Đầu tháng này, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Robert B. Zoellick chính thức tuyên bố: "Việt Nam đã đủ điều kiện để tiếp cận nguồn tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) cho các nước có thu nhập trung bình".
Trước khi quyết định công nhận Việt Nam có đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn mới này, WB đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng về tình hình kinh tế Việt Nam với sự tham gia của những chuyên gia thuộc bộ phận nghiên cứu độ tin cậy tín dụng của WB. Ông Robert B. Zoellick (ảnh) cho biết, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận trong thập kỷ qua về giảm nghèo, WB cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ đối tác tốt đẹp với Việt Nam khi Việt Nam đang tiến lên trên con đường phát triển bền vững cho mọi người. "Trong chuyến thăm Việt Nam vào mùa hè vừa qua, tôi đã tận mắt chứng kiến quyết tâm của Việt Nam nhằm phát huy những thành công đã đạt được, và WB đang chuẩn bị trợ giúp cho những nỗ lực này bằng cả hỗ trợ tài chính lẫn kỹ thuật", ông Robert B. Zoellick nói.
Với những thành tựu đã đạt được, Việt Nam được WB công nhận có đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng quốc tế Tái thiết và Phát triển (IBRD). Đây là nguồn tín dụng có lãi suất thấp nhất đối với các khoản cho vay thương mại dành cho các nước đang phát triển. Nguồn vốn từ IBRD nhằm giúp các quốc gia có thu nhập trung bình giảm nghèo thông qua việc khuyến khích phát triển bền vững qua các khoản vay, bảo lãnh tín dụng, quản lý rủi ro, dịch vụ tư vấn và phân tích. IBRD hiện đang tiến hành cho vay hỗn hợp đối với 16 quốc gia có tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người từ 600 - 5.080 USD. Trong đó có 5 quốc gia có mức GNI bình quân đầu người dưới 905 USD. Đồng thời, IBRD cũng đang tiến hành cho vay riêng nguồn vốn của IBRD đối với 61 quốc gia có mức GNI bình quân đầu người từ 606 - 6.275 USD. Các khoản vay từ IBRD có nhiều ưu đãi hơn so với các khoản vay tương tự của các nước có thu nhập trung bình trên thị trường tài chính quốc tế.
Từ trước tới nay, Việt Nam chỉ được hưởng nguồn tài chính hỗ trợ của WB từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) dành cho các nước có thu nhập thấp để phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo. Theo ông Ajay Chhibber, Giám đốc WB tại Việt Nam, nguồn tài chính mới của WB dành cho Việt Nam sẽ bổ sung cho các khoản hỗ trợ tài chính từ nguồn tài chính của WB cho các nước có thu nhập thấp qua (IDA) mà Việt Nam hiện đang được hưởng. Việt Nam đã được vay hơn 7 tỷ USD của IDA từ năm 1993, khi đó tỷ lệ nghèo của Việt Nam đang là 58%. Đến năm 2004, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 20%. GDP bình quân đầu người đã tăng nhanh, từ dưới 200 USD năm 1993 lên 835 USD vào năm 2007.
Mặc dù Việt Nam hiện vẫn chưa phải là nước có thu nhập trung bình, nhưng ông Ajay Chhibber cho biết, trước khi đưa ra quyết định này WB đã thành lập một nhóm nghiên cứu rất kỹ các điều kiện của Việt Nam, và nhóm này đã đưa ra kết luận "Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình trong thời gian tới". Cũng theo WB, phần lớn những quốc gia đã đạt được sự tăng trưởng và phát triển đặc biệt trong những năm 1960-1970 đều xuất phát từ nguồn vốn của IBRD dành riêng cho các dự án cơ sở hạ tầng và tăng trưởng. "Nay Việt Nam chuẩn bị gia nhập nhóm các quốc gia đang phát triển đó. Chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia từng sử dụng vốn IBRD". Ông Chhibber nhận định như vậy và cho biết, các khoản vay từ IBRD vẫn áp dụng các chính sách về an toàn vốn như các khoản vay khác của WB. Tuy nhiên, ông tin tưởng Việt Nam sẽ sử dụng hiệu quả các khoản vay này. "Mỗi năm WB sẽ đánh giá kết quả của các khoản cho vay. Nếu các nguồn vốn vay thật sự hiệu quả thì Việt Nam sẽ được nhận nhiều vốn vay hơn", ông Chhibber nhấn mạnh.
Theo Thời báo Ngân hàng