75 tỷ đồng, trong đó, 300/950 thành viên vay vốn phát triển chăn nuôi bò sữa, nâng đàn bò sữa trong xã lên 7.503 con. Nguồn vốn tín dụng từ QTDND Vĩnh Thịnh đã góp phần đưa Vĩnh Thịnh về đích nông thôn mới từ đầu năm 2018 và hướng tới việc đạt chuẩn nông thôn mới cao hơn.
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Tâm cho biết, hiện 31/31 QTDND cơ sở thực hiện cho vay chương trình xây dựng nông thôn mới, ưu tiên vốn và lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn với dư nợ 2.251 tỷ đồng. Song đó cũng chỉ là một phần nhỏ của bức tranh tín dụng từ hệ thống các TCTD trên địa bàn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua. Một phần lớn khác đến từ nguồn vốn tín dụng của các TCTD khi triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam triển khai các chương trình tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Nhìn lại hành trình gần 10 năm qua, Giám đốc NHNN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sau khi Chính phủ và NHNN có kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, NHNN Chi nhánh đã tham mưu cho UBND tỉnh và Ban chỉ đạo trong việc triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới của địa phương. Với vai trò là Tỉnh ủy viên, Giám đốc NHNN tỉnh càng có cơ hội bàn sâu hơn cùng lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành theo từng quý, từng năm để đầu tư vốn tín dụng ngân hàng, nhằm phát huy thế mạnh về sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề tại các địa bàn xây dựng nông thôn mới của tỉnh, thành phố…
Trong vai trò cánh tay nối dài của Thống đốc, NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của các huyện, thị xã và các xã được lựa chọn xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, nắm bắt kịp thời tình hình cho vay phục vụ xây dựng nông thôn mới của các TCTD và thực hiện hỗ trợ giải quyết khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD với khách hàng vay vốn trên địa bàn. Tín dụng cho nông thôn mới thêm mở với việc các TCTD gắn đầu tư xây dựng nông thôn mới với việc triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Thông tư hướng dẫn số 10/2015/TT-NHNN, Thông tư số 25/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Củng cố sức mạnh từ thực thi
Từ chỉ đạo xuyên suốt của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và NHNN Việt Nam, ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, như chủ động ưu tiên nguồn vốn cho vay, lãi suất cho vay với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông thôn mới thuộc lĩnh vực ưu tiên nên luôn được ưu đãi theo đúng quy định của Chính phủ và Ngành.
Bên cạnh đó, các TCTD đã đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động tín dụng ở nông thôn, đồng thời đơn giản hóa quy trình, thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi để người sản xuất và các tổ chức kinh tế ở nông thôn tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển.
Hệ thống cung ứng tín dụng cho nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ngày càng được mở rộng. Hiện, bên cạnh 31/31 QTDND, có 10/25 ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện cho vay chương trình xây dựng nông thôn mới, ưu tiên vốn và lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn, góp phần hình thành các mô hình, cách làm hay nhằm hoàn thành các tiêu chí mà chương trình đã đề ra.
Giai đoạn từ năm 2012-2014, bình quân tăng trưởng dư nợ lĩnh vực nông thôn mới là 7,82%/năm. Từ năm 2015 đến nay, NHNN Việt Nam mở rộng tiêu chí và đối tượng cho vay nông thôn mới, thì bình quân dư nợ tăng trưởng là 17,32%/năm. Kết quả đến 30/6/2019, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh đạt gần 16.000 tỷ đồng, với 136.400 khách hàng cá nhân và 122 khách hàng doanh nghiệp vay vốn, trong đó, cho vay trồng trọt, chăn nuôi đạt 4.100 tỷ đồng; cho vay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đạt 1.100 tỷ đồng; cho vay thương mại và cung ứng dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn đạt 2.890 tỷ đồng…
Trong đó, Agribank Vĩnh Phúc đã giải ngân được 8.570 tỷ đồng cho gần 21 ngàn lượt khách hàng còn dư nợ, chủ yếu là cho vay hộ sản xuất kinh doanh đạt 6.374 tỷ đồng (chiếm 67,95% dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới của hệ thống); cho vay xây dựng nhà ở đạt 832 tỷ đồng (chiếm 8,87%), còn lại là cho vay các đối tượng khác như: cho vay làm đường nông thôn, xây dựng hệ thống thủy lợi… Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với các phòng, điểm giao dịch ở 137 xã, phường, thị trấn cũng đóng góp một phần không nhỏ giải quyết các nhu cầu vốn thiết yếu cho người dân ở địa bàn nông thôn, dư nợ đạt 2.510 tỷ đồng, với hơn 100 nghìn khách hàng đang vay vốn trực diện giải quyết các tiêu chí nông thôn mới như giảm nghèo, tạo việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường, xóa nhà tạm, nhà dột nát...
Những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong phát triển kinh tế của tỉnh có thể nhìn thấy qua con số hộ nghèo giảm còn 1,66% và có 112/112 xã đạt chuẩn tiêu chí giảm nghèo, tăng 99 xã so với năm 2010; tỷ lệ lao động có việc làm đạt trên 90%, 100% xã đạt tiêu chí về lao động có việc làm duy trì thường xuyên từ 2015 đến nay, tăng 106 xã so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 38,28 triệu đồng/năm.
Những kết quả này thêm khẳng định vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng ngân hàng trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn, an ninh trật tự xã hội ở nông thôn được giữ vững và ổn định.
Tuy nhiên, Giám đốc NHNN tỉnh Nguyễn Văn Tâm vẫn còn nhiều suy tư khi dòng vốn tín dụng chưa thể chảy mạnh hơn nữa, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đầu tư tín dụng chủ yếu là hộ nông dân, do sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, phân tán, vì vậy các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn trong việc nâng mức cho vay, mở rộng tăng trưởng tín dụng; việc mở rộng cho vay đối với các hợp tác xã cũng rất khó khăn khi không đảm bảo điều kiện vay vốn theo quy định nên không cho vay được…
Để hóa giải những nút thắt này, đưa tiến trình xây dựng nông thôn mới của Vĩnh Phúc có bước đi nhanh và vững chắc hơn trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Văn Tâm cho biết, NHNN tỉnh tiếp tục coi nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong việc mở rộng tín dụng. Theo đó, NHNN tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các TCTD xây dựng và triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với người nông dân, đặc thù sản xuất nông nghiệp của từng vùng, miền; Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục tín dụng, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân.
Chi nhánh NHNN tỉnh cũng sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; áp dụng mô hình liên kết, giúp gia tăng giá trị trong sản xuất, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Vĩnh Phúc.
13.11.2024
30.10.2024